Sunday, January 5, 2020

Tin Tức: Chủ Nhật 05.01.2020

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Bảo Trân và Nguyên Khải

1/ NHÀ HOẠT ĐỘNG HỒ SỸ QUYẾT BỊ CÂU LƯU, TỊCH THU TÀI SẢN VÌ QUẢNG BÁ SÁCH CỦA NHÀ XUẤT BẢN TỰ DO
Công an huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã tịch thu nhiều tài sản và ép cung nhà hoạt động Hồ Sỹ Quyết trong 9 giờ về liên hệ của anh với Nhà Xuất bản Tự do, một nhà in độc lập thường in nhiều sách của giới bất đồng chính kiến.
Vào thứ Sáu ngày 03/1, hơn 10 công an Văn Giang xông vào nhà của vợ chồng anh Quyết ở Khu đô thị Ecopark để lục soát cho dù không có lệnh khám nhà. Sau đó, công an thu máy vi tính, máy ảnh và phụ kiện, 4 điện thoại di động, một số sách in bởi  Nhà Xuất bản Tự do, và thẻ ngân hàng rồi đưa cả hai vợ chồng anh về trụ sở công an huyện để thẩm vấn.
Công an trả tự do cho vợ anh vào buổi chiều vì có con nhỏ, và chỉ trả tự do cho anh vào lúc nửa đêm. Phía công an yêu cầu anh không được tham gia các hoạt động xã hội và đe doạ nếu không sẽ bắt và truy tố.
Anh Quyết là một trong hàng chục người bị công an sách nhiễu vì đọc hoặc quảng bá sách in bởi Nhà Xuất bản Tự do kể từ tháng 10 năm 2019.
2/  7.624 NGƯỜI VIỆT NAM CHẾT TRONG NĂM 2019 VÌ TAI NẠN GIAO THÔNG
Năm 2019, có ít nhất 7.624 người Việt Nam bị chết trong 17.626 vụ tai nạn giao thông, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Trong năm qua, các tai nạn giao thông còn làm 13,624 người bị thương nặng và 8.528 người bị thương nhẹ.
Bình quân 1 ngày trong năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông làm 21 người chết, 37 người bị thương nặng và 23 người bị thương nhẹ.
Tuy nhiên, con số thương vong thực tế có thể cao hơn vì nhiều địa phương muốn báo cáo ít đi để không bị kỷ luật.
3/  MỘT PHỤ NỮ VIỆT BỊ BẮT Ở THÁI LAN VÌ SỬ DỤNG HỘ CHIẾU NGƯỜI KHÁC
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã bắt giữ một phụ nữ Việt Nam tại phi trường quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok vì dùng hộ chiếu và thẻ thường trú của người khác để đi một chuyến bay sang Amsterdam, Hoà Lan.
Theo truyền thông Thái Lan, vào ngày 31/12/2019, cảnh sát  của phi trường phát hiện một nữ du khách sử dụng hộ chiếu Việt Nam cùng với thẻ cư trú dành cho người nước ngoài của Ba Lan. Ảnh trên thẻ cư trú Ba Lan tương tự ảnh trong hộ chiếu Việt Nam, nhưng giới chức Thái Lan vẫn cho rằng có điều gì đó đáng ngờ.
Sau khi cảnh sát Thái Lan kiểm tra sinh trắc học và thẩm vấn, người phụ nữ này thú nhận tên thật không đúng với tên trong hộ chiếu. Cô đến Thái Lan vào ngày 30/12 bằng hộ chiếu của mình. Sau khi nghỉ tại Bangkok một đêm, cô định rời Thái Lan bằng hộ chiếu của người khác để đi Amsterdam, sau đó sẽ đến Đức nơi cô dự định làm việc.
4/  11 NGƯỜI BẮC HÀN ĐÀO TẨU ĐƯỢC ĐƯA ĐI NAM HÀN SAU KHI BỊ GIAM GIỮ Ở VIỆT NAM
Hảng Reuters đưa tin nhóm người đào tẩu từ Bắc Hàn sang Việt Nam đã được đưa đi Nam Hàn nhờ sự can thiệp của một số tổ chức ở châu Âu.
Vào cuối tháng 11 năm 2019, lực lượng biên phòng của Việt Nam bắt giữ 8 phụ nữ và 3 đàn ông người Bắc Hàn sau khi họ vượt biên giới Trung Cộng sang địa phận của Việt Nam. Đây là nhóm người đang trên đường tìm cách chạy sang Nam Hàn.
Nhóm người này bị tạm giữ ở Lạng Sơn và phía Việt Nam đe doạ sẽ trả họ về Trung Cộng và có nguy cơ bị trả về Bắc Hàn, nơi họ sẽ bị trừng phạt tội đào tẩu, và án phạt thường là tội tử hình.
