Sunday, February 6, 2022

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật, 06.02.2022

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân:Cám ơn chị MỹLinh….

Bảo Trân:Mở đầu buổi hội luận ngày hôm nay, BT muốn được hỏi anh có ghi nhận như thế nào trước việc sáng sớm mồng 2 Tết, kho đạn của quân đội ở tỉnh Gia Lai phát nổ, với cột khói bốc cao hàng trăm thước?

Hướng Dương: Thưa chị cùng quý thính giả đài DLSN!

Kho đạn nói trên là thuộc cục quân khí của bộ quốc phòng ở huyện La Grai, nhưng tương tự như các vụ nổ kho đạn trước đây, giới chức VN đều tuyên bố là không có ai thương vong, có nghĩa là không có bất cứ ai có mặt tại chỗ vào lúc kho đạn phát nổ.

Báo chí lề đảng cho biết là 10 gia đình sinh sống gần kho đạn đã được khẩn cấp di dời và không có thiệt hại nào về tài sản. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến vụ nổ này, nhưng đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ các kho vũ khí phát nổ ở VN.

Trước đó vào cuối tháng 6 năm 2020, một kho đạn ở thị xã Phố Yên, tỉnh Thái Nguyên, đã phát nổ và bốc cháy dữ dội. Tương tự vào ngày 10/1/2018, một vụ nổ lớn tại kho đạn của lữ đoàn thiết giáp 273 ở huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai, và cũng được loan báo là không có thương vong nào. Vào tháng 8 năm 2017, một kho tồn trữ vũ khí và chất nổ của công an tỉnh Hà Giang cũng bất ngờ phát nổ nhưng cũng không có thương vong.

Chỉ có một vụ thương vong nhiều nhất là vào năm 2013, ít nhất 20 người chết và 100 người khác bị thương trong vụ nổ cơ xưởng chế tạo pháo bông của quân đội vào năm 2013.

Bảo Trân:Theo tôi được biết trước sức ép của dư luận, hôm 2/2 vừa qua, Công an tỉnh Gia Lai mới quyết định bắt giam và truy tố hung thủ Nguyễn Văn Kiên, người đã chém chết Linh mục Trần Ngọc Thanh tại một nơi thờ phụng ở xã Saloong, huyện Ngọc Hồi. Anh vui long nhắc lại việc này để quý thính giả đài cùng nghe?

Hướng Dương: Đúng như chị vừa nói, vụ sát hại man rợ xảy ra vào tối ngày 29/1, nhưng giới truyền thông lề đảng hoàn toàn giữ im lặng cho đến hôm thứ Tư 2/2 vừa qua. Theo bản tin của tờ Công an Kon Tum, Nguyễn Văn Kiên là một giáo dân Công giáo, thường xuyên đi lễ tại nhà thờ Saloong nhưng không cho biết là nguyên nhân nào dẫn đến việc sát hại LM Trần Ngọc Thanh bằng hai nhát chém vào đầu.

Được biết là hung thủ Nguyễn Văn Kiên bị các giáo dân khống chế ngay tại chỗ, nhưng hai ngày sau đó công an mới quyết định bắt giam và truy tố tội “giết người”.

Xin nhắc lại năm nay 41 tuổi, Linh mục Trần Ngọc Thanh ra đời tại Sài Gòn và được thụ phong linh mục dòng Đa Minh vào tháng 8 năm 2018 trước khi trở thành phó xứ Đắc Mót thuộc giao phận Kon Tum.

Bảo Trân: Thưa anh HD, việc tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa đứng đầu danh sách cần can thiệp khẩn cấp là sao anh?

Hướng Dương: Thưa chị cùng quý thính giả đài DLSN!

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa là người đứng đầu trong danh sách 10 người cần được can thiệp khẩn cấp, theo xếp hạng của tổ chức One Free Press Coalition, một liên minh đấu tranh cho các nhà báo trong ngành phát thanh.

Danh sách 10 nhá báo cần can thiệp khẩn cấp được tổ chức nói trên công bố trước ngày Phát thanh Quốc tế 13/2 năm nay. Là một cộng tác viên của đài Á châu Tự do, nhà báo Nguyễn Văn Hóa 27 tuổi đã bị bạo quyền CSVN kết án 7 năm tù vào năm 2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN”.

Theo nhận định của cơ quan LHQ, ngành phát thanh vẫn là nguồn cung cấp thông tin phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên theo Ủy ban Bảo vệ Ký giả, tại các nước độc tài độc đảng, giới nhà báo bị đàn áp mạnh mẽ nhất, với ít nhất 275 người bị sát hại và 19 nhà báo bị bỏ tù trong năm 2021.

 

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Phóng viên Không biên giới, VN hiện là một trong 5 nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới. Vào năm ngoái, có thêm 43 nhà báo độc lập ở VN đã bị bắt bớ và kết án tù.

Bảo Trân:Sau vụ bắt giam nhóm quan chức làm tiền các công dân muốn về nước, nhà cầm quyền VN đã quyết định hủy bỏ việc xét duyệt và các thủ tục vòi tiền các công dân ở hải ngoại muốn về nước. Anh có thể nói rõ hơn?

Hướng Dương: Được biết lệnh hủy bỏ do bộ giao thông vận tải đưa ra, theo đó các thủ tục sách nhiễu hoàn toàn bị bãi bỏ, và người Việt ở hải ngoại không cần phải trải qua các thủ tục rườm rà khi xét giấy nhập cảnh từ các tòa đại sứ hay lãnh sự VN ở các nước. Tuy nhiên các quy định về dịch bệnh vẫn duy trì khi nhập cảnh vào VN.

Trong thời gian qua, nhiều người Việt đã than phiền về giá vé máy bay hồi hương cao gấp 5 lần giá vé trước khi nổ ra đại dịch. Điển hình như giá vé của hãng Vietnam Airlines lên đến 2 ngàn 500 Mỹ kim cho một chuyến. Ngoài các thủ tục rườm rà, người về nước dù đã chích ngừa đầy đủ cũng vẫn bị cách ly với lệ phí phải trả là 25 Mỹ kim một phòng ngủ và 3 bữa ăn là 70 Mỹ kim.

Vào hôm 28/1 vừa qua, bộ công an đã bắt giam bà Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng cục lãnh sự của bộ ngoại giao, cục phó Đỗ Hoàng Tùng, chánh văn phòng Lê Tuấn Anh và Lưu Tuấn Dũng, một cán bộ của cục này. Cả 4 người đều bị khép vào tội nhận hối lộ và trục lợi khi thực hiện các chuyến bay giải cứu các công dân bị kẹt ở hải ngoại. Tính tổng cộng có hơn 800 chuyến bay với mục đích giải cứu được thực hiện trong 2 năm đại dịch.

No comments:

Post a Comment