Wednesday, January 23, 2013

Ổn định chính trị


Thứ Tư ngày 23.01.2013     
Lịch sử nhân loại văn minh cho thấy, trật tự xã hội trong một quốc gia chỉ ổn định thật sự khi quốc gia có một nền dân chủ chân chính. Trong một quốc gia dân chủ đa nguyên, tuy quần chúng và các phe nhóm khác nhau có thể ồn ào phát huy quan điểm của mình, nhưng luôn btrong vòng cương btoả của luật pháp. Trong khi đó, những quốc gia độc tài đảng trị, tuy bề mặt phẳng lặng như tờ vì bộ máy công an mật vụ kềm chế, nhưng nhưng làn sóng phẫn nộ âm ỷ bên trong. Một khi bộc phát, sự vắng bóng của những định chế chính trị độc lập sẽ đưa đến cách mạng lật đổ độc tài và sự hình thành một trật tự xã hội mới.
Chính vì thế các xã hội dân chủ như Hoa Kỳ và Nam Hàn bề ngoài đôi khi nổi sóng, nhưng lại ổn định hơn Trung Quốc và Việt Nam. Vì thế nếu CSVN muốn xây dựng một xã hội ổn định hầu phát triển đất nước lâu dài, thì phải hủy bỏ điều 4 hiến pháp, chấm dứt định hướng xã hội chủ nghĩa, trả quyền tự quyết cho nhân dân và gia nhập tiến trình dân chủ hoá vô điều kiện. Mời quý thính giả theo dõi bài quan điềm của LLDTCNTQ qua sự trình bày của Hải nguyên để kết thúc chương trình hôm nay.
Thành phần lãnh đạo đảng CSVN thường viện dẫn nhu cầu "ổn định" để biện minh cho hành động cấm đóan, đàn áp những người khác biệt chính kiến. Thậm chí, gần đây, Đảng cũng nại nhu cầu "ổn định" để ngăn chận, đàn áp các cuộc biểu tình của dân chúng lên án hành động gây hấn của Trung cộng ở Biển Đông.

