“… Những người trốn chạy CS mang âm thanh từ miền Bắc vô
Nam làm cho người dân miền Nam thương mến bao nhiêu thì bây giờ
những người CS cũng mang âm thanh từ Bắc vào lại làm cho người
dân miền Nam kinh hãi, khiếp sợ và oán hận, nguyền rủa khôn
nguôi …” Liên tục chương trình, qua chuyên mục Chuyện Nước Non Mình, mời
quý thính giả theo dõi bài viết của Tuấn Khanh với tựa đề: “Nói Giọng
Bắc, Nhưng Không Gạt Bà Con”, sẽ được Quê Hương trình bày sau đây.
Tuấn Khanh.
Liên tục trong nhiều ngày, những nạn nhân của vụ cưỡng chiếm đất đai
tại phường 6, Tân Bình, Sài Gòn xuất hiện trên các video – tự tố cáo và
được phỏng vấn – đã mô tả khá rõ những gì đang diễn ra. Dĩ nhiên, giờ
đây không còn một tên gọi nào khác, ngoài việc khẳng định sự bất lương
của kẻ cầm quyền là điều cần phải ghi nhớ.
Hầu hết những người xuất hiện trên video đều nói giọng Bắc. Chỉ có một số ít người nói giọng Nam. Nhưng nguồn gốc của họ, là những người đã tìm cách di cư khỏi một chế độ đang âm mưu một cuộc đại cướp bóc và giết hại dân lành. Đấu tố, xét lại… ở miền Bắc sau 1954 là những minh chứng bằng lịch sử của máu và nước mắt Việt Nam, trên phông nền rầm rập tiếng hô vang chủ nghĩa quốc tế cộng sản, đậm màu Trung Quốc.
Những người nói giọng Bắc ở vườn rau Lộc Hưng hôm nay cũng run rẩy và đau đớn, không khác gì cha ông của họ vào những ngày ôm con gà, tượng chúa cùng niềm hy vọng vào Nam, rồi nghe người thân của mình bị chôn sống, bị chặt đầu ở quê mình mà bàng hoàng vì thấy mình may mắn còn sống sót. Những người nói giọng Bắc thật thà, chỉ mong được sinh sống làm ăn. Khốn khó mấy cũng cam, bắt đầu lại mọi thứ cũng thuận. Trên tay của họ là cái cuốc, hạt giống và mồ hôi thấm đất. Họ không chọn cầm AK, hay bao bố để bắt cóc ai đi trong đêm khuya vì lý tưởng đại đồng.
Chính quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm đã làm mọi thứ để có thể an cư gần một triệu ngưởi ở miền Nam, những người không chọn chế độ cộng sản làm bạn đường, tự nguyện xuống tàu để có thể bắt đầu lại cuộc đời. Mọi thứ ổn định cho đến năm 1975, khi nước VNDCCH ở phía Bắc mở cuộc chiến vào nước VNCH và hoàn tất. Và dù muốn hay không, tất cả những gì thuộc về hành chính, tài sản và sở hữu của người miền Nam đều phải được quyền công nhận khi chính quyền mới gọi là thống nhất và hoà bình. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Có ít nhất đã có 3 lần, chính quyền mới mở các đợt cướp bóc tài sản và xoá quyền sỏ hữu của hàng triệu người dân một cách vô lương, gọi là đánh tư sản. Cướp và âm mưu cướp từ chính quyền mới là những điều có thật.
Trãi qua những ngày tháng ấy, tưởng chừng mọi thứ sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Non nửa thế kỷ của một nước Việt Nam tuyên bố giàu mạnh, công bằng và văn minh, vườn rau Lộc Hưng may mắn còn sót lại, vì mảnh đất có vẻ nghèo nàn ấy chưa có dịp lọt vào mắt xanh những kẻ cầm quyền cơ hội. Và vào lúc đất nước “cường thịnh”, ai đó đã chợt nhận ra vài ngàn mét vuông giữa lòng Sài Gòn là một món lợi khổng lồ. Một món lợi phải được khai thác như thường lệ, nhân danh dự án, quy hoạch vườn hoa, trường học, quảng trường, tượng đài… Những kẻ cơ hội và cướp ngày nhân danh mọi thứ, nhưng không hề thât sự có gương mặt hay số phận con người.
Hàng trăm nhân viên đủ loại của nhà nước giàu mạnh, công bằng và văn minh ấy đã bịt mặt, mở cuộc cướp đất, phá nhà của hơn 100 gia đình, khi Tết Nguyên Đán 2019 chỉ còn vài tuần lễ nữa. Khắp nơi, trong nhịp phát triển hào hùng của Việt Nam, văng vẳng tiếng khóc, tiếng kêu giọng Bắc quen thuộc về nỗi đau và căm giận. Tiếng kêu có của cả những người không là nạn nhân, mà chỉ là người chứng kiến.
Mới đây thôi, một quan chức của chính quyền đã nói rằng “tôi nói giọng Bắc, nhưng không gạt bà con” để cố thuyết phục về tính liêm chính trong vụ cướp đất của hàng ngàn người dân tại Thủ Thiêm, quận 2. Nhưng lẫn trong tiếng quát tháo bắt người, đập nhà vào đầu tháng 1/2019 ở vườn rau Lộc Hưng cũng không thiếu những giọng Bắc hung hăng, công khai hiện hình là bọn cướp đất phá nhà dân lành. Những giọng Bắc từ nhà cầm quyền, gợi nhớ biết bao điều.
Ôi đất nước những ngày huy hoàng, “có bao giờ được như thế này đâu”, nhưng bên tai, sao chỉ còn nghe thấy những giọng Bắc hốt hoảng và đau thương với cuộc đời của mình. Những giọng Bắc của con trẻ, người già, phụ nữ, và của những người thương phế binh yếu ớt không còn nơi nương tựa. Những nỗi đau thương sao như di sản cha truyền con nối. Chỉ khác là họ hôm nay, không may mắn bằng cha mẹ mình ở thế kỷ trước, vì không biết phải bước chân xuống chuyến tàu nào để thấy được hy vọng.
Những giọng Bắc nạn nhân ấy, không thể gạt chúng ta. Những giọng Bắc nghẹn ngào như cào cấu vào tim người. Nó mãi mãi nhắc chúng ta – những người Việt – về một sự thật được ghi lại trong lịch sử của đất nước này về những loại giọng Bắc được biết: của người dân chân chất và của bọn trá nguỵ
No comments:
Post a Comment