Kính thưa quý thính giả, ở đâu có bất công thì nơi đó có đấu
tranh. Những cuộc biểu tình của năm 2019 cho chúng ta thấy thế giới đang
biến chuyển mạnh và nhân loại đang tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân
quyền. Năm 2020 sẽ là năm đánh dấu cho cao trào dân chủ và sự thoái
trào của độc tài đảng trị, trong đó có đảng CSVN.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Lê Mạnh Hùng với tựa đề: 2019: Năm của những cuộc xuống đường sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Có một số năm trong lịch sử như năm 1848, 1917, 1968, 1989, mà khi
nhắc đến gợi cho người ta hình ảnh của những cuộc xuống đuờng, biểu tình
phản đối và nổi dậy cách mạng.Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Lê Mạnh Hùng với tựa đề: 2019: Năm của những cuộc xuống đường sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Khi các sử gia nhìn lại năm 2019 này, có thể rằng họ cũng công nhận năm nay cũng là một năm của những cuộc xuống đường.
Trên phương diện bao quát về địa lý, khó có thể tìm ra một năm nào có
thể so sánh với năm nay. Xuống đường phản đối lớn đủ để làm xáo trộn
đời sống hàng ngày và tạo ra hốt hoảng trong các chính quyền đã xảy ra
tại Hồng Kông, Ấn độ, Chile, Ecuador, Colombia, Pháp, Cộng Hòa Czech,
Nga, Malta, Algeria, Iraq, Iran, Lebanon và Sudan. Và danh sách này còn
chưa đầy đủ.
Thế nhưng tất cả những xáo trộn này cho đến nay vẫn không có được một giải thích nào bao quát đủ.
Một trong những lý do của sự thiếu sót này là các cuộc nổi dậy của
năm 2019 xảy ra tại quá nhiều nơi khác nhau, từ các thành phố giàu có
toàn cầu hóa như Hồng Kông và Barcelona đến các quốc gia nghèo đói và cô
lập như Sudan hay Venezuela. Điều đó làm cho người ta khó tìm ra môt
mẫu số chung và để tạo ra phản ứng hoài nghi về một lý do toàn cầu.
Ngoài ra cũng không có một giây phút biểu tượng đập vào ký ức như sự sụp
đổ của bức tường Berlin ở Đức hay là việc tiến chiếm Cung Điện Mùa Đông
ở Nga để làm đánh dấu cho nó.
Nhưng tuy rằng các cuộc nổi dậy của năm 2019 chưa tạo ra một sự sụp
đổ vang dội cả thế giới, nó chắc chắn đã làm cho một số lãnh tụ mất
việc.
Các cuộc xuống đường biểu tình đã khiến ông Evo Morales, tổng thống
Bolivia phải từ chức hồi Tháng Mười Một, sau 13 năm nắm chính quyền. Các
lãnh tụ chính trị khác bị lật đổ bởi các cuộc biểu tình phản đối bao
gồm Abdelaziz Bouteflika của Algeria và Omar al-Bashir của Sudan, cả hai
đều bị lật đổ vào Tháng Tư sau nhiều chục năm nắm quyền. Thủ Tướng Saad
al-Hariri của Lebanon bị buộc phải từ chức vào Tháng Mười sau hai tuần
biểu tình phản đối. Tháng sau thì đến lượt Adel Abdul Mahdi, thủ tuớng
Iraq, sau nhiều tháng xáo trộn. Tại cả Iraq và Iran các cuộc xuống đường
đều đã bị đàn áp tàn bạo với hàng trăm người bị giết ở cả hai nước.
Sự kiện là một số các quốc gia tại Bắc Phi và Trung Đông đồng thời bị
xáo trộn bởi các cuộc xuống đường cho thấy rằng có một quan hệ nào đó
giữa chúng với nhau. Điều này cũng đúng với Châu Mỹ La Tinh. Tại cả hai
vùng này các cuộc nổi dậy bao gồm nhiều nước đủ để có thể coi như là một
hiện tượng vùng trong đó những sự xảy ra tại một nước rõ ràng đã kích
động một sự bắt chước tại các nước láng giềng.
