Những hoang tưởng mang tính bá quyền Đại Nga của bạo chúa Putin đang gây tai họa kinh hoàng cho nền kinh tế và cuộc sống của nhân dân Nga lẫn nhân dân Ukraine.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Đỗ Ngà với tựa đề: “NƯỚC NGA, NHỮNG NỖ LỰC ĐỂ PUTIN PHÁ” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tính thanh khoản của một tài sản nào đó là chỉ khả năng có thể nhanh chóng chuyển đổi sang hàng hoá khác. Có tiền mua gì cũng được, tuy nhiên có nhà chưa chắc gì bán nhanh được nên tiền bao giờ cũng có tính thanh khoản cao nhất so với các loại tài sản khác. Tuy nhiên, so đồng tiền này với đồng tiền khác thì tính thanh khoản nó mang ý nghĩa là sự tin tưởng của xã hội vào đồng tiền nào cao hơn. Trong buôn bán quốc tế, đồng Đô la Mỹ là đồng tiền có tính thanh khoản mạnh nhất.
Lạm phát thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là bơm tiền và nguyên nhân nữa là người dân mất lòng tin vào đồng nội tệ gây ra hiện tượng đồng nội tệ bị chối bỏ nên mất giá. Ngân hàng Trung ương và Chính phủ phải nhìn nhận ra đâu là nguyên nhân gây ra hiện tượng mất giá của đồng tiền mà có chính sách ứng phó thích hợp thì chính sách mới hiệu quả.
Bị Mỹ và Phương Tây cấm vận kinh tế, nền kinh tế Nga chao đảo mạnh, đồng ruble rơi tự do. Ngày 7/3, sau hơn 14 ngày Putin đưa quân xâm lược Ucraina, đồng Ruble xuống đến mốc thấp kỷ lục với gần 140 ruble cho mỗi USD, tức giảm gần một nửa giá trị so với hồi đầu tháng 2. Tuy nhiên, sau đó thì đồng tiền này hồi phục và 1 đô la ăn 79,5 ruble vào hôm nay – ngày 10/4. Vì sao Nga làm được như vậy?
Chính phủ và Ngân hàng Trung Ương Nga đã đánh giá đúng nguyên nhân đồng Ruble mất giá và từ đó đề ra giải pháp thích hợp. Vậy, nguyên nhân đó là gì? Đó là do cấm vận của Mỹ và Phương Tây làm cho lòng tin của người dân Nga vào đồng Ruble giảm mạnh, từ đó sinh ra tính thanh khoản của đồng tiền này giảm thấp ngay trong thị trường nội địa. Vì thế, Chính phủ Nga đã đề ra biện pháp tăng tính thanh khoản của đồng tiền này lên. Và họ đã làm gì?
Thứ nhất: Chính phủ Nga yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành ngoại thương phải bán 80% số ngoại tệ thu được để đổi lấy ruble. Đây là chính sách bắt buộc, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện thì bị chế tài. Nghĩa là Chính phủ Nga đã ép buộc các doanh nghiệp này phải tăng tỷ lệ dùng đồng nội tệ tạo ra nhu cầu sử dụng đồng ruble cao để vực dậy tính thanh khoản cho đồng tiền này.
Thứ nhì: Ngân hàng Trung Ương áp đặt hạn mức rút ngoại tệ đối với mỗi cá nhân. Nghĩa là mỗi công dân chỉ được quyền rút ngoại tệ một lượng giới hạn, phần còn lại được ngân hàng chuyển thành đồng Ruble giao cho người rút. Lệnh hạn mức này làm cho Ngân hàng Trung Ương Nga giữ lại được nhiều ngoại tệ để dễ trả nợ nước ngoài đồng thời dân Nga dùng đồng Ruble nhiều hơn thay vì chuộng dùng ngoại tệ. Cách này cũng làm tăng tính thanh khoản đồng Ruble.
