Thứ Năm ngày 17.01.2013
Kịch bản người dân bị bắt vào đồn công an, sau đó chết đi một cách bí ẩn, vài mươi giờ sau, công an thông báo đến gia đình nạn nhân rằng người nhà của họ đã chết do tự tử trong đồn công an, … Kịch bản này vốn lặp đi lặp lại rất nhiều lần, từ Bắc chí Nam. Vấn đề được đặt ra là có thật sự người dân đã tự kết liễu đời mình trong đồn công an hay có chuyện gì mờ ám, trắc ẩn ở đây? … Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Nguyễn Nam Trung với tựa đề: “Trò Chơi Đầu Năm Của Cộng Sản Khát Máu” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nói về mức độ khát máu, có lẽ, Cộng sản được xếp vào vị trí đầu tiên của nhóm đầu trên thế giới. Và, nói về mức độ khát máu của Cộng sản, phải nói đến công an cộng sản. Dường như, giết người, trí trá với cái chết của người khác vốn là trò chơi rất lôi cuốn và tạo nhiều khoái cảm cho công an lắm thì phải!
Chưa đầy ba năm, số lượng người dân chết oan trong đồn công an Cộng sản lên đến hàng trăm, chỉ mới mấy ngày đầu năm 2013, đã có một người nông dân chết oan ức trong đồn công an xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Nạn nhân là ông Trần Văn Tân, 53 tuổi, sau khi bị đánh chết ở công an xã, không rõ lý do, công an thông báo rằng ông chết do dùng dây điện tự tử.
Kịch bản người dân bị bắt vào đồn công an, sau đó chết đi một cách bí ẩn, vài mươi giờ sau, công an thông báo đến gia đình nạn nhân rằng người nhà của họ đã chết do tự tử trong đồn công an, hoặc là dùng dây buộc giày, hoặc là dùng dây điện thoại để tự tử... Kịch bản này vốn lặp đi lặp lại rất nhiều lần, từ Bắc chí Nam. Vấn đề được đặt ra là có thật sự người dân đã tự kết liễu đời mình trong đồn công an hay có chuyện gì mờ ám, trắc ẩn ở đây? Và tại sao công an Việt Nam lại khát máu đến độ gây chết người một cách tự nhiên như không hề có gì?
Ở vấn đề thứ nhất, chuyện một người chán đời đến độ tìm cách vào đồn công an để kết thúc cuộc đời nghe ra khó tin được. Vì lẽ, khi bắt một phạm nhân, một nghi can vào đồn để làm việc, điều tra, chẳng bao giờ công an để họ tự do hành động cả. Nếu không có công an viên tra hỏi, đánh đập để moi thông tin... thì ít nhất, họ cũng tống người bị bắt vào xà lim hoặc xích tay bằng còng số 8, còng chân vào ghế bằng khóa sắt để đề phòng trốn chạy, bỏ đi. Ngay cả việc một người đang trong tình trạng thập tử nhất sinh, hơi thở còn thoi thóp như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa mà mới vừa xong ca phẫu thuật đã bị công an xích còng số 8, khóa tay chân vào giường sắt, ông phải đấu tranh, kêu gào đòi tự tử thì bọn họ mới để ông yên được vài giờ, huống hồ gì chuyện bị bắt người vào đồn trong tình trạng sức khỏe bình thường. Giả thuyết về khả năng người dân tự kết liễu mạng sống trong đồn công an là không thể tin cậy được.
Và, câu hỏi được đặt ra tiếp theo là tại sao trên thân thể của tất cả những nạn nhân chết trong đồn công an đều có nhiều vết bầm, đều có những dấu hiệu của sự đánh đập? Câu hỏi này không cần câu trả lời mà nó thêm một lần nữa khẳng định sự man rợ trong hành xử của công an với người dân. Vấn đề còn lại là cần phải đặt một câu hỏi tiếp theo: Tại sao công an Việt Nam lại hiếu sát và khát máu đến thế? Có lẽ, phải xem lại vấn đề giáo dục, tiến trình hình thành nhân cách của họ thông qua giáo dục. Nói về giáo dục, có thể nói rằng hiếm có một nền giáo dục nào khát máu hơn giáo dục Việt Nam, ngay trong kho tàng chuyện cổ tích, chuyện Tấm Cám chẳng hạn, thời cha mẹ chúng ta đi học, chuyện Tấm Cám không có cái kết thúc đầy thù hận và man rợ như thời bây giờ... Hãy đọc truyện Tấm Cám thì rõ, để thấy định nghĩa về lòng tốt và tội ác đã bị đánh tráo từ ngay trong những bài học vỡ lòng trên ghế nhà trường.
Kế đến, phải nói tới vấn đề thơ ca trong văn học, có thể nói là thơ Cộng sản, từ thơ Hồ Chí Minh đến thơ Tố Hữu, Phạm Tiến Duật, Chính Hữu, Vũ Cao... đầy dẫy trong chương trình giáo dục. Tất cả đều nhuộm khói lửa chiến tranh, lòng thù hận và sự cay cú. Thay vì thơ ca làm cho tâm hồn con người mềm mại, ở đây, đã đẩy tâm hồn con người đến chỗ căm phẫn, mù quáng và man rợ. Đó là chưa muốn nhắc đến hàng nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục con người từ xã hội, môi trường văn hóa và chế độ chính trị. Trong một môi trường mà các cán bộ, quan chức thì u ám, dốt nát, dâm ô và tiểu nhân, thầy giáo thì có lòng tà dâm, nhìn nữ sinh là nghĩ đến chuyện giường chiếu nhiều hơn nghĩ đến một con người hữu ích, một công dân tốt trong tương lai. Gia đình cũng tan vỡ, băng hoại theo đà xã hội, thanh niên trở nên mất đạo đức. Trong số hàng triệu thanh niên đó, được trang bị bằng sức mạnh bạo lực hợp pháp để bảo vệ chế độ, mà sau này có thể là công an viên, sĩ quan công an, hoặc sĩ quan công an cấp cao. Và, với nền tảng phi nhân tính từ nền giáo dục, cộng thêm với những trang bị vũ lực, kích thích vật chất để bảo vệ đảng, "còn đảng còn mình", thì mức độ khát máu của công an Việt Nam sẽ khó mà lường được!
Vấn đề được đặt ra là bao giờ người dân không còn chết oan ức?
Câu trả lời là khi công an Việt Nam không còn là công an Cộng sản.
Chỉ cần đơn giản vậy thôi!
Nguyễn Nam Trung
No comments:
Post a Comment