Chủ nhật ngày 06.01.2013
Các dẫn chứng khách quan về kinh tế và chính trị học cho thấy nơi đâu có CS chủ nghĩa, thì ở đó có độc tài, lạc hậu và nghèo khổ bần cùng. Thế thì CS chủ nghĩa quái ác kia là nguyên nhân, hay là hậu quả của tình trạng tệ hại xảy ra trong các quốc gia bất hạnh này? Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Đà Giang với tựa đề: "Cộng Sản Chủ Nghĩa và Tình Trạng Lạc Hậu Trong Một Quốc Gia", sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Giáng Sinh và Tết Dương Lịch, là thời điểm quan trọng không những cho những người theo Thiên Chúa Giáo như Công Giáo, Chính Thống Giáo hay các hệ phái Tin Lành vì thông điệp: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm", mà cũng là thời điểm quan trọng cuối năm cho tất cả những người thuộc các tôn giáo khác như Phật Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, để suy tư về tiền đồ của dân tộc mình.
Một trong những sự kiện xảy ra trên thế giới làm cho người Việt chúng ta suy nghĩ: đó là tại Nam Hàn trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, dân chúng đã bầu bà Phác Cận Huệ, một phụ nữ 60 tuổi, vào chức vụ tổng thống đầy quyền lực này. Điều đáng chú ý, bà là con gái của cố Tổng thống Nam Hàn Phác Chánh Hy. Ông Phác Chánh Hy chấp chánh từ năm 1961 cho đến khi bị ám sát vào năm 1979. Ông nổi tiếng vì có 2 lý do đối nghịch: Thứ nhất, ông đến từ quân đội, và lãnh đạo cuộc đảo chánh để lật đổ một chế độ dân sự lên nắm quyền. Tuy nhiên, sau đó chính quyền của ông bị cáo buộc là độc tài, quân phiệt. Thứ nhì, ông được thừa nhận là tác giả của phép lạ kinh tế Nam Hàn, đã nâng cấp quốc gia nhược tiểu này trở thành một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới. Cũng từ chế độ quân phiệt này mà phát sinh ra nền dân chủ hiện đại của Nam Hàn.
Thử so sánh Nam Hàn với Bắc Hàn. Nam Hàn hiện nay là một trong những cường quốc trên thế giới, trong khi Bắc Hàn là một chế độ vắng bóng nhân quyền, dân chúng triền miên sống trong nghèo khổ. Những biểu hiện vừa buồn cười vừa tàn ác của chế độ này là một quốc nhục cho dân tộc Đại Hàn.
Và so sánh giữa Nam Hàn với Việt Nam. Vào thập niên 60, mức độ phát triển kinh tế của miền Nam Việt Nam và Nam Hàn tương đương với nhau. Sau hiệp định Genève 1954, CS miền Bắc đã âm thầm tiến hành một cuộc xâm lăng miền Nam hầu áp đặt ý thức hệ giáo điều Mác-Lê lên toàn bộ đất nước, làm hủy hoại phần lớn tiềm năng phát triển kinh tế của miền Nam. Trước năm 1975, kinh tế miền Nam Việt Nam đã vượt lên trên nhiều quốc gia khác như: Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân, có thể nói tương đương với Mã Lai. Nếu CSVN không thành công vào ngày 30/4/1975, thì miền Nam Việt Nam ngày nay đã là một trong những con rồng của châu Á. Cũng như nếu CS Bắc Hàn thành công trong ý đồ xâm chiếm Nam Hàn vào những năm 1950 đến 1953, thì cả hai miền Hàn Quốc đã đắm chìm trong thống khổ. Nhân loại đã không có dịp chứng kiến sự khai sinh một cường quốc kinh tế đầy sinh động và sáng tạo trên vòm trời Đông Á.