Theo ông Peter Jung, lãnh đạo một nhóm chuyên giúp đỡ người tỵ nạn có tên Công lý cho Bắc Hàn, nhiều tổ chức ở châu Âu đã đóng vai trò quan trọng trong vụ này. Ông Jung từ chối nêu tên các tổ chức do nhạy cảm về chính trị nhưng cho biết nhiều trong số đó là các tổ chức phi chính phủ.
Đã có khoảng 33.000 người Bắc Hàn đã chạy sang Nam Hàn. Nhiều người trong số họ đã mạo hiểm vượt qua biên giới trong cuộc hành trình có thể kết thúc tính mạng bằng tra tấn và nô dịch, nếu họ bị bắt và bị buộc hồi hương.
5/  BAGDAD TỔ CHỨC LỄ TANG TƯỚNG IRAN SOLEIMANI, TEHRAN DOẠ TRẢ THÙ 
Vào thứ Bảy ngày 04/01, chính quyền Iraq đã tổ chức tang lễ cho tướng Iran Qassem Soleimani, người bị thiệt mạng trong một vụ không kích gần sân bay Bagdad trong ngày 03/01 của Quân đội Hoa Kỳ.
Hàng ngàn người đã tuần hành theo xe tang tại thủ đô Bagdad, hô vang những khẩu hiệu đòi tiêu diệt nước Mỹ. Những người này cũng để tang ông Abu Mahdi al-Muhandis, một chỉ huy dân quân cấp cao của Iraq đã thiệt mạng trong cùng cuộc tấn công của Hoa Kỳ.
Hầu hết các vị lãnh đạo quan trọng tại Iraq đã đến tham dự lễ tang.
Sau nghi thức tại thủ đô Iraq, chiều tối 04/01, quan tài của tướng Soleimani sẽ được đưa về Iran, nơi chính quyền đã quyết định tổ chức ba ngày quốc tang. 
Tại Iran, phản ứng giận dữ sau khi viên tướng đầy uy tín của họ bị Hoa Kỳ tiêu diệt vẫn không ngừng gia tăng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến toàn diện. Các lãnh đạo Iran đã đồng thanh lên tiếng khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ phải trả nợ máu.
Trong khi đó, Nga lên án cuộc không kích của Hoa Kỳ tại Iraq hôm 3/1, nói rằng đây là một “bước khinh suất” gây rủi ro cho “hòa bình và ổn định khu vực” ở Trung Đông.
6/  ÚC BAN HÀNH TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VÌ CHÁY RỪNG
Vì nạn cháy rừng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, Chính phủ Úc đã ban hành tình trạng khẩn cấp ở ba tiểu bang New South Wales, Australian Capital Territory và Victoria thuộc miền đông nam và ra lệnh di tản hơn 100.000 người.
Thứ Bảy ngày 04/01 đã có vài chục nghìn người đã rời khỏi nhà, trong khi 3.000 quân dự bị đã được lệnh tham gia cứu hộ.
Bầu không khí như ngày tận thế ngự trị ở Nowra, một thị trấn nhỏ cách Sydney khoảng 150 km. Đường phố vắng tanh, chỉ có siêu thị là đông người. Những người quyết định ở lại bất chấp hỏa hoạn tranh thủ đi chợ để tích trữ nhu yếu phẩm, chủ yếu là mua nước.
Người dân, đặc biệt là những người sống lâu năm ở thị trấn, đều nói rằng họ đã quen với cháy rừng, nhưng năm nay, tình hình chưa bao giờ đáng lo ngại như vậy do tình trạng hạn hán nghiêm trọng
7/ TRUNG CỘNG SA THẢI ĐẶC PHÁI VIÊN  PHỤ TRÁCH LIÊN LẠC BẮC KINH VÀ HỒNG KÔNG
Tân Hoa Xã cho biết ông Vương Chí Dân, giám đốc văn phòng phụ trách liên lạc của Bắc Kinh với Hồng Kông, đã được thay thế bởi ông Lạc Huệ Ninh, Bí thư Đảng Cộng sản tỉnh Sơn Tây miền bắc Trung Quốc. 
Quyết định sa thải được đưa ra sau sáu tháng biểu tình đòi dân chủ thường có bạo lực ở Hồng Kông vẫn còn tiếp diễn. Đây là nguyên nhân khiến cho sự kiên nhẫn của Bắc Kinh đối với các quan chức hàng đầu tại Hồng Kông đang thay đổi.
Tuy nhiên, bà Carrie Lam, đặc khu trưởng Hồng Kông, vẫn giữ chức vụ với sự hỗ trợ công khai  từ đại lục cho vai trò lãnh đạo của bà, mặc dù là tác giả của dự luật dẫn độ được đề xuất ban đầu và đã gây ra tình trạng bất ổn chính trị ở Hồng Kông từ tháng Ba năm 2019. 

No comments:

Post a Comment