Chiến thuật cố hữu của các nhà độc tàilà tạo ra một kẻ thù tưởng tượng hầu tiêu diệt đối lập, tạo một nhà nước mạnh và hy sinh mọi nhân quyền căn bản, đã không còn hiệu lực trong kỷ nguyên tin học của thế kỷ 21 nữa.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Phạm Phú Khải với tựa đề: “Chủ nghĩa bánh vẽ: Từ Stalin và Putin đến Mao và Tập” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Bản chất của chiến lược từ Stalin mà Mao học được và giúp Mao thành công chính trị chủ yếu là: tạo ra kẻ thù. Dù kẻ thù đó chỉ là tưởng tượng.
Mọi quyết định quan yếu tại nước Nga hiện nay, như xâm chiếm Ukraine từ cuối tháng 2 vừa qua, nằm trong tay một người: Vladimir Putin.
Tương tự, mọi quyết định quan yếu tại Trung Quốc nằm trong tay Tập Cận Bình.
Làm thế nào Putin và Tập có thể trèo lên đỉnh cao quyền lực, và có thể ngồi đó bất định kỳ?
Đây là một câu hỏi không dễ tìm câu trả lời.
Putin, với tư duy thời Chiến tranh Lạnh, đã đưa nước Nga trở lại mộng bá quyền và đế quốc của Stalin, Lenin, Peter the Great, hay Alexander I, trước đây. Putin, nói cho cùng, cũng chỉ là sản phẩm của văn hóa và lịch sử Nga. Lịch sử và văn hóa chính trị của Nga đã định hình tư duy của giới lãnh đạo chính trị tại đây, rằng muốn bảo đảm an ninh quốc gia thì cần phải có một nhà nước hùng mạnh.
Điều nghịch lý là, những nỗ lực xây dựng một nhà nước vững mạnh luôn dẫn đến việc lật đổ các định chế và đưa đến sự hình thành chế độ cai trị theo tính cách cá nhân. Như chính sử gia hàng đầu về Nga, Stephen Kotkin, đã biện luận vào tháng 5 năm 2016, tính cách cai trị cá nhân một cách không kiềm chế có xu hướng làm cho tiến trình đi đến các quyết định đối với chiến lược lớn của Nga trở nên mù mịt và có khả năng thất thường, bởi vì nó kết hợp lợi ích nhà nước với vận mệnh chính trị của một người.
Vấn đề nằm một phần ở những cá nhân như Putin, hay Stalin, Lenin v.v… của nước Nga trước đây. Phần còn lại nằm ở những người chung quanh đang ủng hộ họ. Nếu tư duy, văn hóa này còn thì sẽ có những Putin khác sau này.
Điều này cũng không khác với những gì đang xảy ra tại Trung Quốc của Tập Cận Bình. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là bánh vẽ của các “kỹ sư tâm hồn”. Họ rất giỏi mị dân, đưa ra những lý tưởng cao xa, nhưng toàn là điều ru ngủ, ảo tưởng. Họ biết cách đánh vào điểm yếu, tiêu cực nhất của con người, để duy trì sự xung đột, hiềm khích, và nghi kỵ lẫn nhau. Để rồi qua đó, con người không còn đủ khả năng và lý trí để nhìn ra được ai mới là kẻ thù thật sự, là chủ mưu của trò chơi. Chiến dịch chống lại địa chủ, cải cách ruộng đất, chống cánh hữu, dẹp tan thành phần phản cách mạng, cách mạng văn hóa v.v… của Mao Trạch Đông, tuy là sáng kiến của Mao, nhưng chính Mao học từ những lãnh đạo chính trị của Liên Sô, đặc biệt từ Stalin và tác phẩm “Short Course” của Stalin.
Bản chất của chiến lược từ Stalin mà Mao học được và giúp Mao thành công chính trị chủ yếu là: tạo ra kẻ thù. Dù kẻ thù đó chỉ là tưởng tượng, không có thật.
Putin đã học rất kỹ cách cai
trị của Stalin, cũng như Tập học cách cai trị của Mao.
Không những học kỹ từ Mao, Tập còn đưa chủ nghĩa Mao vào trong chính sách giáo dục yêu nước để nhồi nhét thế hệ trẻ hôm nay.
Còn Việt Nam thì sao? Sao lãnh đạo chính trị Việt Nam từng tôn thờ những người như Stalin, như Mao, như thánh như thần?
Văn hóa Việt Nam giống và khác Trung Quốc và Nga thế nào? Hy vọng trong tương lai sẽ có học giả nghiên cứu sâu sắc và viết về đề tài này một cách khách quan, khoa học và thuyết phục.
Nhìn vào những gì đã và đang xảy ra tại Nga và Trung Quốc, với Putin hay Tập, với Stalin hay Mao, chúng ta có thể đối chiếu với những gì đã và đang xảy ra tại Việt Nam. Thời Stalin và Mao thì có Trường Chinh làm tư tưởng gia cho Việt Nam. Thời nay, của Putin và Tập, phải chăng có Nguyễn Phú Trọng?
Việt Nam thì chưa bao giờ là cường quốc, nhưng vẫn
mang tư tưởng mình là ngoại lệ. Là thứ chủ nghĩa mình thì khác, như nhà phê
bình văn học Nguyễn Hưng Quốc từng nhận xét. Người Việt thường tự hào đã đánh
đuổi Trung Quốc, Tây (Pháp), Nhật (?), Mỹ, nên cũng đâu có thua ai. Còn hơn nữa
là khác! Nhiều người vẫn còn coi thường văn hóa văn minh nước khác, vẫn xem người
ta là thằng này, con kia. Khi đã coi thường thì làm sao thấy được những cái hay
và từ đó chịu học để tiến bộ?
Hiện tượng nói trên, theo tôi, thật ra chỉ phản ảnh một thành phần nào đó của người Việt, không phải là đa số. Không may phần lớn họ là những người không có nhiều trí tuệ, lại làm lãnh đạo đất nước nhiều thập niên qua, nên kéo lùi sự phát triển của toàn thể dân tộc. Những chính sách đối ngoại thiếu khôn ngoan (có khi quá nhu nhược, như với Trung Quốc, hoặc có khi quá hung hăng, như với Mỹ), và đối nội đầy phân biệt (đối với nhiều thành phần dân tộc) của nhóm người này đã để lại những hệ quả vô cùng tai hại và lâu dài.
Chỉ khi nào lãnh đạo quốc gia thật sự coi con người, tức mọi công dân trên lãnh thổ Việt Nam, là trung tâm của các chiến lược phát triển, thì hy vọng đất nước mới cất cánh lên được. Còn tư duy hiện nay, vẫn xem những người khác chính kiến, là mầm mống cần phải loại trừ, thì đó chỉ là chiêu bài cho việc duy trì quyền lực và quyền lợi của chế độ. Nó không bao giờ là mục tiêu cho sự thịnh vượng của toàn quốc gia, và không phải là chiến lực bền vững để canh tân Việt Nam./.
No comments:
Post a Comment