Thưa quí thinh giả,
Theo những thông tin về lao động ở Việt Nam, thì hiện nay có khoảng 1,1 triệu người ở tuổi lao động không có việc làm. Vì các thống kê của VN chỉ để phục vụ cho mục đích tuyên truyền, nên không đáng tin cậy. Tuy nhiên dựa vào thông tin của Bộ LĐTB-XH, trong ba tháng đầu năm 2017, số người lao động thất nghiệp, có trình độ từ đại học trở lên (có bằng cử nhân hay thạc sĩ) là 138,800. Người có trình độ cao đẳng là 104,200 và người có trình độ trung cấp là 83,200. Con số 326,200 người này được coi là tinh hoa của VN, chiếm khoảng 25% số người thất nghiệp.
Để giải quyết tình trạng thất nghiệp cho thành phần có bằng cấp đại học này, Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội vừa đưa ra một kế hoạch xuất khẩu 57,000 cử nhân, đi lao động ở nước ngoài từ nay tới năm 2025. Để thực hiện được dự án này, cần một ngân khoản 1,300 tỉ đồng, tương đương 60 triệu đôla Mỹ.
Những người này dự trù sẽ sang làm việc tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Công việc của họ bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau như điều dưỡng, hộ lý, chăm sóc người gìa, người bệnh, kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học, kỹ sư cơ khí, hàn, đầu bếp, phục vụ khách sạn, nhà hàng. Tóm lại lực lượng lao động này sẽ trám vào bất cứ việc gì các nước này đang thiếu người làm.
Đề xuất của nhà nước đang tạo ra hai khuynh hướng trái chiều. Những người đồng tình với nhà cầm quyền thì cho rằng, đây là một giải pháp rất tốt, đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc; vừa giải quyết được nạn thất nghiệp, giảm áp lực về mặt xã hội, vừa tạo điều kiện cho những ngưởi trẻ, tiếp cận với những nền văn minh tiến bộ trên thế giới để học hỏi, phát huy năng lực, nâng cao kiến thức, sẽ đem những kiến thức ấy về đóng góp cho đất nước trong tương lai. Còn chính phủ thì nhận được một lượng ngoại tệ đáng kể, bù vào tình trạng thiếu hụt hiện nay.
Còn những người bất đồng thì cho rằng xuất khẩu thành phần có bằng cấp là chảy máu chất xám. Phí phạm tiền bạc và công sức, vì nhà nước cũng như gia đình đã đầu tư vào thành phần được xem là ưu tú này trong bao nhiêu năm qua, những người trẻ đã miệt mài học hành, cố gắng để đạt được mảnh bằng đại học, nay lại không có cơ hội đóng góp tài năng cho rất nước, phải đi lao động nước ngoài để kiếm sống, phải làm những việc thiên hạ không muốn làm. Họ chán ngán trước việc lạm phát đại học và bằng cấp của nước nhà. Tạo ra tâm lý mất niềm tin vào người lãnh đạo, tạo ra thất vọng cho chính họ và cho phụ huynh nữa.
Chúng tôi không bàn đến nhu cầu sinh kế của từng cá nhân, vì ai cũng phải làm việc để nuôi sống chính mình và gia đình. Cũng chẳng cần nói đến làm gì những thành phần rác rến như những kẻ trộm cắp, gian lận và ỷ nại, dựa vào quyền thế để hưởng thụ, mà không cần lao động. Còn về phía nhà cầm quyền thì họ phải giải quyết nạn thất nghiệp, bằng cách nào lợi nhất cho đảng CSVN, như xuất khẩu thành phần được xem là tinh hoa của đất nước. Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp tạm bợ vá víu mà thôi.
Điều chúng tôi muốn nói đến, là phải tìm ra cái gốc rễ của vấn đề thì mới có thể đưa đến những giải pháp thích hợp và bền vững được. Trước hết tình trạng thất nghiệp thì nước nào cũng có, lúc cao lúc thấp, nhưng thành phần có học, có khả năng chuyên môn cao, luôn được trọng dụng. Vậy tại sao ở nước ta hàng loạt những người có cử nhấn, thạc sĩ lại không có việc làm. Câu trả lời hầu như ai cũng biết, đó là giữa hệ thống giáo dục đào tạo, và kế hoạch phát triển kinh tế đất nước không ăn khớp với nhau.
Về hệ thống và phương pháp giáo dục của VN hiện nay, nhất là cấp cao đẳng và đại học, đã không hướng nền giao dục và đào tạo đúng vào thực trạng kinh tế nước nhà, mà chỉ cóp nhặt những mớ lý thuyết đã lỗi thời, đã bị phế thải để nhồi nhét vào đầu giới trẻ. Còn học sinh sinh viên thì phải cố nuốt hết những thứ vô bổ kia, miễn sao có được mảnh bằng. Thay vì trang bị cho giới trẻ những kiến thức thực dụng, để họ có khả năng thật sự, có sự tự tin khi đi tìm việc ở một hãng tư, hay ở một cơ quan công quyền. Hoặc họ tự gầy dựng cho mình một nghề mới, nhờ vào sáng kiến của chính mình, cộng với những kiến thức thu thập được từ học đường.
Về phương diện phát triển kinh tế, VN đã không có chính sách khai dụng lực lượng lao động trẻ đầy tiềm năng sẵn có. Trong khi ấy nhiều công ty nước ngoài đến làm ăn tại VN, họ vẫn không có đủ tay nghề chuyên môn để thuê mướn. Hiện nay con số lao động người nước ngoài làm việc tại VN không nhỏ, khi ấy những người có bằng cấp tại VN, lại không thể làm được những việc cần tay nghề chuyên môn, nên phải ra nước ngoài làm những việc chẳng ăn nhập gì đến những thứ đã học, đó là một điều hết sức phi lý, và là một sự phí phạm tài năng thật đáng quan ngại.
Đối với thành phần có cử nhận, thạc sĩ chấp nhận ra nước ngoài lao động, cũng không dễ có được sự thành công như mong ước. Trước nhất họ sẽ gặp trở ngại rất lớn về ngôn ngữ, rồi cũng phải được huấn nghệ qua các khóa đào tạo ngắn hạn. Khi phải làm những việc không đúng với ước mơ của mình ôm ấp từ bao nhiêu năm, việc làm lại không phù hợp vớ sở trường sở thích, họ sẽ khó thích nghi với môi trường mới. Tâm lý nảy sinh bất mãn chán nản, dẫn đến thất vọng sẽ gia tăng. Một số người gặp may mắn có việc làm tốt, lương bổng vững chắc, cuộc sống ổn định, thì việc trở về VN đóng góp cho đất nước, lại là một chọn lựa rất khó khăn!?
Tóm lại việc xuất khầu cử nhân thạc sĩ VN ra lao động nước ngoài, là một sự thất bại của chế độ độc tài CSVN. Chừng nào họ còn giữ độc quyền lãnh đạo đất nước, thì sự thất bại ấy sẽ vẫn tồn tại và sẽ lún sâu hơn nữa mà thôi.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc
No comments:
Post a Comment