Kính thưa quý thính giả, sau khi cưỡng chiếm miền Nam, đảng
CSVN đã đổi các tên đường như Hồ Văn Ngà, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm,
Trần Văn Thạch ..v..v.. nhằm mục đích che giấu tội ác của họ. Hành động
này cho thấy bản chất quá khích, cực đoan và thù hận lâu dài của người
cộng sản. Chính họ đã thủ tiêu các nhà ái quốc để độc quyền lãnh đạo và
sau đó muốn xóa bỏ tên tuổi của những nhà cách mạng nổi tiếng này. Qua
chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính
giả bài “Nhà Ái Quốc Hồ Văn Ngà” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam
Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Hồ Văn Ngà sinh năm 1902 tại Tân An, tỉnh Long An, xuất thân trong
một gia đình Nho học, thân phụ hành nghề Đông y. Thuở nhỏ ông học tại
trường làng ở Tân An. Năm 1918, ông lên Sài Gòn học ở trường Chasseloup
Laubat, và năm thứ 3 thì bị đuổi học vì tham gia bãi khóa, nhưng nhờ học
lực xuất sắc nên được nhà trường thu nhận trở lại.
Năm 1923, ông đậu tú tài, sang Pháp học tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ và Mỹ thuật Paris và luôn đỗ đầu trong các năm học. Nhưng vì tham gia các tổ chức chống chế độ thuộc địa, nên ông lại bị đuổi học và trục xuất về nước.
Về Sài Gòn, ông viết báo, dạy học tại các trường tư, tham gia các tổ chức xã hội, chính trị chống Pháp. Năm 1936, ông tham gia Đông Dương đại hội cùng với Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Phan Văn Hùm, Diệp Văn Kỳ… cộng tác với các tờ báo Pháp và Việt. Ông kêu gọi các lực lượng chống Pháp khác thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất.
Thời gian này, các nhà ái quốc đã dùng nhiều phương cách khác nhau để tiếp xúc và vận động đồng bào. Điển hình như Nguyễn An Ninh đi xe đạp bán dầu Cù Là. Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch dùng báo chí thu hút giới trí thức. Hồ Văn Ngà thì ngôn ngữ giản dị để diễn thuyết ở các diễn đàn công chúng… nhằm khơi dậy lòng yêu nước của đồng bào.
Ngày 16/8/1945 , Nhật trao trả chủ quyền Nam Bộ cho Mặt Trận Ðoàn Kết Quốc Gia, gồm các chính đảng và giáo phái sau đây:
– Việt nam Ðộc Lập Đảng của Hồ Văn Ngà.
– Việt nam Phục Quốc Hội của Trần Văn Ân.
– Giáo phái Cao Ðài.
– Giáo phái Hòa Hảo.
– Nhóm Ðệ Tứ của Tạ Thu Thâu.
– Nhóm Thanh Niên Tiền Phong của Trần Văn Giàu.
Sau đó Mặt Trận Ðoàn Kết Quốc Gia đã lập ra Ủy Ban Hành Pháp Lâm Thời Nam Bộ. Mặt trận Việt Minh chiếm được 7 ghế trong số 9 ghế của Ủy Ban và sau đó ra tay lũng đoạn, nhưng bị giáo phái Cao Ðài, Hòa Hảo và VN Phục Quốc Hội chống đối. Ngay sau đó, Hồ Chí Minh ra lệnh ám sát và thủ tiêu các đoàn viên của Phục Quốc Hội và tín đồ Cao Ðài, Hòa Hảo ở khắp các tỉnh Miền Ðông và Miền Tây Nam Bộ.
Ngày 25/5/1946, Hồ Chí Minh ra lệnh cho tướng Nguyễn Bình giải tán Mặt Trận Ðoàn Kết Quốc Gia Nam Bộ.
Đêm 9/3/1954, khi Nhật đảo chính Pháp, chấm dứt sự đô hộ của Pháp ở Đông Dương, Hồ Văn Ngà tuyên bố thành lập Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng. Năm ngày sau, Hồ Văn Ngà cùng với Huỳnh Giáo Chủ, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân, Trần Văn Thạch và 7 tổ chức yêu nước khác thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, đưa ra tuyên ngôn:
“Hỡi đồng bào! Giờ phút cực kỳ nghiêm trọng sắp đến. Nước Việt Nam phải qua giai đoạn lịch sử mới. Nước nhà còn mất cũng trong lúc này. Số mạng của dân tộc Việt Nam đã đến giờ định đoạt. Sự định đoạt phần lớn nhờ vào ý chí và quyết tâm tranh đấu của người Việt Nam.
Muốn được sống cho xứng đáng, chúng ta phải có ý chí dân tộc tự quyết về tinh thần lẫn vật chất. Chúng ta sẽ thể hiện ý chí ấy bằng sự tranh đấu quả quyết, tranh đấu đủ mọi phương diện và tranh đấu đến giọt máu cuối cùng để giữ vững nền độc lập tự chủ cho đất nước…”
Ngày 23/9/1945, quân Pháp tái chiếm Sài Gòn. Ngày 8/10/1945, Việt Minh trở mặt bất ngờ và ra tay thanh toán những người khác chánh kiến như Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Nguyễn Văn Số, Phan Văn Hóa, Trần Văn Sĩ, Nguyễn Văn Soái, Nguyễn Văn Tiền v.v…
Vào tháng 10 năm 1945, quân Pháp càn quét ở ngoại thành để khai thông đường tiếp tế lúa gạo từ miền Tây. Hồ Văn Ngà, Trần Văn Ân, Kha Vạng Cân, Lâm Ngọc Đường đang lo chận bước tiến của quân Pháp thì bị Việt Minh bắt giữ. Hồ Văn Ngà bị biệt giam tại Cà Mau, sau đó bị thủ tiêu tại hòn Đá Bạc theo lệnh của Trần Văn Giàu.
No comments:
Post a Comment