Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Miên Dương.
1/ NHÀ ĐẤU TRANH HUỲNH TRƯƠNG CA MÃN HẠN 5 NĂM RƯỞI TÙ
Nhà đấu tranh Huỳnh Trương Ca đã mãn hạn tù và trở về nhà vào ngày 4/3, với tuyên bố là người dân phải đứng lên đấu tranh cho các quyền lợi của mình.
Ông Ca bị bắt ngày 4/9 năm 2018 với cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ CSVN” sau khi tham gia các cuộc biểu tình chống đối hai dự luật đặc khu kinh tế và an ninh mạng ở Sài Gòn.
Trong phiên toà vào cuối năm 2018, ông bị bạo quyền tỉnh Đồng Tháp kết án 5 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế. Thay vì được đưa thẳng về nhà, ông Ca lại bị đám cai tù đưa đến thị trấn Thường Thới Tiền ở huyện Hồng Ngự để bàn giao cho nhà cầm quyền địa phương.
Phát biểu vào hôm qua 5/3, ông Ca khẳng định là mình không chống chế độ mà chỉ muốn đòi quyền căn bản của con người. Ông Huỳnh Trương Ca là thành viên của nhóm Hiến pháp nhằm cổ súy cho việc thực hành quyền công dân ghi trong hiến pháp Việt Nam 2013.
Bên cạnh việc tham gia biểu tình vào ngày 10/6 năm 2018 phản đối hai dự luật nói trên, ông còn làm nhiều chương trình phát trực tiếp trên mạng để nêu lên hậu quả an ninh quốc gia và quyền con người nếu dự luật được thông qua thành luật.
Theo cáo trạng, ông Ca 53 tuổi đã thực hiện 40 buổi phát trực tiếp trên mạng có tên “Thằng Nhà Quê”, trong đó có 18 đoạn video bị cho là có "nội dung xuyên tạc, phỉ báng chế độ”.
Ông không thuê luật sư bào chữa trong phiên tòa sơ thẩm vì mất niềm tin tin vào nền tư pháp Việt Nam. Trong phiên toà, ông cũng không tự biện hộ bởi vì “tất cả là án bỏ túi”.
Trước khi bị bắt, ông Ca bị tai nạn giao thông. Sau khi bị bắt, di chứng của vụ tai nạn tái phát nhưng ông không được chữa trị đầy đủ và kịp thời. Vì vậy, hiện ông bị đau chân và mắt bị mờ.
2/ BÀ TRƯƠNG MỸ LAN BỊ CÁO BUỘC BỎ TÚI HƠN 12 TỶ MỸ KIM
Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan, đã ra hầu tòa ở Sài Gòn vào ngày hôm qua 5/3 với cáo buộc biển thủ hơn 12 tỷ Mỹ kim. Đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay với tổng số bị cáo là 86 người.
Bà Lan 68 tuổi bị cáo buộc các tội đút lót, tham nhũng và vi phạm các quy định trong ngành ngân hàng liên quan đến một khoản vay trị giá hơn 300 ngàn tỷ đồng từ Ngân hàng Cổ phần Thương mại Sài Gòn (SCB). Hàng trăm công an đã được huy động để bảo đảm an ninh cho phiên tòa.
Ông Eric Chu, chồng bà Lan và là một tỷ phú người Hồng Kông, cũng bị cáo buộc đã giúp bà Lan có được khoản vay bất hợp pháp từ SCB. Đây là ngân hàng mà bà Lan nắm đến 90% cổ phần.
Trong số những bị cáo có 45 quan chức cấp cao của SCB, 15 quan chức của Ngân hàng Nhà nước, ba thanh tra và một quan chức thuộc cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Hiện có 8 bị cáo đang bỏ trốn và bị truy nã.
