Nhân loại văn minh kỷ nguyên mới không còn chỗ đứng cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan dù đến từ Hitler của Đức Quốc Xã hay đại văn hào Nga Solzhennitsyn qua đồ đệ của mình là nhà độc tài Vladimir Putin.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Trần Trung Đạo với tựa đề: “Alexander Solzhenitsyn, Putin và chủ nghĩa dân tộc tại Nga” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Quá khứ bao giờ cũng là bài học quý giá cho tương lai. Học để tránh hay học để vượt qua. Tuy nhiên, nhiều nhà chính trị không chỉ học mà tai hại hơn còn vận dụng quá khứ như một vũ khí để thực hiện tham vọng bành trướng của riêng họ.
Có người như Hitler nhắc nhở người dân về một quá khứ vàng son Tổ Quốc Đức cần được phục hồi.
Có người vận dụng nỗi đau quá khứ như trường hợp Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình dùng khẩu hiệu “một trăm năm sỉ nhục” để khiêu khích lòng tự ái dân tộc của người Trung Hoa.
Cũng có người như Alexander Solzhenitsyn và Putin
xem quá khứ Đế Quốc Nga như một lâu đài cổ mà các thế hệ phải bảo vệ và nếu cần
phải chết trong đó không được phép thoát ra.
Hitler, ngay trong trang đầu của chương thứ nhất trong tác phẩm Đời Tranh Đấu Của Tôi (Mein Kampf), viết về Áo, một Ukraine của Nga như sau: “Nước Đức – Áo phải được phục hồi về một Tổ Quốc Đức vĩ đại. Điều đó, thực sự, không đặt trên cơ sở của bất cứ một tính toán kinh tế nào. Không, không. Ngay cả khi thống nhất là một vấn đề ít được quan tâm về kinh tế, và ngay cả khi điều đó có thể gặp bất lợi từ quan điểm kinh tế, vẫn nên diễn ra. Những người cùng huyết thống nên cùng chung một nước Đức.” (Mein Kampf Adolf Hitler Translated into English by James Murphy).
Nhà văn Nga nổi tiếng thế giới Alexander Solzhenitsyn viết về Ukraine không khác gì Hitler viết về Áo trong tác phẩm Tái Dựng Nước Nga (Rebuilding Russia) như sau: “Tất cả chúng ta đều phát xuất từ Kiev quý giá, nơi mà từ đó “đất Nga bắt đầu hình thành” (như Nestor đã ghi trong biên niên sử của mình) và từ đó chúng ta nhận được ánh sáng của Cơ đốc giáo. Chính các hoàng tử đã cai trị tất cả chúng ta”.
Ông không quên đưa ra một đề nghị về một Ukraine tương lai: “Các nhà sử học và nhà lý luận chính trị Ukraine ủng hộ quyền tự trị cho Ukraine nhưng tôi tin rằng điều này sẽ đạt được tốt nhất trong khuôn khổ liên minh liên bang với Nga.”
Một người dân bình thường đưa ra những lý lẽ trên có thể sẽ được quên nhanh, nhưng Solzhenitsyn thì khác. Solzhenitsyn không chỉ là nhà văn nổi tiếng nhất của Nga mà còn là biểu tượng cho dòng lịch sử chảy qua nhiều biến cố của Nga từ Thế Chiến Thứ Hai đến khi ông qua đời ngày 3 tháng 8, 2008. Quan điểm chủ nghĩa dân tộc của ông là chỗ dựa tinh thần và lý luận chủ đạo cho các chính sách đối ngoại với các nước cựu CSLX của Putin.
Putin xem Solzhenitsyn như một bậc thầy. Theo nhà nghiên cứu Peter Eltsov, thuộc National Defense University, Putin bày tỏ lòng thán phục dành cho Solzhenitsyn và đến tận tư gia của ông ta để thông báo các chương trình Putin đã đạt được dựa theo những điều Solzhenitsyn đã viết.
