Nhà Trần, một vương triều có nhiều chiến công hiển hách, và đóng góp rất nhiều về văn hóa trong tiến trình phát triển dân tộc. Một trong những nét đặc sắc thời Trần là xuất hiện nhiều vị tướng văn võ song toàn ở mọi tầng lớp, tiêu biểu nhất là một danh tướng xuất thân từ tầng lớp nông dân, tài năng và đức độ của ông được ghi vào sử sách.
Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Danh tướng Phạm Ngũ Lão” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết về Phạm Ngũ Lão như sau:
“Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài Hịch, Phạm Điện Súy thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, nào phải riêng chuyên về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, hễ tấn công là chiếm được, người xưa cũng không ai có thể vượt qua nổi các ngài”.
Bài hịch mà sử gia Ngô Sĩ Liên viết là bài Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, còn lời thơ mà Ngô Sĩ Liên nhắc đến chính là lời thơ trong bài tứ tuyệt của Phạm Ngũ Lão, được hậu thế đặt tựa là “Thuật Hoài”:
Vung gươm, sông núi đã
bấy lâu,
Ba quân, như cọp nuốt trôi trâu.
Công danh, trai tráng còn mang nợ,
Những thẹn, khi nghe chuyện Vũ Hầu.
Phạm Ngũ Lão chào đời năm 1255 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Lớn lên trong lúc cả nước đang chuẩn bị chiến đấu chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ hai. Trong “Vũ Trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ kể lại chuyện Phạm Ngũ Lão gặp đức Trần Hưng Đạo như sau:
Đức Trần Hưng Đạo cùng đoàn tùy tùng đi ngang qua Đường Hào, thấy Phạm Ngũ Lão ngồi bên vệ đường đan sọt tre. Quân hộ tống dẹp lối đi, Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi thản nhiên như không. Quân lính cầm giáo đâm vào đùi chảy máu mà Ông vẫn không nhúc nhích, thấy vậy đức Trần Hưng Đạo dừng lại hỏi nguyên do. Bấy giờ Phạm Ngũ Lão mới trả lời là đang suy nghĩ một câu trong binh thư nên không nghe thấy. Đức Trần Hưng Đạo liền thử trình độ học vấn thì thấy Phạm Ngũ Lão tinh thông Kinh truyện và Binh thư, ứng đáp trôi chảy các câu hỏi.
Biết là người có tài, đức Trần Hưng Đạo cho Ông ngồi cùng kiệu đưa về kinh, sau đó gả con gái là công chúa Anh Nguyên. Từ đó Phạm Ngũ Lão theo phò đức Trần Hưng Đạo. Trong 2 cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược, Ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách.
-Năm 1285, trong cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai, Phạm Ngũ Lão cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội hải thuyền của quân giặc và chiếm thành Thăng Long. Sau đó, Ông được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh quân giặc ở Vạn Kiếp, và chận đường chúng rút chạy về biên giới phía Bắc, chém chết 2 phó tướng là Lý Quán và Lý Hằng.
-Và trong cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, bắt sống các tướng Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi và truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.
-Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho Ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, Ông được thăng chức Điện Súy Thượng tướng quân, tước Quan nội Hầu.
Phạm Ngũ Lão đã 3 lần cầm quân trừng phạt sự quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301. Hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành vào năm 1312 và 1318, buộc vua Chiêm là Chế Chí phải xin đầu hàng.
-Ngày 1/11/1320, Phạm Ngũ Lão qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông cho triều đình nghỉ 5 ngày để tưởng nhớ công đức của Ông.
Người dân xã Phù Ủng dựng đền thờ ngay trên nền nhà của Ông. Ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương ở đền thờ đức Trần Hưng Đạo. Nhiều con đường trong nước mang tên Phạm Ngũ Lão.
* * *
Một trong những điểm đáng chú ý nhất khi đọc sử Việt, là nhiều danh tướng lẫy lừng cũng có tài về thơ văn, trong số đó có Phạm Ngũ Lão. Tài năng, đức độ, công lao và uy tín của ông đã đi vào lịch sử và được hậu bối tôn thờ.
Không chỉ có biệt tài về quân sự, Ông còn để lại nhiều bài thơ về chí làm trai và lòng yêu nước. Hiện nay, tác phẩm của ông chỉ còn lại 2 bài: “Thuật hoài” và “Vãn Thượng tướng Quốc công Hưng Đạo Đại Vương”.
Có lẽ vì nhờ có tri thức nên các vị danh tướng nước Việt hiểu được thế nào là "trung với nước, hiếu với dân" từ tận đáy lòng của mình, chứ không cần phải hô to khẩu hiệu sáo rỗng "còn đảng còn mình" như cộng sản hiện nay.
Nếu không có nhiều danh tướng “trung hiếu” như đức Phạm Ngũ Lão, có lẽ dân tộc Việt đã bị lũ Hán tộc đồng hóa từ lâu. Điều bi thảm hiện nay là quân Tàu Cộng đang nhe nanh múa vuốt ở Biển Đông, thì hàng loạt tướng tá trong Quân đội Nhân dân lại ngoảnh mặt làm ngơ trước sự rên xiết của ngư dân Việt.
Liệu có bao nhiêu người biết ngậm ngùi khi tưởng nhớ đến công trạng hiển hách của danh tướng Phạm Ngũ Lão? Và liệu có bao nhiêu người Việt nghĩ đến quốc nhục khi Việt Nam bị Tàu Cộng đô hộ thêm một lần nữa?
No comments:
Post a Comment