“Tôi đấu tranh và tôi chấp nhận hậu quả để mong rằng lớp con cháu sau này nhận ra sai lầm của Đảng Cộng sản để thay đổi”. Mời quý thính giả theo dõi Chân Dung Người Tù Lương Tâm Nguyễn Văn Túc, do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.
Thưa quý độc giả, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau nói đến ông Nguyễn
Văn Túc, một chiến sĩ dân chủ can trường hiếm thấy. Không phải ngẫu
nhiên mà câu chửi thề “địt mẹ tòa” mà ông thốt ra tại phiên phúc thẩm
ngày 14/9/2018 được công chúng chấp nhận và coi đó là thương hiệu, nói
lên khí phách hơn người của Nguyễn Văn Túc cũng như lột tả hết sự khinh
bỉ của người dân Việt Nam đối với nền “công lý trò hề” của chế độ.
Ông Nguyễn Văn Túc sinh năm 1964 tại Thái Bình. Ông từng đóng quân
tại Campot thời kỳ còn phục vụ trong quân đội bắc Việt. Rời quân ngũ,
ông Túc về quê làm ruộng. Cũng từ đây, ông bắt đầu cuộc đời đấu tranh
của một dân oan vì bị nhà cầm quyền cướp đất. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
và cũng là một cựu TNLT, trong một cuộc trả lời phỏng vấn BBC đã nói về
ông Túc như sau: “Cuộc đời anh dành hầu hết thời gian sống để ‘đòi’.
Đòi về nhà cày cấy khi còn trong quân ngũ đóng ở Campot, đòi ruộng cày
bị cướp khi được trở về nhà, đòi giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo,
đòi dân chủ nhân quyền thay cho đòi ruộng đất của bản thân khi vỡ ra
những điều lớn lao hơn.”
Năm 2007, ông Túc ký tên ủng hộ Tuyên ngôn nhân quyền cho Việt Nam,
thường được biết đến dưới tên gọi Khối 8406. Năm 2007 cũng là năm nhiều
sóng gió cho giới tranh đấu khi một loạt các nhà đối kháng bị bắt giam
như Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân,
các ông Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành…
Trong bối cảnh không khí khủng bố bao trùm lên phong trào tranh đấu
từ Nam chí Bắc, Nguyễn Văn Túc vẫn là một trong số không nhiều những
người dấn thân tham gia hầu hết các hoạt động đối kháng được liệt vào
hàng “hiểm nguy, dễ bị bắt” với tinh thần bền bỉ và quả cảm.
Tháng 9/2008, ông Túc bị bắt cùng đợt với nhiều nhân vật đối kháng
khác như cô Phạm Thanh Nghiên, các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội,
Vũ Văn Hùng, Ngô Quỳnh, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim
Nhàn. Tất cả các nhà hoạt động này đều bị cáo buộc tội danh “tuyên
truyền chống nhà nước”. Ông Túc bị kết án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Trong bốn năm tù ông luôn giữ khí phách của một người có chính nghĩa
và tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ khi ra tù. Ông Túc có mặt trong nhiều hoạt
động đòi nhân quyền cũng như tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Tàu
bất chấp tình trạng vẫn đang bị quản chế. Nhắc đến Nguyễn Văn Túc, người
ta không khỏi trầm trồ về sự gan dạ, tinh thần xả thân cho công lý
nhưng không khỏi lo ngại về tình trạng sức khỏe của ông. Người tù nhân
lương tâm này mang trong người nhiều căn bệnh kéo dài nhiều năm như
huyết áp, tim mạch, trĩ, thoái hóa đốt sống cổ.
Ông cũng là một trong những sáng lập viên Hội Anh Em Dân Chủ sau khi
ra tù lần đầu, cùng các ông Nguyễn Văn Đài, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc
Truyển, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội…
Ông Túc bị bắt lần thứ 2 vào ngày 1/9/2017, đúng 9 năm sau khi bị bắt
lần thứ nhất. Ông bị bắt trong chiến dịch trấn áp của nhà cầm quyền
nhằm vào các thành viên Hội AEDC.
Ngày 5/4/2018, Nguyễn Văn Túc nhận bản án 13 năm tù giam, 5 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS.
Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á, ông Phil
Robertson phát biểu trong một thông cáo chung ngày 10/4/2018, vài ngày
sau khi phiên xử ông Túc kết thúc, rằng: “Chính phủ nên nhận ra rằng
ông Nguyễn Văn Túc không làm gì đáng để bị bỏ tù. Chính phủ cần bãi bỏ
các cáo buộc chống lại ông và bảo đảm ông được thả ngay lập tức.”
Ông Túc sau đó đã kháng cáo nhưng “không phải để giảm nhẹ tội” mà xem
nó như một cơ hội vạch mặt chế độ. Ông đã dặn luật sư của mình là Ngô
Anh Tuấn rằng “không xin xỏ hay nhắc đến gia cảnh“. Ý nói đến việc ông từng tham gia chiến trường Campot, bản thân mang nhiều bệnh tật, gia cảnh nghèo khó và nuôi mẹ già yếu.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra chóng vánh hôm 14/9/2018 đã giữ nguyên
bản án sơ thẩm đối với ông Nguyễn Văn Túc. Chúng ta cùng nhau nghe lại
lời nói cuối cùng của người tù can trường này trước phiên tòa cộng sản “Tôi
đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội, tôi mong muốn xã hội vận động theo
hướng tích cực. Tôi không muốn lặp lại những sai lầm mà Đảng Cộng sản đã
mắc phải để gây nên hận thù dân tộc kéo dài và nhiều mâu thuẫn không
giải quyết được.”
“Tôi đấu tranh và tôi chấp nhận hậu quả để mong rằng lớp con cháu
sau này nhận ra sai lầm của Đảng Cộng sản để thay đổi. Tôi không vô
cảm.”
Cũng giống như các TNLT khác, phiên tòa xét xử ông Nguyễn Văn Túc đều
được “xử kín”, chịu “án bỏ túi” và đều bị ngược đãi trong thời gian thi
hành án.
Thúc Lân
No comments:
Post a Comment