Thứ Bảy, ngày 03.05.2014
Lịch sử Việt Nam ghi lại nhiều
chiến công hiển hách của các anh hùng đời Trần như Trần Quốc Tuấn, Trần
Quang Khải, Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư...v.v... mỗi danh tướng đều có
sắc thái riêng biệt tạo thành những vì sao sáng trên bầu trời nước
Việt. Ngoài ra, còn có một vị thân vương làm quan qua 4 đời vua, một thi
sĩ danh tiếng đời Trần và cũng là một danh tướng đã đại phá giặc Mông
Cổ tại Hàm Tử quan, dọn đường cho chiến thắng Chương Dương lẫy lừng sau
đó. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi
đến quý thính giả bài "Danh tướng Trần Nhật Duật" của Việt Thái qua
giọng đọc của Tam Thanh.
Đoạt giáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ cửu giang san.
Tạm dịch:
Chương Dương lấy giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước cũ ngàn thu.
Đó là 4 câu thơ của Thái sư Trần Quang Khải viết về Trần Nhật Duật trong niềm vui non sông sạch bóng quân thù.
Trần Nhật Duật ra đời vào tháng 4 năm Ất Mão (1255) tại thành Thăng
Long. Ông là con trai thứ 6 của vua Trần Thái Tông và là em của vua Trần
Thánh Tông. Thuở nhỏ ông đã nổi tiếng là hiếu học, giỏi võ và tinh
thông cầm kỳ thi họa. Tương truyền khi mới sinh, trên tay của Trần Nhật
Duật có bốn chữ "Chiêu Văn đồng tử". Về sau vua nhà Trần theo đó mà đặt
vương hiệu cho ông là Chiêu Văn Vương.
Ngoài kiến thức Nho học uyên bác, Trần Nhật Duật còn hiểu biết một
cách sâu sắc về phong tục tập quán và đặc biệt là tiếng nói của nhiều
dân tộc. Tánh tình ông phóng khoáng, rộng lượng, học cao hiểu rộng và
giỏi giao tiếp, am hiểu nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Chiêm Thành.
Trần Nhật Duật được phong tước Chiêu Văn Vương năm 12 tuổi, trở thành
vương gia trẻ nhất của triều Trần. Khi 20 tuổi, ông được triều đình
giao nhiệm vụ đặc trách về ngoại giao.
Năm 1280, Trịnh Giác Mật là chúa đạo Đà Giang nổi lên chống lại triều
đình. Cùng lúc đó nhà Nguyên chuẩn bị đại quân sang đánh Đại Việt.
Trước nhu cầu cấp bách, vua nhà Trần phái Trần Nhật Duật làm "Trấn thủ
Đà Giang" mang quân đi dẹp loạn. Trịnh Giác Mật đầu hàng, nên biên giới
Tây Bắc được yên ổn.
Cuối năm 1284, quân Nguyên - Mông chia hai đường ồ ạt kéo sang xâm
lược Đại Việt lần thứ hai. Trần Nhật Duật khi ấy đang trấn thủ ở Quy
Hóa. Trước thế mạnh của quân giặc từ Vân Nam tiến sang, ông rút lui về
nơi vua Trần đóng quân.
Để tránh thế công hùng mạnh của quân địch, triều đình dùng kế "vườn
không nhà trống" ở thành Thăng Long và các vùng phụ cận. Khi quân Nguyên
bắt đầu thiếu thốn lương thảo, quân dân nhà Trần bắt đầu phản công.
Trần Nhật Duật là tướng chỉ huy mặt trận chống quân Nguyên - Mông ở cửa
Hàm Tử. Cuối tháng 4 năm 1285, ông thắng lớn ở Hàm Tử quan. Quân giặc bị
thiệt hại nặng nề, tan hàng bỏ chạy. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì
trận chiến Hàm Tử là một trong những trận đánh nổi tiếng trong cuộc
kháng chiến chống quân Nguyên - Mông và trong cả sử Việt.
Năm 1302, vua Trần Anh Tông phong Trần Nhật Duật làm Thái úy Quốc
công cùng vua trông coi việc nước. Năm 1324, vua Trần Minh Tông phong
ông làm Tá thánh Thái sư và năm 1329, phong ông làm Đại vương. Tính tổng
cộng thì ông làm quan suốt 4 đời vua Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông và
Minh Tông, với 3 lần trấn thủ các vùng đất Đà Giang, Tuyên Quang, Thanh
Hóa. Ông cũng từng trấn thủ kinh thành khi vua Trần và tướng Trần Quang
Khải tuần du phương Nam. Ông cũng là người có công nuôi dạy hoàng tử
Mạnh, tức vua Trần Minh Tông sau này.
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật mất năm Canh Ngọ 1330, hưởng thọ 75 tuổi.
Tuy làm quan đến chức Thái sư nhưng ông lúc nào cũng mang tinh thần
phóng khoáng, bao dung và độ lượng. Là Tể tướng nhưng ông không bao giờ
lạm dụng quyền lực và luôn thể hiện đức tính nhu hòa với mọi người. Ông
cũng là một thi sĩ xuất sắc và là một nhạc sĩ say mê âm nhạc, đã sáng
tác rất nhiều khúc nhạc, lời ca và điệu múa. Vì là người văn võ song
toàn, Trần Nhật Duật được xem là tổ sư của ngành ngoại giao Việt Nam.
* * *
Tên tuổi và sự nghiệp của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã gắn liền
với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần. Tài năng, đức độ, cộng với
sự nghiêm minh ngay thẳng của ông đã góp phần không nhỏ vào sự tồn tại
và hưng thịnh của nước Đại Việt.
Nhưng điều đáng nói nhất là, ông là một trong số những hoàng tử xuất
sắc nhất của triều Trần trong cả hai lãnh vực cầm quân và trị quốc. Trận
chiến Hàm Tử quan đã mở màn cho hàng loạt các chiến thắng vang dội sau
đó của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ, một
đế quốc hùng mạnh nhất thế giới vào giai đoạn đó. Đáng nói hơn nữa là
sau khi non sông sạch bóng giặc thù, Trần Nhật Duật vẫn tận tụy phục
vụ cho dân cho nước suốt mấy đời vua liên tiếp và được xem là một vị
thanh quan sáng chói nhất của Trần triều.
Nhìn lại lịch sử và suy nghiệm về xã hội VN hiện nay, có lẽ không ai
là không mong cầu đất nước có được những con người "văn võ toàn tài và
đức độ sáng ngời" như Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật mới mong phục hưng
được nước Việt trước hiểm họa xâm lược của đế quốc Trung Cộng!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment