Monday, January 7, 2019

MỘT SỐ NGỤY BIỆN VỀ QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, dù ngoa ngôn xảo ngữ đến đâu, đảng CSVN cũng không thể che giấu cái đuôi chồn bán nước cầu vinh cho Trung Cộng. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Gs. Nguyễn Đình Cống với tựa đề: “MỘT SỐ NGỤY BIỆN VỀ QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC” sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Giáo sư  Nguyễn Đình Cống
Vừa qua Câu Lạc Bộ đọc sách báo của chúng tôi mời được một diễn giả nói chuyện về tình hình thời sự. Ông MĐ là Tổng biên tập một tờ báo lớn, đại biểu HĐND thành phố, ứng cử và được bầu tại Phường chúng tôi. Việc ông dành thời gian gần 2 giờ để nói chuyện, đối với CLB là một vinh dự ít có. Ông nói về một số vấn đề thời sự trong nước và thế giới, trong đó điều làm tôi quan tâm nhất là quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc.

Về quan hệ với Trung Quốc, xin vạch ra một số ngụy biện mà Tuyên huấn của Đảng vẫn dùng để lừa nhân dân, mà tiếc thay, một số người vẫn vui vẻ nghe theo (như tôi trước đây).
1- Nước ta bị thế kẹt là ở sát Trung Quốc, bị nó khống chế nhiều bề.
Giáp với Trung Quốc không phải chỉ có Việt Nam mà còn 13 nước khác như Mông Cổ, Bhutan, Nêpan, Takjikistan, Kazakstan, Nga, Myanmar, Ấn độ v.v… Trừ Nga và Ấn độ, các nước khác đều bé, thế mà họ có chịu khuất phục Trung Quốc như Việt Nam đâu. Đặc biệt như Bhutan, có biên giới khá dài với Trung Quốc mà không có quan hệ ngoại giao. Sự chịu khuất phục do nguyên nhân địa lý chỉ là một phần rất rất nhỏ. Nguyên nhân chính là do đường lối lãnh đạo. Nếu đổ cho nguyên nhân địa lý thì giải thích thế nào về các nước như Bhutan, Nêpan, Takjilistan…đều bé, Trung Quốc tuy có phá phách ít nhiều nhưng cơ bản không làm họ khuất phục. Ta giáp với Trung Quốc từ khi lập quốc đến giờ mà các đời vua phong kiến trước đây có chịu lép vế một bề như dưới thời Cộng sản hay không.
2- Nước ta và Trung Quốc cùng ý thức hệ cộng sản, cùng chung lý tưởng Xã hội chủ nghĩa.
Đây là lập luận ngụy biện xảo trá. Việc cùng ý thức hệ có phải là tiền định, là Trời bắt phải thế đâu. Đó là do con người lựa chọn. Từng đảng viên cộng sản khi vào Đảng thì có thề trung thành với Đảng nhưng dân tộc này có bao giờ thề lệ thuộc vào Trung Quốc đâu. Ừ, mà cùng ý thức hệ tốt đẹp thì cũng tạm được, nhưng ý thức hệ đó đã lạc hậu, đã thối rữa mất rồi thì đeo bám làm gì. Trước đây chúng ta theo Liên Xô vì ý thức hệ, thế mà Liên xô sụp đổ rồi, trong lúc Trung Quốc cố dựa vào ý thức hệ để thôn tính Việt Nam thì vịn vào nó mà làm gì ngoài sự lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin.
3- Truyền thống tổ tiên vẫn thần phục Tàu.
Đây là lối ngụy biện dùng một phần sự thật để che dấu bản chất. Tổ tiên chúng ta bên ngoài tỏ ra thần phục Tàu chứ chưa bao giờ chịu khuất phục (trừ bọn Ích Tắc, Chiêu Thống…).
