Friday, March 11, 2022

NHÂN SỰ KIỆN PUTIN XÂM LƯỢC UKRAINE, ĐIỂM LẠI SỐ PHẬN 3 NHÀ ĐỘC TÀI ĐẦU THẾ KỶ 21.

Chuyện Nước Non Mình

Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Phạm Thanh Nghiên với tựa đề: NHÂN SỰ KIỆN PUTIN XÂM LƯỢC UKRAINE, ĐIỂM LẠI SỐ PHẬN 3 NHÀ ĐỘC TÀI ĐẦU THẾ KỶ 21.

Chỉ vài ngày sau khi xua quân xâm lược Ukraine, Nga đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) mở cuộc điều tra tội ác chiến tranh và Tổng thống Putin có thể sẽ bị truy tố trước Tòa án này với cáo buộc “tội phạm chiến tranh”, “chống lại loài người”. Nhân sự kiện này, xin điểm lại 3 nhân vật từng bị Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra, hoặc kết luận là phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người hay tội phạm chiến tranh. Thế giới biết đến họ là những tên đồ tể khát máu, hiếu chiến và là kẻ thù của các nền dân chủ. Điều đặc biệt, khi chưa bị lật đổ, những nhà độc tài này đều được truyền thông ở một vài quốc gia đồng minh ( hoặc đồng bọn) bênh vực, ca ngợi, giống như trường hợp Putin bây giờ. Ba nhà độc tài ấy là Slobodan Milosevic - cựu  Tổng thống Nam Tư, Saddam Hussein- cựu Tổng thống Iraq và Gaddafi-Tổng thống Lybia.


Slobodan Milosevic sinh ngày 20/08/1941, gia nhập Đảng Cộng sản năm 18 tuổi. Năm 1989 đến năm 1997, Milosevic làm Tổng thống Serbia. Năm 1997 đến năm 2000, làm TT Cộng hòa Liên bang Nam Tư (liên bang giữa Serbia và Montenegro).

Giống như Putin hiện nay, khi cầm quyền, Milosevic cũng giải quyết các mối xung đột với những nước thuộc Nam Tư cũ bằng xe tăng, súng đạn. Nói trắng ra là xâm lược. “Tên đồ tể vùng Balkan” này bị Tòa án Quốc tế truy tố vì tội diệt chủng và các tội ác chống lại loài người, cộng thêm tội ác chiến tranh ở Croatia, Bosna và Kosovo hồi những năm 1990. Ông ta cũng bị buộc tội ác diệt chủng trong cuộc chiến Bosna từ 1992–1995 làm khoảng 200 nghìn người thiệt mạng. Trong số những người đã chết vì xe tăng, súng đạn của quân xâm lược, diệt chủng Milosevic, còn nhiều người khác bị thủ tiêu, bị bỏ tù, bị giết hại chỉ vì dám lên án hoặc chống lại chế độ này. Họ là những người đối kháng, những người bất đồng chính kiến hoặc các nhà hoạt động nhân quyền. 

Một trong các điểm giống nhau giữa những nhà độc tài, đó là luôn sửa đổi hiến pháp để được cai trị trọn đời. Không đủ điều kiện tranh cử chức tổng thống Serbia nhiệm kỳ thứ 3, Milosevic đã … tự trao cho mình chức Tổng thống Nam Tư vào năm 1997. Tháng 9/2000, Milosevic thất bại trong cuộc bầu cử, ông từ chối chấp nhận thất bại nhưng cuối cùng cũng buộc phải từ chức vì vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của dân chúng. Khi bị trao trả để mang ra Tòa xét xử tội ác Quốc tế của Liên Hợp Quốc, “tên đồ tể” tự cho mình là một “sứ giải hòa bình ở vùng Balkan”. Tháng 3/2006, Milosevic chết trong tù sau một cơn đau tim. Dù sao, với một “tên đồ tể phạm tội ác chống lại loài người”, (cách gọi của một số nhà báo tự do phương Tây), đó là một kết cục nhẹ nhàng và may mắn.


