72 Người Ký Tên Vào Bản Kiến Nghị 7 Điểm Về Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp 1992 Kêu Gọi Hủy Bỏ Điều 4
Một bản kiến nghị 7 điểm về dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 do 72 người ký tên đầu tiên vừa được đưa lên các trang mạng. Trong phần mở đầu, bản kiến nghị
vạch rõ Dự thảo sửa đổi hiến pháp do Quốc Hội CSVN soạn thảo chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ. Bản Kiến nghị nhấn mạnh ba tiêu chí căn bản cho một hiến pháp là phải có mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền, kiến tạo tự do, dân chủ, phải thể hiện ý chí chung của nhân dân, và phải được xây dựng theo các nguyên tắc pháp luật phổ biến của thế giới văn minh, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Kiến nghị đưa ra 7 điểm, điểm 1 góp ý về Lời Nói Đầu và chương I, các điểm còn lại góp ý về quyền con người; về sở hữu đất đai; về tổ chức chính quyền ; về quân đội; về trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp; và về thời hạn góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Đặc biệt, Kiến nghị đề nghị không nên quy định vai trò lãnh đạo của Đảng CS trong hiến pháo như trong điều 4 hiện hành. Cũng cần nhắc lại, trong quá khứ, trước các sự kiện quan trọng, đảng CSVN thường kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến. Tuy nhiên tất cả ý kiến đóng góp đều không được đảng quan tâm, thâm chí những người thẳng thắn đóng góp ý kiến thì thường bị trù dập, trấn áp.
Để tìm hiểu thêm về chi tiết bản kiến nghị này, nhà báo Quang Thành có buổi trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Quang A, người đầu tiên trong số 72 người ký tên trong bản kiến nghị.
Dân Dương Nội Tiếp Tục Biểu Tình Đòi Đất Đai Bị Bạo Quyền Hà Nội Cướp Đoạt
Sáng thứ Ba 22/1/2013, trước trụ sở Tiếp Công Dân của Trung Ương Đảng và Nhà nước (số 1 Ngô Thị Nhậm – quận Hà Đông - Hà Nội), một đoàn 33 hộ dân Dương Nội lại tiếp tục có mặt để đưa đơn yêu cầu Ban Dân Nguyện Quốc Hội ra văn bản thông báo cho biết kết quả về việc giải quyết lá đơn mà bà con đã gửi đến Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội từ ngày 16/7/2012.
Trước cổng trụ sở - bà con Dương Nội lại treo tấm băng-rôn màu đen ghi dòng chữ: "Dân oan Dương Nội phản đối Thanh tra Chính phủ và UBNDTP Hà Nội cố ý làm trái điều 57 NĐ 84 CP, vi phạm khoản 3 điều 39 Luật đất đai, điều 45 Luật khiếu nại tố cáo, bao che cho Quận Hà Đông cướp đất".
Cũng tấm băng-rôn nội dung này nhưng nhỏ hơn, hôm thứ Hai 21/1 bà con Dương Nội vừa trương lên trước trụ sở Tiếp Dân đã bị hàng chục công an và dân phòng phường Quang Trung – Hà Đông cùng xe cảnh sát, xô đẩy, giằng kéo để cướp.
Vụ khiếu nại của 33 hộ dân Dương Nội đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ (số 1078) ngày 4/5/2012. Nội dung kết luận Thanh tra Chính phủ đã cố tình bao che cho Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội và quận Hà Đông cướp đất của dân theo đúng như nội dung in trên băng-rôn.
Nhóm 33 hộ dân Dương Nội do bà Dương Thị Khuê đại diện đã được Ban Dân Nguyện Quốc hội tiếp nhận đơn từ 16/7/2012 nhưng đến nay vẫn chìm trong im lặng, chưa ra thông báo giải quyết đơn theo quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo do chính Quốc Hội ban hành.
Philippines Kiện Trung Cộng Ra Tòa Án Liên Hiệp Quốc Về Vấn Đề Chủ Quyền ở Biển Đông
Trong một cuộc họp báo, ông Albert del Rosari, Ngoại trưởng Philippines cho biết là nước ông đã khiếu nại trước một tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về các đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng tại vùng Biển Đông. Các yêu sách của Bắc Kinh đã phạm vào các vùng mà Manila tuyên bố chủ quyền. Đại sứ Trung cộng tại Philippines đã được thông báo về sự kiện này.
Giải thích về quyết định của Philippines, Ngoại trưởng Albert del Rosario xác định: "Philippines đã sử dụng gần như cạn kiệt mọi con đường chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp biển đảo với Trung cộng... Chúng tôi hy vọng rằng các thủ tục trọng tài sẽ đạt tới một giải pháp lâu bền".
Theo Ngoại trưởng Philippines, đơn khiếu nại do nước ông đệ trình trước tòa án Liên Hiệp Quốc đã xác định tính chất hoàn toàn bất hợp pháp của cái gọi là "đường chín đoạn" của Bắc Kinh, phác họa chủ quyền lãnh thổ của Trung cộng trên Biển Đông, gộp luôn các vùng biển và hải đảo sát cạnh các nước láng giềng.
Văn kiện này đồng thời yêu cầu Trung cộng "chấm dứt các hoạt động phi pháp, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trong khuôn khổ công ước UNCLOS 1982".
Theo lời Ngoại trưởng Albert del Rosario, sở dĩ Philippines phải viện đến biện pháp này, đó là vì thái độ thiếu hợp tác của Trung cộng.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Thông Qua Nghị Quyết Về Bắc Triều Tiên
Chiều hôm qua thứ Ba 22/1, 15 nước thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đồng thanh bỏ phiếu thông qua nghị quyết gồm 20 điểm, mở rộng các biện pháp chế tài hiện hữu nhắm vào Bắc Triều Tiên để trừng phạt chế độ cộng sản này về một vụ phóng hỏa tiễn không được cho phép hồi tháng 12 năm 2012 vừa qua. Nghị Quyết khẳng định Hội Đồng Bảo An quyết tâm áp dụng các hành động đáng kể trong trường hợp xảy ra thêm một cuộc thí nghiệm hạt nhân hay phi đạn đạn đạo.
Nghị Quyết này liệt kê thêm sáu cơ quan và cá nhân Bắc Triều Tiên, trong đó có Cơ quan Không gian Bình Nhưỡng, Ủy ban Kỹ thuật Không gian Triều Tiên và người đứng đầu cơ quan đó, ông Paek Chang-Ho đã có tên sẵn trong "sổ đen" của Liên Hiệp Quốc. Nghị Quyết này cũng liệt kê thêm ba cá nhân khác vào "sổ đen" này.
Các xí nghiệp và các cá nhân trong danh sách đen sẽ bị phong tỏa tài sản trên trường quốc tế trong khi ông Paek và những người khác bị liệt kê trong "danh sách đen" theo Nghị Quyết hôm thứ Ba 22/1 cũng sẽ bị lệnh cấm du lịch trên thế giới.
No comments:
Post a Comment