Việt Nam yêu cầu Trung cộng hủy bỏ ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông
Hôm qua thứ Hai ngày 14/1/2013, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước một số hoạt động vừa qua của Trung cộng ở Biển Đông, đặc biệt là việc công bố chính thức nội dung "Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam", tổ chức tập trận tại đảo Quang Hòa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức khai thông và cung cấp dịch vụ 3G, CDMA tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, phê duyệt "Quy hoạch phát triển du lịch tàu khách thành phố Tam Á 2012 – 2022" trong đó có tuyến đi tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định:
"Những hoạt động nêu trên của phía Trung quốc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp, trái với tinh thần DOC, không có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Việt Nam cương quyết phản đối và yêu cầu Trung Cộng hủy bỏ ngay các hoạt động sai trái đó"
Việt-Mỹ đối thoại quốc phòng
Việt Nam và Hoa Kỳ vừa tổ chức cuộc đối thoại về chính sách quốc phòng lần thứ ba tại Hà Nội hôm thứ Sáu 11/1/2013.
Cuộc đối thoại song phương diễn ra giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh, và Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, ông Vikram Singh. Đôi bên trao đổi quan điểm về hợp tác quốc phòng cùng các vấn đề an ninh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Việt-Mỹ cũng xem lại các kết quả đạt được trong 5 lĩnh vực đề ra trong Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương ký hồi tháng 9/2011.
Hai nước cho rằng đã đạt được một số tiến bộ đặc biệt trong các vấn đề hợp tác nhân đạo bao gồm tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh, tháo gỡ bom mìn còn sót lại và tẩy độc các địa điểm bị ô nhiễm chất da cam-dioxin.
Ngành quốc phòng của hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ cũng đề nghị mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực mới như đào tạo nguồn nhân lực, quân y, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc và cứu cấp thiên tai. Đôi bên hy vọng hợp tác quốc phòng song phương sẽ góp phần thắt chặt quan hệ Việt-Mỹ vì hòa bình và ổn định vùng Châu Á-Thái Bình Dương, khu vực đang đối mặt với các tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông.
Nhật Bản tăng cường quốc phòng bảo vệ quần đảo Senkaku
Các phương tiện truyền thông Nhật Bản cho biết là Tokyo sẽ tăng cường thêm hai tàu tuần duyên để bảo vệ quần đảo Senkaku, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng. Đồng thời, ngày Chủ nhật 13/1, lần đầu tiên, quân đội Nhật Bản đã tiến hành tập trận với nội dung đánh chiếm lại một hòn đảo bị kẻ thù xâm lấn. Tàu Kurose 335 tấn và tàu Chikuzen, 3100 tấn, có trang bị trực thăng, sẽ được khai triển vào tháng Tám và tháng Mười tới.
Trong ngày 13/1 tại một căn cứ quân sự ở Chiba, phía Đông Nam Tokyo, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã thực hiện một cuộc tập trận giành lại một hòn đảo bị kẻ thù xâm chiếm. Cuộc tập trận kéo dài khoảng 40 phút, với sự tham gia của 300 binh sĩ, 20 máy bay tiêm kích và hơn 3 chục xe thiết giáp.
Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nhấn mạnh là cần tăng cường khai triển lực lượng phòng vệ nhằm đối phó với môi trường an ninh căng thẳng xung quanh Nhật Bản.
Hàng chục ngàn người Nga xuống đường đòi giải tán quốc hội
Chiều Chủ nhật 13/01/2013, tại Moscova và Saint Petersburg, hàng chục ngàn người đã biểu tình chống đạo luật cấm công dân Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi. Đạo luật này, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013 là một trong những biện pháp của Hạ viện Nga Duma trả đũa đạo luật «danh sách Magnitski» của Mỹ, cấm quan chức Nga có hành vi chà đạp nhân quyền đặt chân đến Hoa Kỳ.
Phản ứng bất tương xứng của quốc hội Nga, do phe Tổng thống Putin kiểm soát đã gây ra một làn sóng phản đối trong xã hội dân sự. Đoàn biểu tình mang biểu ngữ đòi giải tán quốc hội. Trong chiều hướng này, nhật báo đối lập Novaia Gazetta vận động được 100.000 chữ ký.
Tại Nga, hiện có khoảng 120.000 trẻ phải sống trong các viện mồ côi trên toàn quốc. Đa số không phải là trẻ mồ côi nhưng vì cha mẹ quá nghèo nên không thể nuôi con.
No comments:
Post a Comment