Một ngôn ngữ chung tại Châu Mỹ La Tinh cũng cho phép các tin tức và
hình ảnh của những cuộc xuống đường lan truyền dễ dàng băng qua biên
giới. Ngoài ra trong thế giới hiện nay nối liền bởi mạng internet và các
phương tiện truyền thông đại chúng, các tư tưởng và ngay cả khẩu hiệu
có thể lan truyền một cách tự nhân đi đến tận đầu kia của thế giới qua
các điện thọai thông minh (smartphone). Những người xuống đường tại
Barcelona chẳng hạn được thấy là mang cờ Hồng Kông và sử dụng cùng môt
chiến thuật, chẳng hạn như là đánh chiếm phi cảng.
Tia lửa tạo ra vụ nổ bùng các vụ xuống đường thì khác nhau tùy theo
từng nước một. Nó có thể là một kích động kinh tế, tỷ như việc tăng giá
xe điện ngầm tại Chile hay là một khoản thuế đánh trên việc sử dụng
WhatsApp tại Lebanon. Nó có thể là chính trị như tại Hồng Kông với đạo
luật về dẫn độ hay là luật về công dân và tỵ nạn chính trị tại Ấn Độ.
Tuy nhiên cũng có một số chủ đề chung cho hầu hết các cuộc phản đối này:
phản đối chống lại những khó khăn của cuộc sống hàng ngày, bất mãn
trước tình trạng tham nhũng và sự cai trị của môt nhóm nhỏ bè phái, tố
cáo là tầng lớp thượng lưu kinh tế chính trị đã xa rời và không biết gì
đến quần chúng.
Các môi trường truyền thông xã hội là những công cụ rất mạnh cho việc
tổ chức các cuộc xuống đường, giúp phối hợp hành động của những người
phản đối. Thế nhưng tuy rằng các cuộc biểu tình khổng lồ có thể xảy ra
dễ dàng qua các môi trường truyền thông xã hội, nó lại có một khuyết
điểm lớn là dẫn đến việc thiếu tổ chức và thiếu một chiến lược nhất
quán.
Có lẽ chính vì vậy mà không có bao nhiêu cuộc xuống đường này thành
công trong việc lật đổ một chế độ. Và một số tuy là thành công, như ở
Algeria, nhưng vẫn còn tiếp tục xáo trộn ngay cả sau một cuộc thay đổi
chính quyền trên hình thức.
Vào những ngày cuối năm này những cuộc phản đối chính của năm 2019
chưa cho thấy dấu hiệu nào chấm dứt. Ngược lại chúng còn có vẻ đang tập
trung lực lượng để thách thức các chính quyền.
Tại Ấn Độ, phản ứng của chính quyền Modi đã vừa vụng về vừa tàn bạo
với những nhà trí thức nổi tiếng bị bắt trước ống kính truyền hình và
cảnh sát dùng các phương tiện tàn bạo chống lại các sinh viên học sinh.
Tất cả những điều đó có thể dễ dàng kích động một đợt leo thang phản đối
mới tại Ấn Độ trong năm tới.
Các cuộc xuống đường tại Hồng Kông trông cũng có vẻ sẽ tiếp tục trong
năm tới trong lúc các cuộc đối đầu tại Tây Ban Nha và Chile cũng sẽ gia
tăng. Trên tất cả, như trong năm qua cho thấy, các cuộc bùng nổ bất mãn
xã hội nay có thể nổ ra tại những nơi bất ngờ và vì những lý do không
ai biết trước.
Thành ra tuy rằng 2019 có thể có một chỗ đứng trong lịch sử như là
môt năm của xuống đường, nhưng có khả năng, năm mà tạo ra những thay đổi
làm rung chuyển thế giới sẽ là năm 2020./.
Lê Mạnh Hùng
No comments:
Post a Comment