Vụ án này đã khiến 42 ngàn người trở thành nạn nhân của SCB vì mất tiền đầu tư gửi vào ngân hàng này. Kể từ khi bà Lan bị bắt vào tháng 10 năm 2022, họ vẫn chưa nhận lại được tiền của mình và điều này đã dẫn đến những cuộc tập trung biểu tình phản đối SCB ở nhiều thành phố.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-fraud-trial-03052024083414.html
3/ CANADA ĐIỀU TRA VỀ SẢN PHẨM DÂY THÉP VIỆT
Canada sẽ tiếp tục điều tra nhằm áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm dây thép nhập cảng từ Việt Nam.
Bộ công thương Việt Nam cho biết như trên vào ngày 4/3. Theo đó thì dây thép là một trong số ít còn lại của những sản phẩm thép Việt Nam bị Canada khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại.
Tính đến nay, Canada đã mở cuộc điều tra 8 vụ việc đối với các sản phẩm thép xuất cảng của Việt Nam. Trong số này có 5 vụ liên quan đến bán phá giá, hai vụ chống trợ cấp và một vụ tự vệ.
Dây thép là sản phẩm được xử dụng rộng rãi trong bê tông dự ứng lực, khung dù, hạt bi sắt lốp xe, dây đàn piano, lõi dây dẫn, dây cáp dùng cho thang máy, cần cẩu, lõi điện cực hàn và đinh.
Vào năm 2020, tổng kim ngạch dây thép Việt Nam xuất sang Canada là 10 triệu Mỹ kim. Vào năm 2021, con số này tăng lên hơn gấp đôi, lên đến 21 triệu và vào năm 2022 tăng lên 40 triệu Mỹ kim.
4/ TÀU HẢI CẢNH TRUNG CỘNG HÚC VÀO TÀU PHILIPPINES, 4 NGƯỜI BỊ THƯƠNG
Vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Cộng và tàu tuần duyên Philippines ở Bãi Cỏ Mây vào hôm qua 5/3 đã khiến ít nhất 4 thủy thủ Philippines bị thương.
Giới chức Philippines cho biết các tàu hải cảnh Trung Cộng cùng các tàu hộ tống đã chặn các tàu tuần duyên và tiếp tế của Philippines đến Bãi Cỏ Mây, đồng thời thực hiện những bước nguy hiểm dẫn đến các va chạm nhỏ giữa các tàu.
Tàu BRP Sindangan của Philippines bị hư hỏng nhẹ từ vụ va chạm xảy ra vào buổi sáng sớm. Khoảng một giờ sau đó, một tàu hải cảnh của Trung Cộng đã ngăn chặn và sau đó đâm vào tàu tiếp tế của Philippines khi tàu này đang được tàu tuần duyên hộ tống, theo giới chức Philippines.
Tàu tiếp tế của Philippines sau đó bị các tàu hải cảnh Trung Cộng phun vòi rồng khiến cửa kính bị vỡ và làm ít nhất 4 thủy thủ trên tàu bị thương, theo thông báo tư lực lượng đặc nhiệm Philippines tham gia trong vụ tranh chấp này.
Theo lực lượng đặc nhiệm Philippines, hành động của phía Trung Cộng là một nỗ lực mới nhằm ngăn chặn các hoạt động tiếp tế thường kỳ của Philippines. Bộ ngoại giao Philippines đã triệu mời phó đại sứ Trung Cộng đến trụ sở để đưa ra phản đối chính thức về hành động của tàu hải cảnh Trung Cộng và nói điều này là không thể chấp nhận được.
Bộ ngoại giao Philippines viết trong thông báo yêu cầu các tàu Trung Cộng phải rời khỏi Bãi Cỏ Mây mà Manila gọi là Ayugin.
Bãi Cỏ Mây do Philippines kiểm soát nhưng Trung Cộng cũng đòi chủ quyền với khu vực này và đã bao vây bãi này bằng các tàu hải cảnh, hải quân và các tàu khác nhằm ngăn chặn các lực lượng Philippines vận chuyển vật liệu xây dựng đến để gia cố tàu BRP Sierra Madre mà Manila để lại đây từ cuối những năm 1990.
No comments:
Post a Comment