Saturday, January 25, 2020

TIN TỨC: Thứ Bảy, ngày 25 tháng 01 năm 2020

Tin Tức

Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Minh Nguyệt&Hướng Dương trình bày sau đây.
VIỆT NAM ĐÓN TẾT TRONG LO LẮNG VÌ THỜI TIẾT BẤT THƯỜNG
Nhiều người Việt Nam đón tết trong lo lắng vì thời tiết bất thường ở miền Bắc khi xuất hiện sấm chớp và mưa rào ở thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.
Mưa to gió lớn đã gây lụt lội ở nhiều đường phố của thủ đô, có mưa đá xuất hiện ở Phú Thọ và một số thành phố, gây thiệt hại không nhỏ cho người bán cây cảnh dịp tết và hoa màu của nông dân.
Nhiều người cho biết thời tiết xấu một cách đặc biệt chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ gần đây. Một số cho rằng đây là hậu quả của biến đổi khí hậu, còn số khác thì dự đoán có nhiều biến cố xã hội sẽ xảy ra trong năm nay.
Ngoài ra, cảnh sát giao thông tăng cường trấn lột tài xế, áp dụng mức cồn zero khi đo khí thở, tình trạng tiêu thụ rượu bia năm nay sẽ giảm mạnh. Tai nạn giao thông dự đoán cũng giảm mạnh theo.
 THANH TRA CHÍNH PHỦ KIẾN NGHỊ ĐIỀU TRA CÁC SAI PHẠM CỦA VINASHIN
Vào thứ Sáu ngày 24/1, truyền thông nhà nước đưa tin Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra các sai phạm của Tổng Công ty Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), cụ thể là số tiền 4.190 tỷ đồng là vốn đầu tư của nhà nước nhưng Vinashin lại đem đi gửi tại ngân hàng OceanBank.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc gửi ngân hàng này có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của nhà nước và gây thiệt hại hơn 1.050 tỉ đồng (44.7 triệu Mỹ kim). Các ông Nguyễn Ngọc Sự- chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên Vinashin, Trương Văn Tuyến- tổng giám đốc, Phạm Thanh Sơn- phó tổng giám đốc, và Trần Đức Chính- trưởng ban Tài chính kế toán phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này.
Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng Vinashin có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong việc hỗ trợ sửa chữa Tàu 700TEU NT29 tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, lỗ 456,9 tỉ đồng, thiệt hại số tiền đã hỗ trợ 151,76 tỉ đồng.
Vinashin được kỳ vọng là quả đấm thép của kinh tế Việt Nam dưới thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tiêu tốn hàng tỷ Mỹ kim của ngân sách nhà nước trước khi bị phá sản.
DÂN VIỆT ĐÒI ĐÓNG CỬA BIÊN GIỚI VIỆT-TRUNG VÌ VIRUS CORONA
Cộng đồng mạng xã hội Việt Nam đang lan truyền lời kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đóng cửa biên giới Việt-Trung vì lo ngại lây nhiễm dịch viêm phổi do virus Corona từ Trung Cộng, nơi phát xuất loại virus chết người này.
Nhiều công dân cũng kêu gọi Việt Nam dừng các hoạt động có thể tăng lây nhiễm bệnh này như tụ tập đông người xem bắn pháo hoa hay dùng ống thổi để đo nồng độ cồn của tài xế.
Lời kêu gọi được đưa ra trong lúc số người bị lây nhiễm bệnh gây ra bởi Coronavirus gia tăng mạnh mẽ ở Trung Cộng, trong khi số lượng người du lịch và làm ăn từ Trung Cộng đến Việt Nam ngày càng tăng mạnh.
Cho đến tối 24/1, Việt Nam đã ghi nhận 2 du khách người Vũ Hán mắc bệnh viêm phổi do virus corona gây ra. Bộ Y tế cho biết hai cha con du khách này hiện đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài ra còn có 4 trường hợp nghi ngờ đang chờ kết quả xét nghiệm trong vòng 2-3 ngày tới.
Việt Nam bắt đầu áp dụng khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu đối với hành khách, đặc biệt là hành khách đến từ Vũ Hán và Hoàng Cương của Trung Quốc. Người Việt Nam cũng được khuyến cáo không đi tới Vũ Hán và các thành phố đang bị ảnh hưởng dịch bệnh ở Trung Quốc.