Việc nhất nhất thần phục Tàu Cộng đã được cài sẵn vào gène, vào máu của Cộng sản Việt Nam từ khi mới thành lập năm 1930 trên đất Tàu. Chẳng thế mà Trần Huy Liệu (người thay mặt Hồ Chí Minh vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại), vào khoảng năm 1949 có nói một câu nhận xét không tốt về Tàu (coi chừng kẻ thù truyền kiếp của dân tộc) thì bị thất sủng ngay. Năm 1954, Phạm Văn Đồng sau khi ký Hiệp định Genève đã khóc vì bị Chu Ân Lai ép buộc chia cắt đất nước đến vĩ tuyến 17. Năm 1958, được tin Trung Quốc muốn độc chiếm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Phạm Văn Đồng ký Công hàm công nhận ngay. năm 1974 Hà Nội giữ hoàn toàn im lặng để cho Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa do Việt Nam Cộng Hòa quản lý. Năm 1988 Lê Đức Anh (Bộ trưởng Quốc phòng) ra lệnh cho các chiến sĩ đảo Gạc Ma không được chống cự lính Trung cộng, để toàn bộ 64 chiến sĩ bị sát hại, xác bị quăng xuống biển. Năm 1991 Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười sang Thành Đô (Trung Quốc không cho đến Bắc Kinh) cầu xin sự che chở và ký mật ước, cố xin gặp Đặng Tiểu Bình nhưng hắn không cho gặp. Năm 2000 Lê Khả Phiêu ký cho Tàu một số đất ở Thác Bản Giốc và Hữu nghị quan. Những chuyện như vậy liệu có bao giờ xấy ra trong lịch sử của tổ tiên. Thế mà Đảng Cộng sản cứ đưa tổ tiên ra làm bình phong để che đậy.
4- Luận điệu gìn giữ hòa bình, tôn trọng luật pháp Quốc tế.
Cứ mỗi lần Trung Quốc có hành động ngang ngược ở biển Đông thì phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lại tuyên bố : ”Phản đối, đòi tôn trọng chủ quyền, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, thương lượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không liên kết với nước khác để chống nước thứ ba…”. Nghe quá hóa nhàm. Có những việc lớn, quan trọng mà sao chỉ có đại diện Bộ Ngoại giao, hoặc quá lắm là một cá nhân cấp cao nào đó phát biểu một cách dè dặt, Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước lặng im. Và dân quá phẫn uất biểu tình phản đối thì bị đàn áp.
5- Luận điểm : Về kinh tế ta phụ thuộc vào Tàu quá nhiều
Nếu ta có những đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền mà bị Tàu nổi giận cắt đứt mọi giao dịch thương mại thì ta lâm vào khủng hoảng lớn.
Tôi gọi đây là luận điểm chứ không phải luận điệu vì xét ra có phần đúng. Nhưng có phải vì giao lưu hàng hóa mà để cho Tàu vào chiếm cứ các vị trí xung yếu của đất nước, để người Tàu tràn ngập các vùng quan trọng, để họ phá nát môi trường. Những nước như Mỹ, Đức, Nhật, Úc… họ có làm như thế đối với các nước khác đâu. Việc để kinh tế, thương mại, xây dựng của Việt Nam quá lệ thuộc vào Tàu , để cho Tàu thực hiện các dự án lớn làm hủy hoại môi trường là tội của những người lãnh đạo tham và ngu. Bây giờ đã lỡ ra rồi thì không phải cứ cố trượt dài trên con đường sai lầm mà phải tìm cách khắc phục.
6- Nhận định:
Tôi cho rằng những ngụy biện trên đây chỉ nhằm để duy trì chế độ độc tài đảng trị theo đường lối Cộng sản, đem nước ta phụ thuộc vào Tàu cộng. Muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này trước hết phải thoát ra khỏi ý thức hệ Cộng sản, phải cải cách thể chế theo con đường dân chủ chân chính. Một ngày mà Đảng Cộng sản Việt Nam còn kiên trì đường lối hiện hành thì dân Việt còn chịu cảnh lầm than và đất nước dần dần bị thôn tính.

No comments:

Post a Comment