Bao lâu đảng CSTQ còn muốn duy trì độc tài độc đảng thì nền kinh tế của Trung Quốc còn gặp nhiều trở lực bất khả vãn hồi.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng, trích từ VOA Blog với tựa đề: “Tập Cận Bình tự trói tay” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Ngô Nhân Dụng
Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng
địa ốc: Xây cất nhiều quá, bán không được; hàng triệu ngôi nhà hay cao ốc bỏ trống.
Nhiều người mua các căn hộ đang xây đã ngừng không trả góp nữa. Nhà xây cất hết
tiền, các món nợ tồn đọng từ nhiều năm trước không trả được. Từ năm 2021, hàng
trăm công ty xây dựng đã giảm bớt công việc; cuối năm 2023 công ty xây dựng lớn
nhất, Hằng Đại, đã phá sản; công ty Bích Nhai đang theo gót.
Mô hình “cũ” của Trung Cộng là khuyến
khích tư nhân xây dựng nhà cửa bằng cách trợ cấp nhưng không thả cho thị trường
quyết định như ở các nước tư bản. Bắt đầu từ việc cung cấp đất xây nhà. Đất đai
thuộc quyền “nhà nước quản lý” cho nên từ 30 năm trước chính quyền các địa
phương gây quỹ, thu các món tiền lớn bằng cách nhường “quyền sử dụng” cho các
công ty xây dựng. Các ngân hàng của nhà nước cho các công ty đó vay tiền theo
chế độ dễ dãi; sau đó lại cho người mua nhà vay với lãi suất thấp để các công
ty dễ bán nhà. Tóm lại, nhà nước nhúng tay vào từ việc xây nhà đến việc dân
tiêu thụ mua nhà. Chính quyền các địa phương hồ hởi thực hiện chính sách này để
đạt chỉ tiêu số nhà được xây thêm, số công nhân có việc làm, và thừa dịp tăng
ngân sách để tiêu pha – và bòn rút. Không những vay tiền của các ngân hàng
trong nước, các công ty xây dựng vay đô la trong thị trường quốc tế. Số trái
phiếu vay và trả bằng mỹ kim tăng từ $675 triệu năm 2009 lên $64.7 tỷ năm 2020.
Năm 2020, Tập Cận Bình thay đổi; không dễ
dãi với các công ty xây cất cũng như người mua nhà nữa. Chính sách đưa ra gấp
quá và mạnh quá, người xây nhà lúng túng vì cạn tiền; giới mua nhà để đầu tư
không kịp bán lại trước khi giá nhà xuống thấp mà vẫn phải đóng tiền trả góp.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu và càng ngày càng nặng khiến nhà nước phải nhúng tay lần
nữa, đưa ra một “mô hình mới.”
Theo “mô hình can thiệp mới” này, các chi
tiết chưa được thảo luận đầy đủ, chính phủ sẽ dành một ngân khoản, tương đương
với $280 tỷ mỹ kim để đứng ra mua, rồi đem cho thuê, những ngôi nhà đang xây nửa
chừng thì bị ngưng vì các công ty thiếu tiền. Khi thực hiện xong mô hình mới
trong vòng 5 năm, chính phủ sẽ làm chủ 30 phần trăm số đơn vị gia cư dân chúng
đang ở. Hiện nay nhà nước chỉ làm chủ 5 phần trăm.
Tuy gọi là “mô hình mới” nhưng hậu quả là
sẽ đưa thị trường địa ốc Trung Quốc trở lại rất giống thời Mao Trạch Đông, khi
Đảng và Nhà nước làm chủ hầu hết các công trình xây dựng mới. Chỉ có một điều
khác là thời Mao các căn hộ được cung cấp cho công nhân viên các xí nghiệp, còn
bây giờ họ sẽ đóng vai “ABC không có nhà đi ở thuê” và phải trả tiền.
Theo ông Hà Lập Phong, phó tổng lý quốc vụ
viện (phó thủ tướng), thì kế hoạch mới sẽ có hai hệ quả tốt. Thứ nhất, chính phủ
sẽ kiểm soát được số lượng nhà cửa cung ứng cho thị trường, tránh cảnh xây nhiều
quá bán không kịp như hiện nay. Thứ hai, nhà nước sẽ quyết định giá nhà tối thiểu
phải là bao nhiêu, không lo khi bán hay cho thuê sẽ bị lỗ lã.
Nhưng hiện nay Trung Quốc đang có ít nhất
7 triệu đơn vị gia cư không ai ở, xây thêm 6 triệu căn hộ mới thì làm cách nào
đẻ ra thêm người mua hoặc thuê nhà, trong khi dân số Trung Quốc đã bắt đầu đi
xuống từ hai năm qua và sẽ còn giảm nữa? Làm cách nào chính phủ có thể ấn định
giá tối thiểu khi bán hoặc cho thuê trong lúc số cung vẫn cao hơn số cầu?
Kế hoạch trên đây cho thấy Trung Cộng sẽ
quay ngược chiều hướng phát triển; nhà nước phải gánh vác một hoạt động kinh
doanh quan trọng mà trước đó vẫn giao cho thị trường tư nhân.
Để thực hiện kế hoạch 5 năm này, sẽ phải lập
các công ty mới chuyên lo xây dựng nhà ở, tăng số doanh nghiệp nhà nước. Các
viên chức chính phủ sẽ đóng vai chủ nhà quyết định ai được thuê căn hộ hay ngôi
nhà nào, với giá bao nhiêu và các điều kiện gì. Tất nhiên, công việc sửa chữa,
bảo trì các ngôi nhà, việc cung cấp điện, nước cho cư dân đều đặn, cũng sẽ do
các cán bộ, công chức phụ trách. Có thể coi là một hình thức “quốc hữu hóa” một
phần ngành địa ốc.
Mọi người đã có kinh nghiệm đều biết guồng
máy nhà nước cộng sản làm việc quản lý kinh tế như thế nào. Tất cả sẽ tạo thêm
cơ hội tham nhũng. Nhà cửa được các công ty quốc doanh xây lên sẽ không đủ tiện
nghi cho người đến ở. Muốn thay cái ống nước, muốn bắt thêm đường dây điện cũng
phải quà cáp cho cán bộ. Ai muốn được hưởng trợ cấp tiền thuê sẽ phải “trợ cấp”
trước cho các đồng chí phụ trách.
Kế hoạch mới cũng dự trù sẽ cấm những người
mua các căn hộ không được đem bán lại kiếm lời. Chính sách này khiến người mua
ngôi nhà hay căn hộ mất luôn quyền làm chủ, trong đó quyền sử dụng và quyền
chuyển nhượng quan trọng như nhau. Dù trả tiền mua nhà, họ sẽ chỉ đóng vai một
“người ở thuê dài hạn.” Trước đây, khi giá nhà lên cao, người chủ có thể cảm thấy
mình giàu có hơn, vì nhà cửa chiếm 70% tài sản của một gia đình trung bình. Cảm
thấy mình “khá giả hơn,” họ có thể sẽ tiêu tiền dễ dàng. Bây giờ, vì không được
bán lại, họ thấy mình chẳng giàu thêm đồng nào, sẽ tiếp tục lo tiết kiệm, bớt
tiêu xài! Ông Tập Cận Bình đang hối thúc dân Trung Hoa gia tăng tiêu thụ để
kích thích kinh tế và tránh nạn giảm phát. Chính sách mới của ông sẽ gây kết quả
ngược lại. Đúng là tự mình trói tay mình!
No comments:
Post a Comment