Kính thưa quý thính giả, tuy bề ngoài Trung Cộng bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc trong xung đột giữa Nga và Ukraine, nhưng trên thực tế nhà độc tài Tập Cận Bình bênh vực cho bạo chúa Putin, hầu tiếp tay hủy diệt lý tưởng dân chủ đang thịnh trào của nhân loại. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Tập Cận Bình đồng lõa với Putin” sẽ được Song Thập trình bày, để kết thúc chương trình phát thanh tối nay
Khi quân đội Nga nổ súng xâm lược Ukraine vào sáng 24 Tháng Hai vừa qua, nhiều con mắt nhìn về Bắc Kinh để xem thái độ của Trung Quốc. Tất cả những lời lên án chiến tranh mạnh mẽ nhất đều dành cho ông Vladimir Putin, tổng thống Nga. Nhưng ít ai để ý ông Putin có một kẻ đồng lõa hết sức quan trọng là ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc.
Trong diễn biến mới nhất, sau cuộc họp kéo dài bảy tiếng đồng hồ hôm Thứ Hai, 14 Tháng Ba, với ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine “để giúp giảm leo thang tình hình càng sớm càng tốt”.
Xem ra, Bắc Kinh đang tích cực tìm cơ hội thể hiện một hình ảnh “trung lập”, thậm chí gợi ý đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột nhưng thực chất là sắm vai ngư ông đắc lợi trong cuộc đối đầu quân sự đẫm máu nhất hiện nay. Vẻ bề ngoài “trung lập” của Trung Quốc thực ra chỉ là cái vỏ che giấu vụng về cho vị thế “đồng lõa” của ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống lại nhân dân Ukraine. Đó là điều thế giới cần nhận ra và có hành động thích hợp.
Nếu có một nhà lãnh đạo ngoại quốc biết trước quyết định tấn công Ukraine của ông chủ Điện Kremlin Vladimir Putin thì đó chỉ có thể là ông Tập Cận Bình. Trong khi cân nhắc xâm lược nước láng giềng, ông Putin đã bay sang Bắc Kinh bề ngoài là đi dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2022. Hai nhà lãnh đạo Nga-Trung đã “đàm luận thân mật” và trong thông cáo chung dài tới 5,000 chữ công bố sau đó, hai bên cam kết một tình đoàn kết “không có giới hạn” và không có lĩnh vực hợp tác “bị cấm”. Ông Tập cũng yêu cầu ông Putin ký một thỏa thuận khí đốt kéo dài 30 năm với các điều khoản có lợi cho Bắc Kinh.
Trên mặt trận truyền thông, Trung Quốc vẫn tiếp tục
chỉ đạo báo chí và mạng xã hội nước này khuếch đại các luận điệu của nhà cầm
quyền Moscow về cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Các
nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc đã được lệnh xóa tất cả các bài đăng ủng hộ
Ukraine. Báo chí nhà nước Trung Quốc thậm chí còn đưa phóng viên đến làm việc
với các chỉ huy quân đội Nga. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hiện đang nhai lại những
cáo buộc của chính phủ Nga về các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học do Mỹ kiểm
soát ở Ukraine mà chính phủ Mỹ gọi là “phi lý”.
Quan hệ gắn bó Nga và Trung Quốc một phần do hai nước có chung thể chế chính trị độc tài, cùng có mặc cảm bị phương Tây làm nhục, và cùng có tham vọng khôi phục lại các đế chế Trung Hoa, đế chế Nga La Tư xưa cũ. Ông Tập Cận Bình và Putin đều nuôi mộng làm “hoàng đế” trọn đời và đều có dã tâm sử dụng vũ lực để sắp xếp lại trật tự quốc tế theo tham vọng của họ.
Có những điểm tương đồng trong số phận của Ukraine và Đài Loan trong các toan tính địa chính trị của Nga và Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình chắc chắn đang theo dõi kết quả của cuộc chiến Ukraine để cân nhắc liệu phương Tây có ý chí bảo vệ Đài Loan hay không. Và nếu Trung Quốc tấn công nền dân chủ trên đảo tự trị, chắc chắn ông Putin sẽ đáp lại tình bạn của ông Tập.
Thực tế có thể trái với những toan tính nói trên của ông Tập Cận Bình. Mối quan hệ liên minh gần gũi với Nga trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Ukraine chắc chắn sẽ đào sâu thêm sự thù địch Trung Quốc ở Mỹ và Châu Âu – điều mà chính quyền Bắc Kinh luôn cố tránh để tìm môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Bằng mọi thủ đoạn, Trung Quốc phải cố che giấu sự liên minh này.
Sau khi chiến tranh bùng nổ ở Châu Âu, nhiều quốc gia EU đã đột ngột nhận ra mối đe dọa sát sườn từ sự bành trướng ảnh hưởng của ông Putin và đã ứng phó bằng cách tăng cường quân đội, tăng chi tiêu quốc phòng; một số nước trung lập cũng bắt đầu xin gia nhập NATO. Nếu Châu Âu “tự lực” được về mặt an ninh như dự tính, Hoa Kỳ cuối cùng sẽ rảnh tay để tập trung chú ý và tập trung nguồn lực vào Châu Á-Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc. Ngay trong lúc bom rơi đạn nổ ở Châu Âu, các giới chức quân sự cao cấp của Mỹ vẫn nhiều lần khẳng định họ sẽ không để tình hình Ukraine làm sao nhãng sự chú ý của họ đối với Trung Quốc.
Một yếu tố khác là tình hình ở Ukraine đang thúc đẩy các đồng minh của Mỹ ở Đông Á như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan và Philippines tăng tốc chạy đua vũ trang, tăng chi phí quốc phòng và mua sắm nhiều vũ khí tân tiến hơn. Đó là những dấu hiệu không thuận lợi cho Trung Quốc.
Dù sao, mối quan hệ gắn bó Tập-Putin đang bền chặt và Hoa Kỳ không thể trông mong Trung Quốc có hành động mang tính xây dựng đối với tình hình ở Ukraine. Và cái ý tưởng trước đây của nhiều nhà bình luận chính trị…rằng Hoa Kỳ nên hợp tác với Nga để chống lại Trung Quốc; như Tổng Thống Richard Nixon đã bắt tay với Trung Quốc để làm tan rã khối Cộng Sản Liên Xô từ năm 1972 – đang ngày càng tỏ ra bất khả thi, nếu không nói là ngây thơ trong bối cảnh chiến tranh Ukraine. Nếu không thể chia rẽ Moscow với Bắc Kinh thì Washington và Brussels cần tính tới các biện pháp trừng phạt kinh tế cả Trung Quốc và Nga nếu Bắc Kinh ra mặt tiếp tay với cuộc xâm lược đẫm máu của ông Putin./.
No comments:
Post a Comment