Khi so sánh những chỉ số về tự do chính trị, nhân quyền, mức độ phát triển kinh tế giữa Nam Hàn và Việt Nam hôm nay, chúng ta phải ngậm ngùi hổ thẹn! Chế độ CSVN độc tài, độc đảng, tham nhũng đứng hạng nhất thế giới, nhân quyền bị chà đạp, lợi tức đổ đầu người của Việt Nam chỉ có 1,500 Mỹ kim. Chế độ Bắc Hàn cũng không hơn Việt Nam nhiều, với lợi tức đổ đầu là 1,800 Mỹ kim. Trong khi Nam Hàn dân chủ, đa nguyên, đa đảng, nhân quyền được tôn trọng, lợi tức đổ đầu người của Nam Hàn là 23,020 Mỹ kim. Kết luận hiển nhiên cho thấy ở đâu có CS chủ nghĩa ngự trị, thì nơi đó bị lạc hậu, bần cùng, đầy rẫy bất công. Chủ nghĩa CS và sự nghèo khổ bám víu nhau như bóng với hình.
Câu hỏi đặt ra: chủ nghĩa CS là nguyên nhân phát xuất tình trạng lạc hậu, hay tình trạng lạc hậu là nguyên nhân phát xuất chủ nghĩa CS? Đâu là nguyên nhân và đâu là hậu quả?
Một số học giả cho rằng sự lạc hậu, tình trạng dân trí thấp, kinh tế kém phát triển là nguyên nhân để CS chủ nghĩa bám rễ và phát triển trong một quốc gia. Các học giả này lập luận rằng tuy chủ nghĩa CS phát xuất từ Karl Marx (một tư tưởng gia sinh tại Đức và sống rất lâu tại Anh Quốc) nhưng vì dân trí tại Đức, Anh Quốc và các quốc gia Tây Âu cao, nên dân chúng đủ cảnh giác để loại bỏ chủ thuyết này ngay từ trứng nước. Trong khi Nga Sô, các quốc gia Đông Âu, Trung Hoa, Việt Nam và Hàn Quốc là những dân tộc lạc hậu, dân trí thấp nên dễ bị chủ nghĩa CS mê hoặc. Họ kết luận, tình trạng lạc hậu của một dân tộc là nguyên nhân để CS chủ nghĩa bám rễ và phát triển.
Tuy nhiên nhiều học giả khác không đồng ý với lập luận trên, và cho rằng chủ nghĩa CS mới đích thực là nguyên nhân của lạc hậu và bần cùng. Hãy xem Nam Hàn và Đài Loan không bị ách CS, nên chỉ trong vòng 3 thập niên đã trở thành những cường quốc kinh tế với nền dân chủ đa nguyên. Trong khi Nga Sô, các nước chư hầu Đông Âu và Trung Cộng không những bị dậm chân tại chỗ mà còn thụt lùi về kinh tế. Rõ ràng chủ nghĩa CS chính là nguyên nhân của lạc hậu và bần cùng. Cho dù kinh tế Trung Cộng hiên nay được thế giới xem như có phát triển, nhưng so với Đài Loan thì Trung Cộng vẫn thua xa một trời một vực. Trung Cộng với lợi tức đổ đầu là 5,413 Mỹ kim, so với Đài Loan là 19,888Mỹ kim.
Các phân tích cho thấy cả 2 lập luận trên đều đúng! Sự lạc hậu và dân trí kém của một dân tộc, là nguyên nhân đưa đến việc bám rễ và trưởng thành của chủ nghĩa CS. Tuy nhiên sau khi CS chủ nghĩa bám rễ và phát triển trong lòng một dân tộc, thì nó cũng có công năng ngăn chận sự phát triển về kinh tế và dân chủ của dân tộc đó. Chính vì lý do này mà thế giới đã phân ra 2 thành phần nhân loại: Thành phần thứ nhất gồm những quốc gia may mắn không bị CS chủ nghĩa thống trị. Thành phần thứ nhì là những nước bất hạnh bị rơi vào chủ thuyết này và sống trong cảnh khổ triền miên.
Lối thoát duy nhất của các dân tộc bị ách CS chủ nghĩa là người dân phải mau chóng vùng lên lật đổ độc tài, để bắt kịp đà tiến hóa của nhân loại văn minh. Công việc này rất khó vì độc tài CS tinh vi giảo quyệt nhất từ cổ chí kim, nhưng các dân tộc đáng thương mà trong đó có Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác. Toàn dân Việt nếu đồng tâm hiệp lực, thì chắc chắn năm 2013 sẽ là khởi đầu cho một cuộc hành trình mới, trên con đường dân chủ đa nguyên đem lại phồn vinh kinh tế cho dân tộc.
Đà Giang
No comments:
Post a Comment