Chủ nhật ngày 20.01.2013
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua giọng đọc của Dian ".
Kính thưa quí vị,
Như đã hẹn trong lần phát thanh trước, chuyên mục "Nói với người cộng sản" hôm nay xin dành trọn thời lượng để nói về một nhân vật đặc biệt, một tấm gương mà các đảng viên đảng CSVN cần noi theo -- Đó là cố Trung tướng Trần Độ.
Tướng Trần Độ, tên do cha mẹ đặt là Tạ Ngọc Phách, sinh năm Quí Hợi 1923 tại làng Thư Điền, xóm Bát Điếu, Tiền Hải, Thái Bình.
Mồ côi cha từ khi mới lên bảy tuổi nhưng ngay từ bé, khi còn ở chốn thôn quê hay khi lên học tiểu học trên Hà Nội, Tạ Ngọc Phách luôn thể hiện một bản tính cương cường, ngay thẳng.
Tướng Trần Độ đã tham gia kháng Pháp từ lúc nhỏ và vào tù ra khám khi mới 15- 16 tuổi. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11 năm 1940.
Nhờ vào khả năng của mình, Ông đã trở thành một nhân vật lãnh đạo trong đảng.
Năm 1958, vào tuổi 35, Trần Độ được phong Thiếu Tướng.
Năm 1960 Trần Độ được vào Trung ương .
Năm 1974, Trần Độ ra Bắc, được phong Trung Tướng, rồi giữ các chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Văn Hóa, Phó chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Văn hóa-Văn nghệ Trung ương, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa-Giáo dục Quốc hội.
Tuy nhiên cũng từ 1974, Trần Độ đã mất niềm tin nơi đảng và chủ nghĩa Mác Lê. Cũng vì lý do này, ông đã bị thất sủng và phải về hưu năm 1992.
Từ khi về hưu, Tướng Trần Độ ngày càng dành thời gian để trao đổi, giao thiệp nhiều hơn với những người có cùng quan điểm cải cách dân chủ như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Phan Đình Diệu, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Hà Sỹ Phu, Lê Hồng Hà, Dương Thu Hương, Mai Thái Lĩnh, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Bùi Tín, v.v. Và ngày 03 tháng Một năm 1995 Trần Độ đã gửi một lá thơ tới Bộ Chính trị với đề nghị phải thay chế độ chuyên chính vô sản bằng chế độ dân chủ pháp trị.
Năm tháng sau, nhân dịp Đảng cộng sản đang sửa soạn mở Đại hội 8, Trần Độ lại gửi một lá thơ tới Bộ Chính trị với yêu cầu mạnh mẽ hơn lá thư đầu. Nhưng, không chỉ không được Bộ Chính trị đáp lời, kể từ đó Tướng Trần Độ liên tục bị sách nhiễu, đe dọa, bôi nhọ và bị khai trừ khỏi Đảng vào ngày 04 tháng Một năm 1999 khi Trần Độ đã có 58 tuổi Đảng.
Tuy nhiên, như bản tính cương cường, ngay thẳng từ nhỏ, Tướng Trần Độ vẫn vững vàng và nhận thức của Tướng Trần Độ về chính trị, dân chủ ngày càng trở nên sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn. Dù ở tuổi gần 80, với những căn bệnh mãn tính ngày đêm hành hạ, Tướng Trần Độ vẫn tiếp tục lên tiếng đòi hỏi những quyền tự do, dân chủ cho người dân và sát cánh cùng nhiều nhân sỹ đấu tranh dân chủ ở quốc nội cũng như hải ngoại.
Cuối năm 2000, Trần Độ bắt tay ghi lại những suy nghĩ có tính tổng kết cho cuộc đời của bản thân. Những dòng ghi chép không nhiều, nhưng qua đó Trần Độ đã thể hiện một nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về hệ thống chính trị đương thời và một nỗi trăn trở xót xa cho tiền đồ dân tộc trước hiểm họa độc tài đảng trị. Dù bản thân đã có một phần trách nhiệm dựng nên cái chế độ độc tài độc ác đó nhưng Trần Độ không e ngại nhìn thẳng vào sự thật.
Ngày 7 tháng 12 năm 2000 Trần Độ ghi: "Tiếp tục câu hỏi lớn: Cuộc Cách Mạng Việt Nam đã đem lại được cái gì cho nhân dân Việt Nam?"
Trong nhật ký đó, Trần Độ đã tự trả lời như vầy:
" Bộ máy quản lý xã hội thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính. Đó là chuyên chính tư tưởng, sự chuyên chính tư tưởng được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là những tên "lưu manh tư tưởng"...
Nền chuyên chính vô sản này đã làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc,...làm nhiều thế hệ con người chỉ trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ, giáo điều...Nó tạo ra và nó bắt buộc nhân dân phải có một tâm lý lệ thuộc, lệ thuộc vào nhà nước, lệ thuộc vào đảng, lệ thuộc vào cán bộ và một tâm lý tuân phục, kể cả người cao nhất cũng phải tuân phục một cái gì bí và hiểm.
Nền chuyên chính vô sản hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp tội ác ghê tởm của Tần Thủy Hoàng và các vua quan tàn bạo Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài."
Ngày 09 tháng Tám năm 2002 Tướng Trần Độ đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi. Chính quyền đã sợ hãi tới mức 4 ngày sau mới dám loan báo chính thức về cái chết của ông, trước tang lễ có một ngày. Nhưng nhân dân, đồng đội, đặc biệt là những chiến sỹ dân chủ, những người yêu dân chủ khắp trong Nam ngoài Bắc và ở hải ngoại, trên khắp thế giới, các hãng tin quốc tế đã ngay lập tức thông tin về sự ra đi của ông với niềm tiếc thương, ngậm ngùi, kính phục.
Nếu hôm nay còn sống, chắc chắn Tướng Trần Độ sẽ rất đau lòng, phẫn nộ hơn, trước tình trạng chính quyền ngày càng nhu nhược với Trung Cộng và độc ác hơn với nhân dân.
Hôm nay lời kêu gọi năm xưa của Tướng Trần Độ vẫn còn nguyên giá trị:
"Phải cải cách lại toàn bộ hệ thống chính trị hiện có, xóa bỏ chế độ đảng độc tôn lãnh đạo. Phải thực hiện đa nguyên, đa đảng...Thực trạng đã chứng minh rõ rệt là một đảng mà lại độc tôn và toàn trị thì chỉ có thể phản dân chủ."
Đó chính là mong mỏi của vong linh Tướng Trần Độ đang muốn nhắn gửi đến tất cả những đảng viên đảng CSVN.
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình tuần sau.
Tiến Văn
No comments:
Post a Comment