Sunday, March 27, 2022

Muốn Hòa Bình Phải Chuẩn Bị Chiến Tranh!

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn/b> biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.

Tiến Văn 

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Ngày 27 tháng 02 vừa qua, chỉ ba ngày sau khi Putine tấn công xâm lược Ukraine, Thủ Tướng Đức Scholz đã tuyên bố chính phủ Đức sẽ tăng chi phí quốc phòng cho năm tài chính 2022 lên 100 tỉ Euro, tức khoảng 120 tỉ Mỹ kim.

Thưa quí vị, quí bạn, tuyên bố tưởng chừng đơn giản này của Đức lại nói lên rất nhiều ý nghĩa về thực trạng thế giới hiện nay.

Đức là một quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, là thành viên của khối quân sự bắc đại tây dương NATO và là nền kinh tế đứng hàng thứ tư trên toàn cầu. Song suốt hàng chục năm qua, chi phí cho quốc phòng của Đức luôn được đánh giá là rất nhỏ giọt, bủn xỉn so với yêu cầu và đòi hỏi chung của hệ thống phòng thủ Tây Âu-Bắc Mĩ. Kể từ sau khi Đức thống nhất năm 1990 đến trước tuyên bố vừa kể, chi phí quốc phòng của Đức chưa bao giờ đạt mức 2% GDP (tổng thu nhập quốc nội). Năm 2021 chi phí quốc phòng của Đức chỉ có khoảng 47 tỉ Euro.

Tuy nhiên, không chỉ có Đức giật mình cho tăng cao ngay chi phí quốc phòng lên hơn gấp đôi so với bình thường. Các nước Tây Âu giàu có nhưng bé tí như Thụy Điển, Đan Mạch hay còn thuộc loại nghèo như Ba Lan, Ru Ma Ni đều quyết định tăng cao ngay chi phí cho hệ thống phòng thủ quốc gia trước hành động chiến tranh của Putin.

Từ đầu thế kỉ 21 đến nay, chi phí cho quốc phòng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia lớn đều tăng. Song, điều đặc biệt nguy hiểm là các quốc gia độc tài có tham vọng khống chế thế giới như Nga và Trung Cộng lại có mức gia tăng chi phí cho quốc phòng lớn hơn nhiều lần so với khối dân chủ phương Tây, Mĩ và Tây Âu.

Theo số liệu thống kê khả tín, từ năm 2000 tới nay, ngân sách quốc phòng của Pháp tăng 15%, Anh 20%, Đức 22% và Mĩ là 61%. Trong khi đó, Nga tăng 183% và Trung Cộng tăng tới mức gây kinh hoàng là 495%.

Dù khối độc tài Nga, Trung Cộng gia tăng quốc phòng khủng khiếp như thế trong suốt 20 năm qua nhưng tiềm năng quân sự của khối Tây Âu và Mĩ vẫn ở thế áp đảo.

Chúng ta chỉ cần nhìn vào hai con số sau đây của hai quốc gia có chi phí quốc phòng lớn nhất thế giới là Mĩ và Trung Cộng sẽ thấy rất rõ sự chênh lệch về tiềm lực quốc phòng hiện tại giữa độc tài và dân chủ.

Trong tài khóa năm 2020, chính phủ Mĩ chi cho quốc phòng 778 tỉ đô, trong khi đó Trung Cộng công bố ngân sách cho quốc phòng đạt con số 252 tỉ đô. Trung Cộng có hai hàng không mẫu hạm đang hoạt động với công nghệ thời Nga-Xô cũ và đang cho đóng thêm 02 chiếc nữa. Trong khi đó, Mĩ có tới 11 hàng không mẫu hạm thuộc loại công nghệ tân tiến nhất thế giới và lại đang cho đóng thêm 03 chiếc khác với công nghệ tân tiến hơn.

Thưa quí anh chị em và quí vị, những số liệu sơ lược vừa kể, cộng với cuộc tấn công xâm lược Ukraine của Putin đang nóng bỏng, buộc chúng ta phải nhìn nhận một thực tế rằng dù không ai thích chiến tranh nhưng tất cả đều đang phải chú tâm chuẩn bị cho chiến tranh.

Ngay cả những đất nước hiền hòa và nhỏ bé nhất như Thụy Điển cũng phải công khai tăng cường cho vũ khí, đạn dược. Nước nhỏ và luôn tuyên bố trung lập như Thụy Sĩ cũng không thể ngồi im trung lập trước hành động chiến tranh của Putin.

Tuy nhiên, thực tế tăng cường quốc phòng để chuẩn bị cho chiến tranh ở mức độ toàn cầu hiện nay lại chỉ là sự phản ánh một chân lí đã được cổ nhân đúc kết từ nhiều ngàn năm qua. Trong triết lí thời La Mã cổ đại có một câu răn nổi tiếng rằng:

Muốn Hòa Bình Phải Chuẩn Bị Chiến Tranh!

Nếu nhìn vào nước Mĩ từ thời lập quốc tới nay chúng ta không chỉ thấy sự sáng suốt của câu cổ ngữ này mà chúng ta còn nhìn thấy tầm nhìn xa của các chính quyền Mĩ trong hơn một trăm năm qua luôn tăng cường đầu tư và phát triển các vũ khí, công nghệ chiến tranh để giữ cho nước Mĩ có công nghệ, tiềm lực quốc phòng-chiến tranh luôn đứng số Một thế giới. Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nước Mĩ đã liên tục giữ được hòa bình cho đất nước trong hàng trăm năm. Những cuộc tấn công vào nước Mĩ, những quốc gia, tổ chức dám có động thái hăm dọa, tấn công Mĩ kể từ thời lập quốc tới nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không những thế, tất cả mọi đối thủ liều mạng tấn công Mĩ đều phải lãnh những hậu quả hết sức khốc liệt như Nhật Bổn trong thế chiến II hay Al Qaeda sau vụ 11 tháng 09.

Đối với Việt Nam chúng ta, một nước nhỏ, liệu câu cổ ngữ trên có đúng không?

Chúng ta sẽ cùng trao đổi vào tuần sau cũng vào giờ này.

 

Hoàng Ân cùng Tiến Văn xin tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị cùng anh chị em trong chuyên mục tuần tới.

27/03/2022

No comments:

Post a Comment