Monday, March 14, 2022

Toàn dân là… ‘vô chủ’

Chuyện Nước Non Mình

Điều 53 của Hiến Pháp quy định “Đất đai thuộc sở hữu của toàn dân… nhưng do nhà nước quản lý”. Trên thực tế điều này chỉ là một xảo ngôn cho phép đảng CSVN sở hữu toàn thể đất đại trên lãnh thổ mà thôi. Trong tiết mục CNNM hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Cát Tường với tựa đề: “Toàn dân là… ‘vô chủ’” sẽ được Minh Nguyệt trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Cát Tường

Theo lẽ tự nhiên và thường đã ghi thành pháp luật, sở hữu có nguồn gốc từ đầu tư. Thời xa xưa, muốn sở hữu đất trồng trọt, chăn nuôi, người ta phải đầu tư khai hoang bằng sức lao động. Thời nay, đầu tư chủ yếu bằng vốn.

Nhưng ở Việt Nam, thể chế sở hữu toàn dân về đất đai được xác lập không phải bằng đầu tư, mà bằng chính sách xóa bỏ kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể, chuyển thành kinh tế quốc doanh và tập thể, thực tế công hữu hóa nền kinh tế và rồi hợp thức hóa bằng Hiến pháp. Có nghĩa là thể chế sở hữu đất toàn dân ở nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác lập bằng ý chí, bằng chính sách.

Sự không rõ ràng trong quyền sở hữu đất đai theo các quy định hiện hành, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tranh chấp trong lĩnh vực này. Ngay trong các văn bản pháp luật cũng đã thể hiện sự không đồng nhất trong việc xác định quyền sở hữu đất đai.

Nếu như Hiến pháp quy định “đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu đất đai trên toàn lãnh thổ”, thì Bộ luật Dân sự lại quy định đất đai là một trong những loại tài sản thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy vậy, Luật Đất đai lại quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”.

“Sở hữu toàn dân về đất đai” theo như quy định trong Hiến pháp là một khái niệm hết sức trừu tượng, bởi trên thực tế, không có chủ thể thực nào gọi là toàn dân cả. Nếu mổ xẻ ra, thì “toàn dân” là “vô chủ”. Không những thế, do tình trạng “vô chủ”, không có ý nghĩa về mặt pháp lý đó, lại được hỗ trợ bởi quyền lực từ chính quyền, cơ quan quản lý, nên đã góp phần giúp các nhóm tư nhân lạm dụng quỹ đất, trục lợi.

Cả lý luận và thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi đa dạng hóa về sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân về đất đai. Nếu không thừa nhận vấn đề căn bản đó, thì dù sửa luật cũng không khắc phục được những bất cập.

Về bản chất, bất động sản không thể tách rời nhà và đất. Thế nhưng, hiện nay, quyền sở hữu đất đai thuộc về Nhà nước, trong khi quyền sở hữu nhà lại thuộc cá nhân. Chính sự không thống nhất này đã dẫn tới nhiều mâu thuẫn lợi ích giữa cá nhân và tập thể trong các chính sách về đất đai, bất động sản.

Điều kiện phát sinh và tồn tại của đa sở hữu là có tư hữu, có công hữu, có sở hữu cộng đồng (đoàn thể, tôn giáo, họ tộc…). Sự tồn tại đồng thời nhiều loại sở hữu như thế chính là thực tế lịch sử tiến hóa lâu dài của loài người. Những nước phát triển hiện nay có lẽ không mấy nước nào áp dụng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai kiểu như Việt Nam.

Cần thấy rằng một khi chuyển sang đa sở hữu, một loạt vấn đề tốn công, tốn giấy mực bao năm nay như giao, cho thuê, thu hồi, định giá đất… tự nhiên biến mất khỏi chương trình làm việc của các cấp chính quyền. Thời gian và một số lượng lớn nhân sự của bộ máy nhà nước không còn bị cuốn hút vào những chuyện rối ren về đất. Bởi những công việc đó là của tổ chức, của cá nhân, của thị trường, họ biết cách nên thương lượng ổn thỏa với nhau ra sao.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, phải áp dụng thể chế đất đai đa sở hữu mới củng cố được lòng tin của dân về quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài, chặn đứng các vụ lạm dụng thu hồi đất do đủ mọi cấp chính quyền tiến hành với đủ lý do chính đáng và không chính đáng, gây ra các khiếu kiện đông người, làm đau đầu mọi cấp, mọi ngành.

Chắc đọc tới đây sẽ có người ‘la làng’ rằng bậy bạ hết sức, nếu cho phép tư hữu đất đai, hóa ra sẽ tạo cơ hội cho những người ‘tư bản đỏ’ đầu cơ tích tụ đất đai rồi tạo ra tình trạng địa chủ – tá điền áp bức như hồi thời Pháp thuộc, hay như miền Nam của Việt Nam Cộng Hòa à?

Chẳng gì phải rối. Cứ việc, miễn là đừng bỏ đất trống, đất hoang hóa. Bỏ trống bỏ hoang đất đai thì đánh thuế thật nặng xem có dám tích tụ rồi bỏ hoang đất không?. Dù là chủ đất hay thuê đất đều phải có luật để giới hạn, chớ đâu phải “đất của tôi tôi muốn làm gì là quyền của tôi” được.

Nhà nước quy hoạch ở đâu lập tức đất ở đó bị đẩy giá lên cao chóng mặt? Chuyện nhỏ. “Oánh” thuế mua bán đất cao để bù cho chi phí xây dựng công trình hạ tầng là xong, xem có dám nâng giá trên trời không. Tư hữu đất đai được điều chỉnh bằng luật thuế nên không có nước nào cấm tư hữu đất đai cả.

Lại có ý kiến khác, ô hay thay đổi chế độ sở hữu sẽ làm hỏng chế độ xã hội chủ nghĩa mất. Thế nhưng ngay cả ‘la làng’ ấy cũng được cho là rất vớ vẩn, bởi như những thuyết giảng về Tư tưởng Hồ Chí Minh, chế độ xã hội chủ nghĩa đơn giản là có đặc điểm là kỹ thuật tiên tiến, khoa học phát triển, dân trí cao, con người công bằng bình đẳng với nhau…

Còn cái công hữu tư liệu sản xuất, nó là sang tận chủ nghĩa cộng sản kia rồi. Mà nói như lời than thở của ngài tổng bí thư hồi nào, chưa biết đến bao giờ thì Việt Nam mới ‘chạm ngõ’ trên con đường của chủ nghĩa xã hội.

Đến đây mà ai đó vẫn tiếp tục ‘bôn-sê-vích’, rằng thay đổi chế độ sở hữu sẽ là thay đổi hệ thống hành chính, tiềm ẩn nguy cơ cho bước dấn lấn tới về thay đổi thể chế.

Ô hay, Hiến pháp và tuyên ngôn của đảng luôn nhấn mạnh rằng cả đảng và nhà nước này đều là của nhân dân, thì sắp tới có thành lập, thay đổi hay… ‘phủ quyết’ đi chăng nữa, đó đều là quyền của người dân, đâu phải quyền của nhà nước.

 

No comments:

Post a Comment