Thưa quý thính giả,
Một người xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân, ra đơn vị tác chiến, về sau trở thành Sĩ quan Tham mưu Cao cấp của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra, ông còn là một nhạc sĩ tài hoa được nhiều người mến mộ trong suốt 3 thập niên 50, 60, 70 và mãi đến bây giờ.
Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần còn mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi!”. Đó là dự đoán cuộc đời thăng trầm của mình, viết trong nhạc phẩm “Chiều Mưa Biên Giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Một nhạc phẩm nổi tiếng đã đi vào lòng người, nhất là các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15/3/1932 tại Sài Gòn, nguyên quán ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Thuở nhỏ theo học trường Huỳnh Khương Ninh, Đa Kao, đến năm 14 tuổi tình nguyện vào trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Năm 19 tuổi ra trường, nhận chứng chỉ tương đương với bằng Tú Tài I.
-Năm 1951, ông nhập ngũ, thụ huấn khóa 4 trường Võ Bị Địa Phương Vũng Tàu.
-Tháng 10/1952, tốt nghiệp Thủ Khoa, mang cấp bậc Thiếu úy.
-Năm 1953, được cử theo học khóa Đại đội trưởng ở trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.
-Năm 1954, học khóa Tiểu đoàn Trưởng tại Trung Tâm Chiến Thuật Hà Nội. Ra trường, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trọng Pháo 553. Thăng cấp Trung úy, chỉ huy trọng pháo ở Móng Cái và Lạng Sơn. Ông là Tiểu đoàn trưởng trẻ nhất Quân Đội Quốc Gia khi mới 22 tuổi.
-Năm 1955, ông giữ chức vụ Trưởng phòng Hành Quân, Phân khu Đồng Tháp Mười.
-Năm 1957, sang Hawai, Hoa Kỳ học khóa Chỉ huy Tham mưu.
-Năm 1959, thăng cấp Đại úy về làm Chánh văn phòng cho Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô.
-Năm 1961, thuyên chuyển về Bộ Tổng Tham Mưu.
-Năm 1963, thăng cấp Thiếu tá.
-Năm 1968, thăng cấp Trung tá.
-Năm 1972, thăng cấp Đại tá, làm Chánh văn phòng Tổng Tham Mưu phó Trung tướng Nguyễn Văn Là, Trung tướng Nguyễn Văn Mạnh và sau cùng làm Chánh văn phòng Tổng Tham Mưu trưởng, Đại tướng Cao Văn Viên cho đến ngày 30/4/1975. Ông được tưởng thưởng nhiều huy chương, cao nhất là Bảo Quốc Huân Chương Đệ tứ đẳng.
-Sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm, ông bị đưa đến trại tù Suối Máu ngay khi trình diện. Trại này tên là Tân Hiệp ở Biên Hòa, từng là nơi giam giữ các tù binh cộng sản Bắc Việt chờ trao trả. Thời gian này, ông cảm tác bài hát "Sài Gòn trong trái tim tôi". Bài này và bài "Chào đất nước tự do và hy vọng" do chính ông tập cho ca sĩ Hà Thanh hát vào năm 1999, khi bà về Việt Nam thăm gia đình.
-Năm 1980, ông bị đưa về khám Chí Hòa.
-Năm 1985, ông ra tù với lý do “sắp chết, đưa về nhà chôn cất”, nhưng may mắn nhờ vợ ông (bà Nguyệt Thu) chạy chữa, nên mấy năm sau ông khỏe lại như một kỳ tích. Tên ông nằm trong danh sách ưu tiên sang Hoa Kỳ theo diện H.O, nhưng ông từ chối vì muốn “nằm xuống” trên quê hương mình.
Ông sống thầm lặng tại quận Phú Nhuận, từ trần vào ngày 26/2/2018 tại bệnh viện Chợ Rẫy, hưởng thọ 86 tuổi. Tro cốt được rải xuống biển Vũng Tàu theo di nguyện.
Đặc biệt, trên đường di quan đến nơi hỏa táng, hàng hàng lớp lớp đồng bào và chiến hữu của ông đứng dài 2 bên lề đường, người dân thương mến thì cúi đầu, còn các cựu quân nhân VNCH chào tay theo lễ nghi quân cách.
****
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chưa bao giờ phục vụ ở Cục Chiến Tranh Chính Trị, ông là một người lính tác chiến, về sau trở thành Sĩ quan Tham Mưu. Những khúc tình ca của ông đã làm ấm lòng chiến sĩ VNCH và người mộ điệu trong lúc quê hương đang ngập tràn khói lửa:
Chiều mưa biên giới, Phiên gác đêm xuân, Mấy dặm sơn khê, Hải ngoại thương ca, Nhớ một chiều xuân, Cuốn theo chiều gió, Bến đò biên giới, Cay đắng tình đời, Niềm đau dĩ vãng, Nhớ Huế, Xin đừng trách anh .v.v.
Ngoài ra, với bút hiệu Đông Phương Tử và Phượng Linh, ông viết nhạc nền và đạo diễn cho hơn 50 vở tuồng cải lương nổi tiếng trước năm 1975 như: Đoạn tuyệt, Mắt em là bể oan cừu, Mưa rừng, Nửa đời hương phấn, Sân khấu về khuya, Tiếng hạc trong trăng... và vô số các bài tân cổ giao duyên.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông trở thành người có công đầu trong sự phát triển của phong trào tân cổ giao duyên. Ông và soạn giả Viễn Châu đã lắp ráp ăn khớp tân nhạc và cổ nhạc. Ông cho ra đời tập Hướng dẫn ca và kỹ thuật sáng tác bài tân cổ giao duyên. Đây là phương pháp ký âm bài nhạc hòa hợp giữa tân và cổ nhạc bằng cách dễ hiểu, hợp với nhạc lý, giúp nghệ sĩ cổ nhạc lên sân khấu hát dễ dàng.
Từ xưa đến nay, có những triều đại nguy nga
- đồ sộ, hoặc huy hoàng - tráng lệ, nhưng rồi cũng đã không còn, không ai buồn
nhắc tới. Nhưng cũng có những chế độ tuy đã mất tên, nhưng con người và tinh thần
Quốc Gia vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Tên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sẽ mãi sống trong tâm khảm của người mộ điệu và nhất là
trong lòng các chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nghiêm chào vĩnh biệt một cấp
chỉ huy có nhân cách và khí tiết, một nhạc sĩ tài hoa có lương tri và trí tuệ
mang tên Nguyễn Văn Đông.
No comments:
Post a Comment