Friday, January 11, 2013

Giáo xứ Cồn Dầu và mùa Giáng Sinh Buồn phần 2

Thứ Ba ngày 08.01.2013      

"Góc khuất cuộc đời" là một chuyên mục đồng hành cùng những mảnh đời không may mắn, những số phận bị đẩy đến đường cùng, những gia đình chịu nhiều thiệt thòi bởi bất công, tham lam và tội ác của chính quyền độc tài. Và, trên đất nước thân yêu vốn chịu nhiều nhân họa, thiên tai này, có những gia đình sống lây lất, không lối thoát, bữa ăn, cái mặc đối với họ luôn là một thứ gì đó gây bất an, đau khổ, mặc dù họ vẫn nỗ lực vượt qua bản thân hằng ngày. Mời quí thính giả lắng nghe câu chuyện Giáo xứ Cồn Dầu và mùa Giáng Sinh Buồn phần 2. Phóng sự này do Việt Trung thực hiện, qua giọng đọc của Hướng Dương
Mười hai giờ trưa, chúng tôi ghé thăm nhà thờ Cồn Dầu, băng qua con đường đầy sình lầy bởi những ổ gà và ổ voi do vết lăn những chiếc xe tải chở đất vào xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Dầu của nhà cầm quyền Đà Nẵng đã cày nát. Quan cảnh hoang vu, điêu tàn bởi nhìn đâu cũng chỉ thấy vài bụi tre, vài mái nhà im ỉm đóng cửa, vài cái nền nhà bị đập phá tan hoang, gạch vữa vung vãi khắp nơi. Có thể nói chưa bao giờ mà một chuyến đi thăm một giáo xứ lại tạo cảm giác buồn bã giống như đang đến nghĩa trang như lúc này.

