“Góc Khuất Cuộc Đời” là chuyên mục đồng hành cùng những mảnh đời không may mắn, những số phận bị đẩy đến đường cùng, những gia đình chịu nhiều thiệt thòi bởi bất công, tham lam và tội ác của chính quyền độc tài. Và, trên đất nước thân yêu vốn chịu nhiều nhân họa, thiên tai này, có những gia đình sống lây lất, không lối thoát, bữa ăn, cái mặc đối với họ luôn là một thứ gì đó gây bất an, đau khổ, mặc dù họ vẫn nỗ lực vượt qua bản thân hằng ngày. Mời quý thính giả nghe câu chuyện: Nông Dân Miền Trung Và Nỗi Lòng Tết Nghèo (kỳ 2) phóng sự này do Nguyễn Tường Phổ thực hiện, qua giọng đọc Hướng Dương để tiếp nối chương trình tối nay
Những ngày giáp Tết, chừng đầu tháng Chạp, khi con em miền Trung đi làm ăn xa bắt đầu lần lượt kéo nhau về cố xứ để đón Tết, để thăm bà con, thắp lên bàn thờ gia tiên một nén nhang... cũng là lúc những người nông dân nghèo miền Trung thêm một lần thấu cảm nỗi buồn của người nghèo ngày giáp Tết, những ông phu xe chiều cuối năm dõi mắt trông về quê cũ, buồn bã lòng giáp Tết không tiền, những bà nội trợ với đôi mắt sâu thẳm chờ đợi vì con đi làm ăn xa chưa về hoặc không về được vì không đủ tiền về quê, những bà mẹ ốm o, gầy héo ra đồng giữa cái rét căm căm để mò cua, bắt ốc, bán kiếm thêm vài đồng mà mua dĩa bánh cúng Tết. Nói đến cái Tết của người nghèo miền Trung, nghe trong vị thức ăn của họ mặn chát nước mắt và mồ hôi kiếp cần lao...
Thử hỏi, nếu như người nông dân không đi mò cua, bắt ốc, lượm ve chai, làm thuê làm mướn tứ xứ đồng nát để kiếm thêm tiền thì họ sẽ làm gì với vài sào ruộng, vài trăm mét ruộng, thậm chí vài chục mét đất cắm dùi? Và, giả sử như nông dân có đủ phần đất với mỗi người 400 mét vuông thì họ sẽ kiếm được bao nhiêu tiền trong một vụ lúa? Con số họ thu nhập được nghe ra còn thấp hơn con số bình quân đầu người của những nước nghèo ở Phi châu. Hiện tại, giá lúa của nông dân bán cho tư thương khi đắt nhất cũng chưa tới sáu ngàn đồng một ký lô, trung bình, một trăm mét vuông thu được chưa tới 40 ký lúa, nếu như trúng vụ thì cao nhất cũng chừng 50 ký. Với 400 mét vuông, trong trường hợp trúng vụ nhất, họ được hai trăm ký lúa, mỗi ký tính ở mức giá cao nhất là sáu ngàn đồng, nhân với hai trăm ký, sẽ ra được một triệu hai trăm ngàn đồng, trong đó có cả tiền phân, thuốc, thuế thủy lợi và công của họ bỏ ra. Mỗi năm hai vụ, như vậy, họ kiếm được hai triệu bốn trăm ngàn đồng trên một năm. Trong khi thời giá tăng vùn vụt, phân, thuốc đều lên giá chóng mặt, cầm một trăm ngàn đồng bước ra chợ chẳng mua được thứ gì cho ra hồn. Thử hỏi, người nông dân không đi bắt ốc, làm thuê làm mướn thì họ lấy gì để sống?
Cuối năm 2012, thông tin của các báo, đài cộng sản đưa tin Việt Nam đạt con số xuất khẩu gạo kỉ lục với 8 triệu tấn, trị giá 3,7 tỉ USD, đó là chuyện của đài, báo, của nhà nước, chứ với người nông dân, đặc biệt là nông dân miền Trung, họ chẳng có chút gì thay đổi, khởi sắc ngoài chuyện mỗi ngày vác cuốc ra đồng, làm quần quật đến trưa, nghỉ giải lao một chút, ăn vội một miếng rồi lại vác cuốc ra đồng làm cắm cúi cho đến chiều tối, nếu là đàn ông thì ghé quán mua một ly rượu gạo với giá một ngàn đồng, tợp một ngụm, rít khà cho đời bớt khổ, cho giải mỏi mà ngủ yên giấc rồi lại lầm lũi vác cuốc về nhà, ăn cơm, nghe đài hay coi tivi một chút, lên giường kéo thẳng một giấc, sáng mai lại ra đồng. Hết ra đồng lại đi làm thuê, bốc vác, chạy xe thồ, phụ hồ, lượm ve chai, đổng nát... Cái vòng lẩn quẩn ấy cứ bám theo họ chẳng chịu buông tha!
Nói chung, là bằng mọi giá phải kiếm ra đồng tiền để có cái ăn mà tiếp tục duy trì cuộc sống. Gần đây, lại thêm chuyện động đất, một thứ mà họ chưa bao giờ nghe đến, nhưng khi có thủy điện Sông Tranh 2 đến giờ, họ nghe hằng ngà, lo lắng hằng ngày. Nhưng, đó cũng chưa đáng kể vì chưa bao giờ người nông dân lo sợ lũ lụt do xả đập thủy điện gây ra như bây giờ. Xin mời quí vị nghe phần tiếp theo ở kì cuối.
No comments:
Post a Comment