Sách lược quốc phòng “3 Không” của CSVN, trước một CSTQ Bá Quyền, là một sách lược phản quốc đáng khinh bỉ hầu thi hành chủ trương “thà mất nước còn hơn mất đảng” của CSVN.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Đinh Hoàng Thắng, trích từ trang nhà Thông Luận với tựa đề: “Gạc Ma 1988 liệu đã phải là cuộc xâm lược cuối cùng?” sẽ đượcMiên Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Đinh Hoàng Thắng
Đặt câu hỏi trên cho bất cứ học sinh
trung học nào có hiểu biết về lịch sử, khả năng bạn sẽ nhận được câu trả lời
‘Chắc là không !’ Đấy chẳng phải là thuyết âm mưu ; chỉ cần một phép ngoại suy
đơn giản ! Học sinh có thể đưa ra dự báo trên cơ sở các dữ liệu mới nhất do
chính Đài Tiếng nói Việt Nam công bố. Trong tổng số 20 cuộc xâm lăng suốt chiều
dài lịch sử, chỉ riêng từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 đến
nay, tức là chỉ trong thời gian 75 năm, nước này đã xâm lược Việt Nam tất cả là
bốn lần (1956, 1974, 1979 và 1988). Tuyên bố mới đây của một số tổ chức xã hội
dân sự, được đông đảo nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp xã hội trong và ngoài
nước vừa đồng ký tên, là nhằm tưởng niệm ngày lịch sử bi tráng này. Tuyên bố khẳng
định, cuộc xâm lược của Trung Quốc cách đây 36 năm là những hành động thảm sát
dã man, dùng đội tàu chiến tấn công các tàu vận tải, dùng quân dụng bắn giết
chiến sĩ bảo vệ biển đảo không được vũ trang. ‘Với những hành động ngang ngược ấy,
Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam, chà đạp lên các qui định của
luật pháp quốc tế’.
Kết quả bi hùng của cuộc chiến bảo vệ Gạc
Ma ngày 14/3 là Việt Nam đã mất 3 tàu vận tải của Hải quân, 64 chiến sĩ đã anh
dũng hy sinh. Tuy giữ được Len Đao và Cô Lin nhưng đã tạm thời mất Gạc Ma. 36
năm trôi qua, 64 chiến sĩ Hải quân…và ba tàu vận tải…của Lữ đoàn 125 đã vĩnh viễn
nằm lại dưới đáy biển. Xác hai con tàu cùng hài cốt của các quân nhân Việt Nam
từ đấy đến nay vẫn chưa được trục vớt, do sự cấm cản từ phía nhà cầm quyền
Trung Quốc. Trong khi đó, bãi cạn Gạc Ma năm xưa, nay Trung Quốc đã bồi đắp
thành một đảo nhân tạo lớn và trở thành một căn cứ quân sự. Mặc sự thật phủ
phàng ấy, mặc năm tháng dù trôi qua, mỗi lần nhớ về ‘những người nằm lại phía
chân trời’ là một dịp chúng ta tưởng niệm, tri ân những người đã hy sinh vì Tổ
quốc và tái khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc đối với quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa. Dòng lưu huyết hiếm hoi trên báo VietNamNet sẽ sống mãi trong tâm khảm
các thế thế hệ người Việt.
Dư luận quốc tế gần đây cũng cảnh báo về việc tàu CCG 5901 nặng 12.000 tấn, vốn được mệnh danh là ‘The Monster’ (Quái vật), hầu như chuyên hoạt động ‘trong bóng tối’ (không phát sóng hệ thống thông tin tự động AIS), kể từ khi rời cảng Tam Á, Hải Nam từ cuối năm ngoái. Đây là hành vi thường xuyên vi phạm Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển mà Trung Quốc là một bên ký kết. Các hành tung bí mật của ‘The Monster’ trong giai đoạn bật AIS vào các ngày 9 và 29/12 năm ngoái, còn gần đây nhất là vào ngày 7/1/2024. Các cuộc tuần tra này đặc biệt nhắm vào các hoạt động dầu khí của Việt Nam tại các Lô 06-01, 05-03, 12-11 và 12W, theo phân tích của Reuters và của ‘Sáng kiến Biên niên sử Biển Đông’. Các tàu CCG của Trung Quốc vẫn thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra xâm nhập sâu trong vùng EEZ của các nước láng giềng, như muốn nhằm mục đích thiết lập sự hiện diện liên tục và dần dần bình thường hóa quyền tài phán của Trung Quốc đối với các khu vực thuộc vể các nước láng giềng theo luật pháp quốc tế.
Nhớ lại lịch sử cách đây 36 năm, đúng như
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người Việt Nam hai lần là thành viên Ủy ban Luật pháp
quốc tế của Liên Hợp Quốc (hiện đang đảm nhận nhiệm kỳ 2023-2027) đánh giá, chiến
dịch CQ-88 đã củng cố thế đứng của Việt Nam, đưa số lượng đảo kiểm soát lên 21,
với 33 điểm đóng quân. Điều quan trọng là sự hy sinh của các chiến sĩ đã giúp đất
nước, lúc bấy giờ đang ở thế tứ bề thọ địch tránh được một cuộc chiến không cân
sức. Nhưng theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, cuộc chiến 14/3 dù sao cũng đã tác động
đến quyết tâm của các nhà lãnh đạo đất nước, nhanh chóng đổi mới, mở rộng quan
hệ đối ngoại, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, giải quyết
hòa bình các tranh chấp quốc tế . Tuy nhiên, có một chi tiết lịch sử mà chắc vì
tính chất nghề nghiệp, Đại sứ Thao đã không thể bộc bạch. Đó là một trong những
nhức nhối của ‘cuộc thảm sát’ trên đảo ngày ấy, dẫn đến việc Việt Nam mất Gạc
Ma, như Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, từng là
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam công khai thừa nhận, có ‘một mệnh lệnh
từ cấp cao’ của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, ra lệnh cho các chiến sĩ không
nổ súng trước.
Bài học 36 năm trước càng khiến chúng ta ngày nay phải cảnh giác và quan tâm đến ‘Dự án Project Myoushu’ chuyên nghiên cứu về ‘chiến thuật vùng xám’ mà Trung Quốc sử dụng quen thuộc để lấn chiếm tại khu vực Biển Đông, thay vì dùng lực lượng Hải quân, để tuyên bố chủ quyền gần hết vùng biển rộng khoảng 3,4 triệu km2 với nhiều tài nguyên dầu khí và hải sản. Thông tin do Dự án này đưa ra cho thấy Trung Quốc canh chừng rất chặt chẽ các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam trong phạm vi ‘Đường lưỡi bò’ mà họ ngang ngược tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Nhiều khu vực được tạo ra từ những đường vạch đứt đoạn này lấn sâu vào các vùng EEZ 200 hải lý của Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực, theo Công ước quốc tế UNCLOS-82. Tháng 9 năm ngoái, bà Lindsey Ford, Phó Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, đặc trách khu vực Nam và Đông Nam Á, điều trần ở Quốc hội, tố cáo những gì Trung Quốc đang thi hành tại Biển Đông như chiếu laser, bắn vòi rồng vào tàu biển nước khác, trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo. Bà tố cáo Trung Quốc cho chiến đấu cơ J-20 đồn trú, bố trí hỏa tiễn chống tàu, hỏa tiễn phòng không tầm xa tại các đảo nhân tạo họ cưỡng chiếm từ Việt Nam ở Trường Sa, dù trong tuyên truyền, họ luôn tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông.
No comments:
Post a Comment