Sunday, March 31, 2024

Tin Tức: Chủ Nhật 31.03.2024

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải

 1.BÌNH DƯƠNG: HAI NGƯỜI BỊ KHỞI TỐ VÌ BÌNH LUẬN VỤ ÁN HỒ DUY HẢI TRÊN MẠNG XÃ HỘI 

Hôm 28/3, Cơ quan An ninh Điều tra – Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bị can đối với hai ông Nguyễn Đức Dự và Hoàng Quốc Việt về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Ông Dự, sinh năm 1976, bị bắt tạm giam, trong khi đó ông Việt, sinh năm 1978, bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Lý do vì cả hai đều có nhiều bài viết bình luận về vụ án tử tù Hồ Duy Hải mà cơ quan công rằng “đã xúc phạm các cơ quan tư pháp”. Tuy nhiên, cơ quan công an cũng như báo chí “lề đảng” không tiết lộ nội dung các bài viết của hai ông Nguyễn Đức Dự và Hoàng Quốc Việt. Vụ án Hồ Duy Hải gây chấn động dư luận nhiều năm nay bởi nhiều tình tiết đã chứng minh người này bị oan nhưng vẫn bị tuyên “tử hình”. Giống như Hồ Duy Hải, hai tử tù khác là Lê Văn Mạnh và Nguyễn Văn Chưởng đều có các tình tiết, bằng chứng chứng minh họ bị oan nhưng đã bị cầm tù nhiều năm. Ông Lê Văn Mạnh đã bị nhà cầm quyền hành quyết, bất chấp sự lên án của các cơ quan quốc tế cũng như dư luận trong nước. Ông Nguyễn Đức Dự và ông Hoàng Quốc Việt là hai trong số 6 người bị khởi tố theo điều 331 chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2024.

 

2.FACEBOOKER LÊ PHÚ TUÂN BỊ BẮT VỚI CÁO BUỘC XÂM PHẠM LỢI ÍCH NHÀ NƯỚC 

Ông Lê Phú Tuân, 52 tuổi, quê Tuyên Quang, một người đối kháng với nhà cầm quyền vừa bị bắt hôm 29/3/2024 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo điều 331 BLHS. Ông Tuân bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Công an huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang kết luận các bài đăng của ông Tuân đã “gây dư luận xấu, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào pháp luật của Nhà nước, hạ thấp uy tín của cơ quan Nhà nước; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của những người thi hành pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Cụ thể, từ tháng 9-2023 đến tháng 12-2023, ông Lê Phú Tuân đã sử dụng danh khoản Facebook cá nhân để phát trực tiếp (livestream) nhiều lần, đăng tải 21 video có nội dung xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một số cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện Chiêm Hóa và nhiều cá nhân khác. Tính từ đầu năm đến nay, ông Tuân là người thứ 6 bị khởi tố và người thứ năm bị bắt theo điều 331. Ba ngày trước, công an CSVN tại tỉnh Vĩnh Long đã bắt nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, trụ trì Chùa Đại Thọ ở địa phương này, và một Phật tử là ông Kim Khiêm cũng với cáo buộc vi phạm điều 331.

 

3.ĐÀI RFA ĐÓNG CỬA VĂN PHÒNG TẠI HONGKONG 

Ngày 29/3 Đài Á Châu Tự Do (RFA) ra thông báo đóng cửa văn phòng tại Hong Kong. Quyết định này được đưa ra bởi những lo ngại về an toàn của nhân viên sau khi Luật An ninh Quốc gia mới được ban hành. Luật mới áp dụng cho Hongkong, tức Điều 23 vừa ban hành hôm 23/3 nhằm bổ sung cho Luật An ninh Quốc gia do Trung cộng ban hành từ năm 2020. Điều 23 cho phép tăng các hình phạt nghiêm khắc hơn, bao gồm bỏ tù từ vài năm đến chung thân đối với các tội danh như phản quốc, kích động nổi loạn, tiết lộ bí mật nhà nước, gián điệp và can thiệp từ bên ngoài. Đồng thời siết chặt kiểm soát hơn đối với các tổ chức chính trị nước ngoài hoạt động ở Hong Kong, thông qua các điều khoản về việc định nghĩa “thế lực ngoại bang” và cấm “can thiệp từ bên ngoài”. Giống như cộng sản Việt Nam, nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh đều cáo buộc đài RFA và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) là thành phần “chống phá” và “thế lực phản động nước ngoài”.

 

  1. HOA KỲ HẠN CHẾ CẤP THỊ THỰC MỚI ĐỐI VỚI GIỚI QUAN CHỨC HONGKONG 

 

Quyết định trên nhằm trừng phạt việc đàn áp nhân quyền, đặc biệt sau khi Bắc Kinh siết chặt Luật An ninh mạng trên lãnh thổ Hongkong bằng việc ban hành thêm Điều 23. Mỹ cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đang thực hiện các bước để áp đặt các hạn chế mới về thị thực đối với nhiều quan chức Hong Kong chịu trách nhiệm về việc tăng cường đàn áp các quyền và quyền tự do,” ông Blinken nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 29/3. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu tên các quan chức được nhắm là mục tiêu. Đạo luật Chính sách Hong Kong của Mỹ yêu cầu Bộ Ngoại giao phải báo cáo hàng năm trước Quốc hội về các điều kiện ở Hong Kong. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ “can thiệp một cách thô bạo” vào các vấn đề của Hong Kong và các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Hong Kong, một thuộc địa cũ của Anh, trở lại dưới sự cai trị của Trung Quốc vào năm 1997, với sự bảo đảm rằng quyền tự chủ và tự do ở mức độ cao sẽ được bảo vệ theo công thức “một quốc gia, hai chế độ”. Tuy nhiên, Bắc Kinh trong những năm qua đã tăng cường đàn áp các quyền và quyền tự do để thay đổi Hong Kong giống như Bắc Kinh, Thượng Hải, và tất cả các thành phố khác của Trung cộng để dễ bề cai trị.

No comments:

Post a Comment