Ghé thăm nhà thờ Cồn Dầu, đi một vòng quanh nhà nhờ, chúng tôi chỉ nhận được một sự tránh né rất khéo léo của mọi người ở đây. Có một điểm khá đặc biệt khi đến thăm Cồn Dầu là dường như giáo dân Cồn Dầu từ người nông dân cho đến người làm vườn đều rất lịch sự, nhã nhặn, nói năng khiêm cung, vừa phải. Khi chúng tôi hỏi thăm một người về vấn đề đàn áp ở Cồn Dầu, chị này tỏ ra rất cẩn thận và lo sợ nhưng vẫn rất lịch sự, và ứng xử khéo léo. Chị nói: "Ở đây đang có chuyện rất nhạy cảm, mấy anh đi đứng nên cẩn thận là tốt nhất và đừng hỏi han ai về chuyện đàn áp giáo dân. Mới hôm qua, cô Hà Thanh vừa bị đánh một trận sống cũng không yên mà chết cũng không nổi vì trả lời phỏng vấn của báo nước ngoài. Mấy anh nhớ cẩn thận!".
Chúng tôi tiếp tục đi sang những ngôi nhà khác, đang loay hoay hỏi thăm nhà chị Hà Thanh thì xuất hiện ngay một người mặt rổ, lạnh như tiền, chỉ cần nhìn thoáng qua chúng tôi cũng đoán được là ai, người này ngang nhiên hỏi chúng tôi cần gì, đến Cồn Dầu làm gì, chúng tôi trả lời đến đây để đi thăm một người bà con, người này hỏi tiếp, bà con tên gì, chúng tôi vờ như không nghe câu hỏi và nói trớ sang chuyện khác nhưng người này vẫn tiếp tục hỏi lại câu hỏi ban đầu, chúng tôi bà con với ai ở đây, đến lúc này, chúng tôi buộc phải nói thẳng với anh ta là chúng tôi chỉ trả lời câu này khi anh ta là công an khu vực đang thi hành nhiệm vụ và chúng tôi là đối tượng thi hành của anh ta. Sau câu trả lời của chúng tôi thì có ngay một cái lệnh kiểm tra giấy tờ tùy thân được rút ra cùng với thẻ công an viên. Có một điều lấy làm lạ là cái lệnh này có chữ ký, có con dấu nhưng lại không có tên của người bị kiểm tra. Đương nhiên là không có lý do gì để chúng tôi phải xuất trình giấy tờ hoặc khai cho anh này biết chúng tôi đi đâu, tìm ai.
Chỉ với chừng đó cũng đủ hiểu vì sao người Cồn Dầu phải bỏ trốn sang Thái Lan, buộc phải lìa bỏ mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, mảnh đất qua bao nhiêu đời của tổ tiên.
Câu chuyện đàn áp người Cồn Dầu không chỉ dừng ở vấn đề đất đai, đền bù, giải tỏa không hợp lý, không chỉ nẳm ở mức độ bất công, bất hợp lý giữa giá đền bù và thực giá trên thị trường mà còn liên quan đến vấn đề sinh hoạt tôn giáo. Mới nhìn bên ngoài, chỉ thấy đơn giản là chuyện người dân Cồn Dầu phản đối nhà nước, không chấp nhận giá đền bù rẻ mạt. Nhưng thực tế, bản chất của câu chuyện lại nằm ở ngôi giáo đường vốn đã trở thành chiếc nôi tâm linh của cộng đoàn Kito giáo ở đây. Nếu nhìn từ xa về Cồn Dầu, nhà thờ nằm ở vị trí cao, trung tâm, chung quanh là những mái nhà, và xa hơn một chút là cánh đồng mênh mông, cô quạnh.
Tổng quan quần thể kiến trúc nhà thờ, nhà dân và đồng ruộng trông giống như những chiếc tổ nhỏ nằm bám víu vào cành cổ thụ già, nếu ngắt những chiếc tổ này đi, cây cổ thụ trở nên chơi vơi, lẻ loi, ngược lại, những chiếc tổ bị bứng ra khỏi cổ thụ sẽ không còn là chiếc tổ nữa. Mà hiện tại, nhà cầm quyền Đà Nẵng đang có kế hoạch ngắt bỏ những chiếc tổ, ném nó về một cái rọ, ở đó, mọi hoạt động trong những chiếc tổ này đều được quan sát, giám sát bởi công an, dân phòng và chó săn. Và xa hơn một chút, có thể ngôi giáo đường sẽ bị biến thành một điểm phục vụ du lịch tâm linh hoặc bị bứng đi không hơn không kém. Chính vì thế mà những con chiên ngoan đạo tuyệt nhiên không bao giờ chấp nhận những chính sách bất hợp lý của nhà cầm quyền.
Và, để đạt được mục đích của mình, nhà cầm quyền Đà Nẵng bất chấp mọi thủ đoạn, mọi hành vi trấn áp, đàn áp giáo dân để bứt họ ra khỏi chiếc tổ tâm linh, chiếc nôi tổ tông mấy đời, rồi sau đó là những dự án xây dựng khu đô thị văn minh, văn hóa. Thử hỏi, trên một nền đất mà người bóc lột người, chính quyền bóc lột, bứt hại nhân dân ra khỏi sự bình yên và sự yêu thương, che chở của Chúa, của Cha, trên một mảnh đất được hình thành bởi hành xử vô văn hóa, thậm chí man rợ của chính quyền thì liệu có chăng một khu đô thị văn hóa ở đó? Hay là tiếp theo sẽ là những mảnh đất được phân lô, được mánh khóe, mồi chài mua bán, những trọc phú sẽ nhảy vào mua đi bán lại, và hệ quả là một vùng văn hóa, một chiếc nôi tâm linh bị mất đi, thay vào đó là một cái chợ chính trị lẫn lộn với kinh tế của nhà cầm quyền dựng lên.
Thử hỏi, trong một cơ chế mà mọi quyền chính đáng của con người đang bị triệt tiêu dần dần, những người tử tế bị đẩy ra khỏi cuộc sống, thay vào đó là những thủ đoạn và sự man trá của nhà cầm quyền... Thì người dân, những con chiên ngoan đạo còn lựa chọn nào khác ngoài phản đối và kháng cự? Trong ý nghĩa này, sự kháng cự và chống đối chính là bảo tồn văn hóa, giữ gìn tâm linh và nhân tính của cộng đồng!
Việt Trung

No comments:

Post a Comment