Cả ba, một Hitler diệt chủng, một Solzhenitsyn nhà văn, một Putin độc tài nhưng chia sẻ nhau một quan điểm dân tộc, đó là “những người cùng huyết thống nên cùng chung một nước.”
Hitler được nhân loại biết nhiều qua Thế Chiến Thứ Hai với Holocaust. Putin đang được nhắc gần như hai mươi bốn giờ một ngày trên mọi nguồn tin thế giới. Alexander Solzhenitsyn có thể là một ngạc nhiên với nhiều độc giả, nhất là những độc giả từng yêu mến tài năng và thán phục lòng can đảm của ông qua các tác phẩm như Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago), Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denisovich (One ay in the Life of Ivan Denisovich) v.v…
Nhưng khiếu văn chương và lòng can đảm chưa đủ để minh định giá trị của một con người và cũng không thể dùng để biện minh cho những nhận thức sai lầm về lịch sử.
Quan điểm của Solzhenitsyn cho thấy một người yêu dân chủ chắc chắn sẽ chống lại mọi chế độ độc tài nhưng một người chống độc tài chưa hẳn phát xuất từ tình yêu dân chủ.
Với tất cả sự kính trọng dành cho nhà văn Solzhenitsyn, đề nghị “Ukraine nên nằm trong liên bang Nga”, về lịch sử và dân tộc học thể hiện một quan điểm sai lầm và lạc hậu. Quan điểm dân tộc cực đoan đó là nguồn gốc của không biết bao nhiêu tai họa đã diễn ra trong lịch sử nhân loại, cụ thể nhất là trong cuộc chiến thế giới từ 1939 đến 1945 mà ông đã từng chiến đấu chống lại.
Nếu Vladimir Putin là một người học trò tận tụy của lịch sử Nga, lẽ ra ông ta nên chào đón cơ hội Ukraine trở thành một nước độc lập, tự do dân chủ và mở rộng vòng tay hợp tác để cùng phát triển trong tình huynh đệ cùng một nguồn gốc Rus, không nhất thiết phải liên bang hay nhập hẳn vào Nga.
Nếu Solzhenitsyn là người quan tâm đến nguyện vọng của người dân Ukraine, lẽ ra ông ta nên dùng ảnh hưởng của mình để bênh vực khát vọng tự do của 50 triệu người đã chứng minh qua hai cuộc bầu cử công khai và dân chủ thay vì đi ngược lại chiều kim lịch sử với âm mưu tái lập một đế quốc Nga đã tàn lụi từ lâu.
Solzhenitsyn không cầm súng, không bắn chết ai nhưng quan điểm của ông ta đang góp phần tàn phá quê mẹ ông (mẹ của Solzhenitsyn là người Ukraine).
Ông không còn sống để thấy cảnh hàng triệu ông bà già, phụ nữ và trẻ em Ukraine đang lâm cảnh màn trời chiếu đất trong các trại tị nạn, hàng ngàn người Ukraine phải chết mỗi ngày ngoài mặt trận, một đất nước do những suy nghĩ sai lầm của chính ông góp phần tàn phá.
Hôm nay trước cảnh máu chảy thịt rơi, nhà tan cửa nát, những khái niệm gọi là “tình anh em”, “tình dân tộc Rus” đã trở thành vô nghĩa. Đây không phải là nội chiến giữa nước “Nga lớn” và “Nga nhỏ”, không phải là cuộc chiến “cốt nhục tương tàn”, “nồi da xáo thịt” mà là một cuộc chiến tự vệ chống xâm lăng của Cộng Hòa Ukraine.
Những người lính Ukraine không chiến đấu vì quá
khứ. Họ chiến đấu cho quyền sống, quyền làm người, quyền tự do và dân chủ của
chính họ, gia đình họ hôm nay và các thế hệ Ukraine tương lai./.
No comments:
Post a Comment