Wednesday, March 2, 2022

CỰU ĐẠI TÁ QUÂN ĐỘI, NHÀ ĐỐI KHÁNG PHẠM QUẾ DƯƠNG QUA ĐỜI.

Chuyện Nước Non Mình

Cựu đại tá quân đội Phạm Quế Dương, nhà đối kháng cuối cùng thuộc thế hệ đầu tiên, có xuất thân từ đảng cộng sản, đã qua đời vào hồi 19 giờ 10 phút ngày 21-2-2022, thọ 91 tuổi. 

Phạm Quế Dương sinh năm 1931 tại Thường Tín, Hà Tây. Năm 1945 khi mới 14 tuổi, ông nhập ngũ và trở thành đảng viên ĐCSVN lúc 17 tuổi. Năm 1979 trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung cộng, Phạm Quế Dương là đại tá chủ nhiệm chính trị. Năm 1980, Phạm Quế Dương trở thành Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự. Năm 1990 ông về hưu.

Nếu lấy các huân, huy chương để làm thước đo sự nghiệp của một quân nhân thì Phạm Quế Dương không thua kém tướng tá nào cùng thời. Nhưng cuộc đời lẫy lừng của Phạm Quế Dương được đánh dấu bằng ngày 06/01/1999 khi ông tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản và trả  mọi huân, huy chương do nhà nước trao tặng. Từ đó, trở thành một trong những cánh chim đầu đàn, hình thành nên phong trào đối kháng, đòi dân chủ tại Việt Nam.

Trước đó, khi còn là Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự  (năm 1989), Phạm Quế Dương đã cho đăng bài của tướng Nguyễn Kiến Giang với nội dung yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, phủ định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN. Bài báo đã gây rúng động trong giới cầm quyền và tác động không nhỏ đến nhận thức và tâm tư của những cựu chiến binh, những đảng viên cộng sản thời bấy giờ.

Khoảng cuối những năm 1999, Phạm Quế Dương tích cực thu thập tin tức, viết bài phản ánh thực trạng của đất nước.

Ngày 29/12/2002, Phạm Quế Dương bị bắt với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”theo điều 258 BLHS năm 1999, nay là điều 331- BLHS, năm 2015.

Ngày 14/7/2004, ông bị toà án Hà Nội kết án 19 tháng tù và được phóng thích ngay tại toà vì đã đủ thời hạn thi hành án.

Năm 2008, ông tham gia Ban biên tập, Hội đồng cố vấn”Tập san Tổ Quốc", một ấn phẩm mang nội dung cổ xướng cho nhân quyền, dân chủ được in bí mật trong nước và do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang làm chủ bút. Tập san Tổ Quốc là một trong những tờ báo mà tôi cần phải biết ơn vì nhờ đó, tôi đã tiếp cận được với sự thật và gom góp cho mình một vốn kiến thức ban đầu về các giá trị tự do, dân chủ, những điều hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm với tôi trước đó. Ngoài Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương còn có một số trí thức khác tham gia vào Ban Biên tập như cựu đại tá Bùi Tín, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng (Pháp quốc), ông Nguyễn Minh Cần (Nga)… Năm 2008, tôi vinh dự được tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang mời vào Ban Biên tập nhưng nhận thấy khả năng mình còn yếu kém nên đã từ chối. Vài tháng sau, tôi đi tù.

Năm 2004, Phạm Quế Dương được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền vì lòng can đảm và những nỗ lực vận động nhân quyền cho Việt Nam.

Trong bài viết đăng trên Thông Luận, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng nhận xét “Phạm Quế Dương hoàn toàn không có khả năng thích nghi với sự dối trá. Anh không biết tính toán và cũng không biết sợ”.

Tôi được gặp cựu đại tá Phạm Quế Dương hai lần. Lần đầu đi cùng nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa hồi năm 2008, trước khi cả hai chú cháu bị bắt vài tuần. Lần thứ hai vào khoảng tháng 10/2012 khi tôi mới ra tù.

Phạm Quế Dương là một người mạnh mẽ, kiên cường (tất nhiên rồi) nhưng rất đỗi gần gũi, giản dị và thật là lịch lãm trong giao tiếp.

Được biết, lễ viếng đã được tổ chức ngày 24-2-2022 cùng với lễ an táng cùng ngày tại nghĩa trang quê nhà: Làng Tía, thôn Từ Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Vĩnh biệt bác Phạm Quế Dương,  “cánh chim đầu đàn” cuối cùng của phong trào đối kháng cùng thời với những Lê Hồng Hà, Nguyễn Thanh Giang, Trần Lâm, Trần Độ, Vũ Cao Quận, Hoàng Tiến, Hoàng Minh Chính… đã rời cõi tạm. Kính tiễn và mong bác được bình an trên Thiên quốc.

 


No comments:

Post a Comment