Saddam Hussein, sinh năm 1937, làm Tổng thống Iraq trong 24 năm, từ tháng 7 năm 1979 đến tháng 4 năm 2003. “Sự cai trị của Hussein là một chế độ độc tài đàn áp. Tổng số người Iraq bị giết bởi các cơ quan an ninh của chính phủ Saddam trong các cuộc thanh trừng và diệt chủng khác nhau được ước tính một cách dè dặt là 250.000 người. Các cuộc xâm lược của Saddam vào Iran và Kuwait cũng khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Ngày 5 tháng 11 năm 2006, Saddam bị tòa án Iraq kết tội “chống lại loài người” liên quan đến vụ giết 148 người Shi'a Iraq năm 1982 và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Đồ tể này bị hành quyết vào ngày 30 tháng 12 năm 2006”. (Theo Wikipelia tiếng Việt).

Muammar al-Gaddafi, sinh năm 1942, còn tự gọi mình là "Vua của các vị vua châu Phi", cai trị Lybia trong 42 năm cho đến ngày bị lật đổ, bị giết chết vào ngày 20/10/2011. Ngày 16 tháng 5 năm 2011, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt Gaddafi và con trai y với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người. Một trong những tội ác chế độ Gaddafi thực hiện nhiều nhất trong năm 2011 là đàn áp đẫm máu, tra tấn và giết hại những người biểu tình. Gaddafi còn được biết đến là kẻ tài trợ cho một loạt các nhóm khủng bố trên toàn thế giới, từ du kích Palestine cho đến phiến quân Hồi giáo Philippines. Nhắc đến gã đồ tể này, không thể không nhắc đến tội bắt cóc và hãm hiếp nhiều nữ sinh trong suốt thời gian nắm quyền trên lãnh thổ Libya.

Hắn có một đội cận vệ nữ cực nổi tiếng dưới tên gọi “đội cận vệ đồng trinh”, kiêm luôn “sứ mệnh” phục vụ tình dục cho tên độc tài dâm dê khát máu này.

Tuy nhiên, Gaddafi đã chết trước khi công lý được thực thi ở toà án. Tháng 10/2011, Gaddafi bị bắt khi đang trốn trong … một ống cống. Báo chí mô tả rằng “ông ta đã cầu xin tha mạng, và van xin các binh sĩ nổi dậy "đừng bắn", nhưng sau đó đã chết do bị một viên đạn bắn vào đầu. Binh sĩ NTC viết lên cống bằng sơn màu xanh dòng chữ "Nơi trốn của Gaddafi, con chuột cống",và chuyền nhau khẩu súng lục bằng vàng của ông ta. Thi thể của Gaddafi sau đó được đưa đến Misrata với 2 cái lỗ trên ngực và thái dương, và được đặt trong một phòng lạnh dùng để chứa thịt gia súc (thịt lợn thì phải), cùng với thi thể của con trai Mu'tasim. “Tại đây, người ta xếp những hàng dài để được vào xem tận mắt thi thể Gaddafi, dắt theo cả con cái và tạ ơn Thượng đế”.

Tổng thống Mỹ B. Obama thời đó bình luận rằng: “Cái chết thê thảm của nhà độc tài Gaddafi là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho những nhà độc tài khác trên thế giới, rằng nhân dân cần được tự do, họ cần được tôn trọng quyền sống cũng như nguyện vọng cơ bản của mình".

Sự thê thảm của Gaddafi không là gì so với sự thê thảm, bi đát mà hắn đã gây ra cho hàng triệu triệu người dân suốt hơn 4 thập kỷ cai trị. Nhưng ống cống, (và kho chứa thịt lợn đông lạnh) thực sự là hình ảnh tương phản, xứng đáng và đầy hào hứng cho ngày sau hết của một tên độc tài.

Không phải nhà độc tài nào, chế độ độc tài nào cũng bị trả giá. Sự thực là, nhiều nhà độc tài vẫn “sống vui, sống khoẻ, sống dai” cho đến hôm nay. Thậm chí ở một vài nơi trên quả địa cầu này, vẫn có một số nhà độc tài khác còn được ca ngợi sau khi chết đi, tỉ dụ như như Mao, cha con Kim Nhật Thành… chẳng hạn.

Nhưng có một điều, trừ những nơi tăm tối, mọi tên độc tài đều bị thế giới văn minh  nguyền rủa, kể cả Putin.

 Phạm Thanh Nghiên

 

No comments:

Post a Comment