Monday, February 14, 2022

Phép thử ‘chiến tranh biên giới’

Bình Luận

Trong khi toàn dân Việt căm thù CSTQ thì đảng CSVN trong tâm thức đã toàn diện phản quốc khi coi CSTQ là đàn anh ý thức hệ và dân hiến từng phần lãnh thổ lẫn lãnh hải cho đàn anh bá đạo này.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: Phép thử ‘chiến tranh biên giới’” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay. 

Trong một động tác hiếm có, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), đã đến thắp hương tưởng niệm các tử sĩ, bày tỏ lòng thành kính với các chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc năm 1979 – một cuộc chiến đã trở thành phép thử quan điểm lập trường của các nhà lãnh đạo Việt Nam đối với Trung Quốc. 

Tháng Hai hằng năm, khi những rừng hoa mận nở trắng vùng biên giới phía Bắc, người dân Việt Nam lại sống lại nỗi đau của cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược, ngắn ngủi nhưng đẫm máu, ở sáu tỉnh giáp biên giới ngày 17 Tháng Hai, 1979. Nỗi đau càng giày vò khi cho đến nay, nhà cầm quyền Cộng Sản vẫn cương quyết dập tắt mọi hoạt động tưởng niệm của dân chúng, tẩy xóa mọi thông tin, dữ kiện về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc. 

Thái độ thần phục Trung Quốc lên đến đỉnh điểm dưới thời Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư đảng CSVN, khi hai nước đồng thuận cái gọi là “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài và hướng tới tương lai), làm nền tảng cho mối quan hệ ngoại giao. Cũng trong thời kỳ này, Việt Nam ký kết với Trung Quốc hiệp định phân định biên giới trên bộ thay cho Công Ước Pháp-Thanh năm 1887, phân định biên giới giữa Bắc Kỳ do Pháp bảo hộ và Trung Quốc thời nhà Thanh. Hiệp định biên giới giữa hai đảng Cộng Sản đã làm cho Việt Nam mất một phần lãnh thổ mà tổ tiên để lại, các kiến trúc và cảnh quan lịch sử như thác Bản Giốc, Ải Nam Quan đều bị rơi vào tay Trung Quốc. 

Trong khi Việt Nam nỗ lực bôi xóa ký ức về cuộc chiến tranh 1979 thì Trung Quốc ra sức quảng bá “chiến thắng” trong cái gọi là “cuộc chiến tự vệ chống lại Việt Nam,” không chỉ dạy dỗ cho thế hệ trẻ mà còn viết báo, viết truyện, làm phim ca ngợi những anh hùng, tử sĩ của họ, tiêu biểu như bộ phim nổi tiếng Fanghua (Tuổi Trẻ), lấy bối cảnh cuộc xung đột, phát hành năm 2017. 

Tại sao đảng Cộng Sản và nhà cầm quyền Việt Nam không muốn người dân biết và kỷ niệm cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc? Vấn đề không đơn giản là họ không muốn làm phật lòng ban lãnh đạo Trung Quốc mà họ đang cố dựa vào. Ký ức về cuộc chiến biên giới 1979, nếu để cho dân chúng tự do tìm hiểu, trao đổi, sẽ phơi bày những sai lầm nghiêm trọng của đảng Cộng Sản cầm quyền, cả những người thuộc phe chống Trung Quốc cực đoan như Lê Duẩn và những kẻ cam tâm thần phục Bắc Kinh như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn Linh. Lịch sử nhìn một cách khách quan cũng sẽ phơi bày bản chất tráo trở, phản dân hại nước chỉ để duy trì độc quyền cai trị của đảng này. 

Nhưng không có gì che mà không lộ, giấu mà không biết. Những cựu chiến binh của cuộc chiến biên giới là những người đầu tiên lên tiếng đòi tưởng niệm các đồng đội của họ đã ngã xuống trong Tháng Hai, 1979, và gần mười năm xung đột với Trung Quốc ở Hà Giang và Quảng Ninh. Sự lấn lướt, chèn ép của Trung Quốc đối với Việt Nam trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông làm bùng nổ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên cả nước cũng tạo điều kiện để người ta nhìn lại, đánh giá lại các sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước, trong đó có cuộc chiến tranh 1979. 

Cuộc chiến tranh, thay vì bị lãng quên như ý đồ của đảng, đã trở thành một phép thử về quan điểm lập trường của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Thông tin từ nội bộ cấp cao của đảng CSVN cho biết, hiện nay các cơ quan của đảng như Ban Tuyên Giáo, các bộ Công Thương, Công An của chính phủ vẫn chủ trương thần phục Bắc Kinh cả về kinh tế và chính trị, thẳng tay đàn áp những tiếng nói đòi “xét lại” quan điểm về cuộc chiến tranh biên giới, trong khi bộ Quốc Phòng có xu hướng phục hồi danh dự và quyền lợi cho những quân nhân đã tham gia cuộc chiến bảo vệ đất nước và cảnh giác đề phòng những mưu đồ xâm lược của Trung Quốc. 

Vào Tháng Hai, 2016, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm đặc biệt tới các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam để tưởng nhớ những người lính và thường dân đã ngã xuống trong chiến tranh, trở thành chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam làm việc đó. 

Hôm 26 Tháng Giêng năm nay, Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hương, tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Quảng Ninh. Báo điện tử của chính phủ viết: “Thủ Tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của trung ương đã thành kính dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.” Đáng chú ý là trong nhiều năm làm lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trước đây, ông Chính chưa bao giờ có hành động như vậy.

 Hành động của ông Sang, ông Chính là khá hiếm hoi, có thể chỉ để mị dân nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy có chút chuyển biến nào đó trong việc nhìn nhận, đánh giá lại cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và ứng xử với Trung Quốc. Nếu như vậy thì đây là một điểm sáng nên ghi nhận, dù những ông này chưa bao giờ công khai gọi đích danh “cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược” mà vẫn tìm cách né tránh bằng một cụm từ dài dòng nhưng vô nghĩa: “Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới”. 

Bao giờ giới lãnh đạo Việt Nam mới dám gọi đích danh kẻ thù, người dân Việt Nam được công khai bàn luận về cuộc chiến tranh 1979 đúng với sự thật lịch sử? Ngày đó dường như vẫn còn xa./.

No comments:

Post a Comment