Điển hình là tuyên bố của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng CSVN trong buổi phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ về tình hình Biển Đông ngày 1 tháng Giêng vừa qua . Khi được hỏi về các cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng, ông Vịnh trả lời, nguyên văn, "Biểu tình bây giờ sẽ gây mất ổn định. Trong khi đó đất nước ta đang hơn bao giờ hết cần ổn định, cần sự đồng thuận để phát triển, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ."
Có đúng biểu tình làm mất đồng thuận, gây trở ngại cho phát triển không?
Sự kiện thức tế cho thấy lập luận này hòan toàn sai lầm. Hãy lấy Việt Nam đối chiếu với Thái lan, một quốc gia có địa lý và dân số khá tương đồng.
Tại Việt Nam, trong 38 năm qua, từ 1975 đến nay, đảng CSVN là tập đoàn duy nhất cai trị đất nước. Đây là sự thống trị tuyệt đối và toàn diện, vừa trong thực tế, vừa trên văn bản như điều 4 của hiến pháp Việt Nam quy định. Vì vậy tại Việt Nam hoàn toàn không có biểu tình. Mãi cho đến năm 2007, trước việc Trung Công xâm lấn trắng trợn biển, đảo của Việt Nam, một vài cuộc biểu tình mới diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn, với số người tham dự rất khiêm nhường.
Cũng trong thời gian từ 1975 đến nay, tại Thái Lan, mỗi năm có hàng trăm cuộc biểu tình lớn nhỏ, có cuộc quy tụ trên một trăm nghìn người. Dân chúng Thái biểu tình vì nhiều lý do. Giới nông dân, công nhân, thợ thuyền biểu tình vì các quyền dân sinh, như đòi giảm thuế má, tăng các trợ cấp hưu trí, trợ cấp thất nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc. Thanh niên, sinh viên biểu tình chống tăng học phí, đòi cung cấp công ăn việc làm, hoặc phản đối chính phủ khi quyền tự trị đại học bị xâm phạm. Dân chúng Thái cũng tham dự nhiều cuộc biểu để biểu tỏ lập trường chính trị, như ủng hộ đảng phái này, bài bác đoàn thể nọ, hoặc phản đối, hoặc tán thành các quyết định, chính sách của chính phủ.
Thế nhưng, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, lợi tức tính theo đầu người, thường gọi tắt là GDP, của Thái đã tăng từ 200 mỹ kim trong thập niên 1970 lên 5318 mỹ kim năm 2011. Còn tại Việt Nam, GDP trong những năm 1970 xấp xỉ Thái Lan, khoảng 180 mỹ kim, nhưng năm 2012 chỉ ở mức 1372 mỹ kim. Nếu dùng mức GDP làm chỉ số do mức phát triển thì Thái Lan phát triển gấp 4 lần Việt Nam, dù rằng có thể nói Thái là quốc gia đứng đầu về số lượng các cuộc biểu tình ở Đông Nam Á.
Nếu so sánh Việt Nam với Nam Hàn và Đài Loan, những quốc gia mà thỉnh thoảng dân chúng vẫn biểu tình, thì mức phát triển của Việt Nam lại càng thua kém một trời một vực!
Sai lầm là ông Nguyễn Chí Vịnh đã chủ trương "ổn định" là tình trạng trong đó dân chúng răm rắp tuân theo mênh lệnh của kẻ cầm quyền, không ai có quyền biểu tỏ sự khác biệt ý kiến. Ông Vịnh cũng gọi đây là sự "đồng thuận" giữa nhân dân và nhà nước. Vì hiểu sai -- hay cố tình hiểu sai -- như vậy, ông Vịnh và đảng CS của ông chủ trương phải làm mọi cách để bắt buộc dân chúng phục tùng Đảng. Nào là áp đặt điều 4 vào hiếp pháp để hiến định hoá ngôi vị lãnh đạo độc tôn của Đảng. Nào là thi hành những biện pháp trấn áp man rợ để đe dọa, làm nhụt chí những người có hành vi chống đối. Thậm chí dùng họng súng và nhà tù để triệt hạ những con người khí phách, kiên cường giám đứng lên phản kháng lại sự thống trị của Đảng.
Ông Vịnh và đảng của Ông đã cố tình quên rằng, trong thế kỷ 21 này, sự "ổn định" thật sự không thể duy trì bằng các biện pháp khống chế, bằng nhà tù, họng súng. Nói khác đi, ngày nay, người dân không phải tuân phục kẻ cầm quyền, mà ngược lại thành phần lãnh đạo đất nước là do dân chúng chọn lựa qua bầu cử tự do. Nếu thành phần lãnh đạo này kém cỏi, không thực hiện được những mục tiêu đề ra, sẽ bị dân chúng thay thế bằng thành phần lãnh đạo mới theo những quy định của luật pháp. Đó là thể chế dân chủ, một thể chế vừa phù hợp với các giá trị nhân bản, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển mọi mặt của con người.
Nói cụ thể hơn, chỉ có sự ổn định phát xuất từ thể chế dân chủ mới giúp tạo được sự đồng thuận dân tộc, để từ đó giúp cho đất nước phát triển. Và cũng chỉ trong điều kiện này thì mới huy động được sức mạnh của toàn dân để bảo vệ hữu hiệu bờ cõi, như lịch sử dân tộc Việt đã nhiều lần minh chứng.
Vì vậy, lập luận của Ông Nguyễn Chí Vinh cho rằng biểu tình chống Trung cộng gây trở ngại cho công cuộc phát triển đất nước và không tốt cho việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chỉ là cách nói để chống chế cho thái độ yếu hèn của nhà cầm quyền trước sự lấn lướt của Bắc triều.
Lập luận này một lần nữa đã chứng minh thành phần lãnh đạo Đảng CSVN chỉ là một tập đoàn "hèn với giặc – ác với dân"./.

No comments:

Post a Comment