WHO CHƯA CÔNG BỐ CORONAVIRUS LÀ MỐI ĐE DOẠ TOÀN CẦU
Các chuyên gia có mặt trong phiên họp khẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào thứ Năm ngày 23/1 chưa tìm được tiếng nói chung về các rủi ro sức khỏe mang tính toàn cầu do coronavirus mới gây ra, vốn đã khiến hơn 500 người mắc bệnh, ít nhất 18 người tử vong.
Sau một ngày thảo luận về những nguy cơ mà Coronavirus mới có thể gây ra, các chuyên gia của WHO vẫn chia rẽ về việc liệu virus này có gây ra rủi ro sức khỏe toàn cầu, đòi hỏi các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hay không.
Tổng giám đốc WHO,ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng cần thêm thông tin để tiến hành bước tiếp theo.
Bệnh chủ yếu truyền từ động vật sang người, nhưng các nhà khoa học khẳng định có sự lây lan từ người sang người ở một chừng mực nào đó. Các chuyên gia y tế cảnh báo người dân tránh tiếp xúc gần gũi, trực tiếp với những người bị nghi đã nhiễm virus này.
TỔNG THỐNG TRUMP SẮP CÔNG BỐ KẾ HOẠCH HOÀ BÌNH Ở TRUNG ĐÔNG
Vào thứ Năm ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo sẽ công bố kế hoạch hòa bình cho Trung Đông ngay trước chuyến viếng thăm của Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu tới Washington vào tuần tới.
Phát biểu với báo giới, ông Trump cho biết người Palestine thoạt tiên có thể sẽ phản ứng tiêu cực về kế hoạch này nhưng chung cuộc nó sẽ mang lại lợi ích cho họ.
Không rõ kế hoạch này có mang lại hoà bình thực sự cho Trung Đông hay chỉ là một trong những việc mà ông Trump thực hiện nhằm giúp ông ở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới.
NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU SẼ BỎ PHIẾU VỀ THOẢ THUẬN BREXIT
Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu về Thoả thuận Brexit, một hiệp định để vương quốc Anh tách khỏi Liên minh Châu Âu vào ngày 31/1 tới.
Vào ngày 23/1, Nữ hoàng Elizabeth II phê chuẩn thỏa thuận này. Trong cùng ngày, Ủy ban về các vấn đề thể chế (AFCO) của EU đã thông qua thỏa thuận, chính thức khuyến cáo thông qua thỏa thuận trong phiên họp toàn thể vào thứ Tư tới.
Cho dù nhiều nghị sỹ của Quốc hội Châu Âu không vui lòng trước việc Anh Quốc rời EU nhưng có lẽ đa số sẽ bỏ phiếu thuận cho hiệp định này.
MỸ-TRUNG: BẮT ĐẦU CHIẾN TRANH CÔNG NGHỆ TRONG KHI THƯƠNG CHIẾN CHƯA CHẤM DỨT
Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa kết thúc, và cuộc chiến tranh về công nghệ giữa hai cường quốc này chỉ mới bắt đầu. 
Theo đó, cuộc chiến về công nghệ là then chốt trong thế đối đầu Mỹ – Trung. Xung đột thương mại, từ 18 tháng nay, chỉ khiến Bắc Kinh thêm cương quyết trong việc gia tăng nỗ lực để tự chủ về công nghệ mũi nhọn trong các lĩnh vực, từ bán dẫn, đến không gian, hạt nhân. Ở phía bên kia Thái Bình Dương, chính quyền Trump coi việc ngăn chặn tham vọng công nghệ cao của Trung Quốc là mối bận tâm chính, với Huawei là đối thủ hàng đầu. Hiện tại, hai qui định mới đang được chính quyền Trump chuẩn bị nhằm ”giới hạn một cách nghiêm ngặt hơn việc tập đoàn truyền thông Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ Mỹ”, và cắt đứt chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt từ Đài Loan.
Cho dù Mỹ-Trung hưu chiến về thương mại ngày 15/01 nhưng không khí ”chiến tranh” vẫn luôn còn đó vì rất nhiều bất đồng giữa hai siêu cường chưa được giải quyết. Cuộc chiến leo thang về thuế nhập khẩu đã ngưng lại, nhưng đa số các sắc thuế trừng phạt vẫn được duy trì. Hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ vẫn bị đánh thuế trung bình hơn 19% so với mức thuế 3% trước cuộc chiến tranh thuế.

No comments:

Post a Comment