Saturday, March 12, 2022

Lãnh tụ Hà Thúc Ký

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,

Một nhà cách mạng hết lòng vì dân vì nước, kiên cường chống Cộng, không nề khó nhọc không sờn lòng trước những khó khăn, để tiếp nối các bậc Tiền Nhân trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Lãnh tụ Hà Thúc Ký” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Ông Hà Thúc Ký sinh năm Canh Thân (1920) tại làng La Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên trong một gia đình khoa bảng. Sau khi đỗ Tú Tài ông ra Hà Nội học Đại Học và đỗ Kỹ sư Thủy Lâm.

Năm 1943, ông làm Phó Quận trưởng đặc trách rừng nước tại Cà Mau.

Năm 1945, khi Nhật đảo chánh Pháp, ông trở về Huế tham gia kháng chiến tại Mặt trận Lào với tư cách là Trưởng ban Đặc vụ Quân sự. Ít lâu sau, Việt Minh phao vu ông phản động nên ông từ bỏ Việt Minh trở ra Hà Nội. Tại đây, ông gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng do ông Trương Tử Anh thành lập từ năm 1939.

Năm 1953 ông vào Sài Gòn, được bầu vào Chủ tịch Hội Đồng Trung Ương khi Đảng trưởng Trương Tử Anh mất tích.

Năm 1954, ông tham gia vào Phong trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình cùng với một số nhân sĩ với 2 giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo.

Năm 1955, vì bất đồng chính kiến với Thủ tướng Ngô Đình Diệm và vì có liên quan đến vụ biến động Ba Lòng ở Miền Trung, ông bị kết án (vắng mặt) khổ sai chung thân.

Đến tháng 11 năm 1958, ông bị bắt và bị biệt giam cho đến sau ngày 1/11/1963 mới được trả tự do.

Mùa Xuân năm 1965, 3 ông Hà Thúc Ký, Trần Việt Sơn và Nguyễn Văn Ngải đã đưa ý kiến thành lập một đảng mới lấy tên là Đại Việt Cách Mạng Đảng để tiếp nối truyền thống cách mạng của Đại Việt Quốc Dân Đảng.

Ngày 25/12/1965, Đại Hội lần thứ nhất họp tại Sài Gòn. Danh xưng Đại Việt Cách Mạng Đảng được Đại Hội chấp thuận và Ban Lãnh Đạo gồm có: Ông Hà Thúc Ký làm Tổng Bí Thư, ông Trần Việt Sơn Đệ I Phó Tổng Bí Thư và ông Hoàng Xuân Tửu Đệ II Phó Tổng Bí Thư.

Từ 1964 đến 1967, Đại Việt Cách Mạng Đảng đã tổ chức được các tỉnh bộ, thị bộ và Đặc khu tại các địa phương trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt là các Đặc khu sinh viên, học sinh và thanh niên tại các trường đại học Huế, Sài Gòn, Đà Lạt, Cần Thơ gọi là Đặc khu Trương Tử Anh I, II, III và IV.

Năm 1967, Đại Việt Cách Mạng Đảng ủng hộ ông ra ứng cử trong cuộc bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống ngày 3/9/1967. Mặc dù không thành công, nhưng Đảng đã đưa được một số đảng viên vào Quốc Hội.

Sau Tết Mậu Thân, để đối phó với Cộng Sản, ông vận động 6 đảng phái có thực lực là: Dân Xã Đảng, Lực Lượng Đại Đoàn Kết, Nhân Xã Cách Mạng Đảng, Lực Lượng Tự Do Dân Chủ, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Cách Mạng Đảng để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội với mục đích đoàn kết các chính đảng để chống Cộng.

Sau ngày 30/04/1975, ông vượt biên sang Hoa Kỳ.

Đầu năm 1988. ông cùng với Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và ông Bùi Diễm nhắm tới việc thống nhất lại Đại gia đình Đại Việt. Một bản thông cáo với chữ ký của 3 người được gửi tới các cấp của các hệ phái Đại Việt và được công bố vào ngày 27/3/1988. Nhưng trong lúc những nỗ lực kết hợp đang tiến hành thì Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy từ trần.

Năm 1992, ông hợp tác với Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn để tái lập lại Đại Việt Quốc Dân Đảng, nhưng bị trở ngại nên ông trở về với Đại Việt Cách Mạng Đảng. Trong 3 kỳ Đại Hội Đảng vào những năm 1995, 1999 và 2003, ông vẫn được bầu làm Chủ Tịch Đảng.

Tháng 10 năm 2006, trước ngày Đại Hội đảng lần thứ VI, ông tuyên bố rút lui vì lý do sức khoẻ và ông ủy quyền cho ông Bùi Diễm đứng ra triệu tập Đại Hội. Tại Đại Hội Đảng ngày 26/5/2007, ông Bùi Diễm được bầu làm Chủ Tịch.

Ông Hà Thúc Ký qua đời lúc 12 giờ 10, chiều ngày 16/10/2008 tại bệnh viện Holy Cross, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, hưởng thọ 89 tuổi.

*****

Lãnh tụ Hà Thúc Ký là một trong những nhà cách mạng nhận thức được hiểm họa Cộng Sản, nên ông tiếp nối con đường mà Đảng trưởng Trương Tử Anh đã vạch ra, lấy chủ thuyết “Dân Tộc Sinh Tồnm kim chỉ nam để chống Thực Dân và Cộng Sản.

Ông chủ trương vận dụng sức mạnh của dân tộc để cứu nước thay vì dựa vào chủ thuyết ngoại lai và sức mạnh của ngoại bang như đảng CSVN do Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Trong suốt thời gian 37 năm sống ở hải ngoại, ông thường xuyên kêu gọi người Việt khắp nơi đoàn kết chống Cộng và ông luôn hô hào, khuyến khích thế hệ trẻ học Việt Ngữ để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Trang sử Việt sẽ ghi tên ông vào danh sách những nhà trí thức yêu nước đã cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng “khôi phục lại nền độc lập tự chủ cho nước nhà”. Và một ngày không xa, cái tên Hà Thúc Ký sẽ được đặt cho những con đường khi chế độ cộng sản không còn tồn tại trên quê hương VN.

 

 

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment