Kính thưa quý thính giả,
Một vị vua trẻ, dám từ bỏ
vinh hoa phú quý để vào rừng núi viết chiếu “Cần Vương”, kêu gọi sĩ phu yêu nước
nổi lên chống Pháp. Thực dân Pháp nhiều lần mua chuộc, nhưng ông đều từ chối,
ông nói: “Ta thà chết trong rừng hơn là về
làm vua mà phải ở trong vòng cương tỏa”.
Khi bị lưu đày sang
Algerie, ông
lấy một người vợ Pháp, nhưng suốt ngày vẫn mặc áo dài khăn đóng như khi ở quê
nhà và dạy con nhớ về quê hương xứ sở.
Trong
tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả
bài “Vua Hàm Nghi” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tên húy của vua Hàm Nghi là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, sinh ngày 3/8/1871 tại Huế, là con thứ 5 của Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn.
Sau khi Kiến Phúc bị giết, Ưng
Lịch 13 tuổi được chọn lên ngôi ngày 1/8/1884, lấy hiệu là Hàm Nghi. Vì Khâm Sứ không
được mời tham dự lễ đăng quang nên Pháp không thừa nhận
vua Hàm Nghi.
Khi tướng De Courcy dọa bắt vua, Tôn Thất Thuyết ra
lệnh tấn công đồn Mang Cá và đồn quân Pháp cạnh tòa Khâm Sứ. Cuộc tấn công bị
thất bại, vua Hàm Nghi được hộ giá ra Quảng Trị.
Tại vùng Tân Sở, ông đã viết Chiếu
Cần Vương, kêu gọi các sĩ phu yêu nước nổi dậy chống Pháp giành lại độc lập
cho nước nhà. Chiếu này đã tạo ra phong trào chống Pháp, khiến thực dân Pháp nỗ lực tìm cách bắt ông, cho đến năm 1888, ông bị tên Việt gian Trương Quang Ngọc bắt giao
cho Pháp, khi đó ông mới 17 tuổi.
Để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của ông
đối với phong trào Cần Vương nổi dậy khắp nơi, thực dân Pháp quyết định đày ông
sang Algerie ở Phi châu, ông bị giam lỏng cách Alger, thủ
đô của Algerie vài cây số.
Lúc mới đến Algerie, vua Hàm Nghi kiên quyết không chịu học tiếng Pháp vì cho rằng, học tiếng Pháp là mặc nhiên công nhận quân cướp nước. Mọi việc giao tiếp, trò chuyện với những
người ở Algerie đều thông qua người thông ngôn. Nhưng sau vài năm sống ở Algerie, ông nhận ra rằng Algerie
tuy là thuộc địa của Pháp, nhưng người dân bản địa đều là những người rất dễ thân thiện, gần gũi và tốt bụng, nên ông bắt đầu học tiếng
Pháp. Một thời gian sau ông cưới một phụ nữ Pháp làm vợ.
Do đức tính nhã nhặn và hòa đồng, ông được nhiều
người bản xứ quý mến. Sau nhiều
thập niên xa xứ, vua Hàm Nghi qua đời vào ngày 14/1/1944 tại Algerie vì bệnh
ung thư dạ dày.
* * *
Một vị vua mới lên ngôi chưa được bao lâu thì phải vào
rừng tránh giặc Pháp, nhưng vua Hàm Nghi vẫn chịu đựng gian khổ, hiên ngang chấp nhận. Với tấm lòng yêu nước và
tinh thần bất khuất, cùng với truyền thống chống ngoại xâm đang
luân chảy trong người, ông đã kêu gọi và khởi xướng ra Phong trào kháng chiến chống Pháp trên toàn lãnh thổ.
Hàng loạt các thủ lãnh và chiến khu nổi tiếng đã đi
vào lịch sử Việt Nam
thời cận
đại như: Hoàng Hoa Thám với chiến
khu Yên Thế, Nguyễn Thiện Thuật và chiến khu Bãi Sậy, Phan Đình Phùng với cuộc
khởi nghĩa Hương Khê, Đinh Công Tráng với chiến khu Ba Đình.v.v. Và rất nhiều thủ lãnh Cần Vương khác từ Nam chí Bắc đã nghe theo lời kêu gọi của ông, đã kiên trì chiến đấu suốt
nhiều năm với mục tiêu đánh đuổi thực dân Pháp, dựng lại nền tự chủ cho dân tộc.
Không ai có thể đếm hết được
xương máu đã đổ
trong cuộc chiến, nhưng một điều rõ ràng nhất, là thực dân Pháp đã không thành công khi đưa vua Duy Tân lên ngôi
để làm bù nhìn. Thừa hưởng dòng máu bất khuất của cha ông, vua Duy Tân cũng đã nối gót ông làm một cuộc binh biến, nhưng thất bại bị Pháp đày sang đảo
Réunion ở Phi châu.
Chỉ với 2 vị vua trẻ tuổi
mang tấm lòng yêu nước, triều đình nhà Nguyễn xứng đáng được hậu thế ca tụng hơn là tập
đoàn Cộng Sản tại Ba Đình hiện nay chỉ biết quỳ gối, khom lưng cúi đầu trước kẻ thù phương Bắc, thậm chí là
không dám nhắc đến 2 chữ Trung Quốc khi đề cập đến các vụ ngư dân Việt bị quân Tàu
sát hại ngoài Biển Đông.
Thô bỉ hơn nữa là suốt hơn 75 năm qua, đảng cộng sản VN luôn kết án triều Nguyễn nặng nề, nhưng trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, khi cả nước đang bị lệ thuộc Tàu Cộng
từ quân sự cho đến kinh tế, thì cả tập đoàn tham nhũng từ trên xuống dưới vẫn
ra rả xưng tụng mối quan hệ "16 chữ
vàng và 4 tốt", nhưng thực tế là để tìm sự ủng hộ cho chiếc ghế trong
đảng để được “vinh thân phì
gia”. Một tập đoàn
bất xứng như thế mà dám lên án các vị vua triều Nguyễn, những người có công lao mở mang bờ cõi, thì quả là vô liêm sỉ.
Trong khi đó, dù bị lưu đày, vua Hàm Nghi vẫn thu phục được sự kính trọng và lòng thương mến của rất
nhiều người dân châu
Phi. Tại sao không noi gương sáng vua Hàm Nghi để dạy cho con cháu những đức tính tốt,
thay vì hô hào học tập theo tấm gương của Hồ Chí Minh, một kẻ gian hùng, tự biên soạn tiểu sử của mình mà ký
tên là Trần Dân Tiên?
No comments:
Post a Comment