Thứ ba: Cấm công dân chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Nghĩa là họ nhốt ngoại tệ trong nước để Nhà nước dễ bề gom lại khi cần nhằm đối phó với những khối nợ nước ngoài mà chính phủ Nga đến hạn phải trả. Ngoài ra, với người dân trong nước, Chính phủ Nga khuyến khích họ bán ngoại tệ để lấy đồng Ruble Nga, từ đó tính thanh khoản của đồng Ruble cũng tăng lên.
Thứ tư: Buộc chính phủ các nước mua năng lượng Nga phải trả bằng Ruble. Mục đích là vực dậy tính thanh khoản của đồng Ruble trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cách này hiệu quả hạn chế, chỉ những nước nhỏ yếu vía mới nghe theo, còn các nước mạnh thì từ chối.
Thứ năm: Ngân hàng Trung Ương Nga tăng lãi suất từ 9,5% lên 20% để hút tiền Ruble về tạo nên sự khan hiếm cho đồng tiền này. Tăng lãi suất thì lượng tiền gởi tăng lên (vì cho ngân hàng vay sẽ kiếm lời lớn nên người dân sẽ “đổ xô gởi tiết kiệm”) vì thế ngân hàng hút mạnh tiền ngoài xã hội. Lãi suất tiền gởi tăng thì ắt lãi suất tiền vay cũng tăng, mà lãi suất tiền vay tăng thì hạn chế lượng tiền cho vay. Nói chung, nâng cao lãi suất tiền gởi là cách Ngân hàng Trung ương hút tiền về để chống lạm phát.
Với 5 cách như vậy, nhu cầu đồng tiền Ruble tăng lên đáng kể thì giá trị đồng tiền cũng tăng và Lạm phát được chặn đứng. Với 5 chính sách đó, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương phối hợp và họ đã trị đúng bệnh. Tuy nhiên vấn đề là với cách ứng phó này có thể nào giúp nền kinh tế Nga thoát nạn bởi lệnh trừng phạt không? Chắc chắn là không, vì sao?
Vì khi bị cấm vận, nền kinh tế Nga chắc chắn khủng hoảng vì những doanh nghiệp làm ăn nước ngoài không thể hoạt động. Hàng loạt doanh nghiệp loại này sẽ đứng trước nguy cơ phá sản, từ đó nội lực nền kinh tế suy kiệt dần.
Nhiều doanh nghiệp đang sắp chết, điều quan trọng là Ngân hàng Trung ương phải dùng chính sách nới lỏng tiền tệ để bơm vốn vào các doanh nghiệp nhằm cứu sống họ, tuy nhiên nếu bơm thì tạo ra hiện tượng lạm phát đẩy giá trị đồng Ruble sụt giảm. Nghĩa là Ngân hàng Trung ương Nga đang ở thế kẹt, nếu cứu doanh nghiệp thì không thể cứu đồng Ruble và ngược lại. Đứng trước chọn lựa như vậy, dù chọn cách nào thì kinh tế Nga vẫn đi xuống nếu xét về lâu về dài.
Vì thế, việc giải quyết rốt ráo cho trường hợp này chỉ có thể là Rút quân khỏi Ucraina và năn nỉ Mỹ và Phương Tây dỡ bỏ cấm vận.
Sự nỗ lực của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga là đáng ghi nhận, họ rất giỏi khi đưa ra biện pháp ứng phó. Tuy nhiên, có vẻ như Putin không muốn như vậy, ông ta đang muốn dùng hạt nhân đánh cho Mỹ sợ mà dỡ bỏ cấm vận?!
Tất cả những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương và Chính phủ sẽ là công cốc nếu Putin phát điên. Thế đấy, đất nước để một tên độc tài ngông cuồng nắm quyền thì đất nước trả giá khủng khiếp, có thể phải hy sinh nhiều thập kỷ phát triển./.
No comments:
Post a Comment