Thưa quí thinh giả,
Có thể nói danh từ môi trường, và ô nhiễm môi trường còn khá xa lạ
với người dân nước ta mấy năm trước đây, nhất là đối với bà con sống ở
những vùng sâu, vùng xa; nếu không có cái tai họa lớn đã xảy ra như vụ
Formosa từ tháng Tư năm 2016 đến nay, thì vấn đề môi sinh vẫn không trở
thành đề tài được quan tâm đúng mức.
Trong khuôn khổ bài quan điểm này, chúng tôi chỉ tóm tắt mấy điểm
chính liên quan đến 3 lãnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của
mỗi người chúng ta, đó là không khí, nước uống và thức ăn. Không ai sống
được nếu thiếu ba thứ này; nhưng hiện nay cả ba thứ quan trọng ấy đều
gây nguy hại cho sức khỏe chúng ta.
Không khí chúng ta hít thở đang trộn lẫn với đủ các thứ tro bụi, khói
độc, các tinh thể hóa chất thoát ra từ các hãng xưởng chế biến, sản
xuất, nhà máy nhiệt điện, hàng triệu xe hơi, xe gắn máy, máy móc công
nghiệp. Mùi hôi thối bốc lên từ những bãi rác, đem theo vô số mầm bệnh
trong không khí. Những lớp mây mù chứa sulfur làm mưa acid sufuric, tiêu
diệt thực vật, sinh vật ở nhiều nơi.….
Nguồn nước chúng ta uống hàng ngày lấy từ các sông ngòi suối nguồn
trên cả nước, trước đây khá trong sạch, nhưng hiện nay đã bị ô nhiễm
nghiêm trọng do hóa chất từ các hãng xưởng đổ xuống. Con sông Đồng Nai
cung cấp nước cho hàng chục triệu cư dân vùng Sài Gòn, Gia Định, Biên
Hòa, thế mà người ta đã vất xuống dòng sông này đủ các thứ phế thải, kể
cả hàng ngàn con heo gà chết bệnh. Nước thải chưa khử trùng, chưa lọc ở
các nhà thương, các trung tâm y tế, các phòng thí nghiệm, mang theo vi
khuổn và các mầm bệnh nguy hiểm, nước thải của những hãng xưởng sử dụng
nhiều hóa chất độc hại đều cho chảy ra sông, khiến tôm cá phải chết,
nước sông hôi tanh nồng nặc. Nguồn nước ngầm hiện nay cũng không còn an
toàn nữa.
Về thực phẩm, không kể đến vô số các loại thực phẩm độc hại đã chế
biến, kể cả rau trái hoa quả được nhập từ Trung Cộng, bán với giá rẻ.
Trong khi ấy các sản phẩm nội đia thiết thực cho người dân như tôm, cá,
thịt heo, gà, bò, cùng các loại rau cỏ, củ, trái cây đều không còn an
toàn, bởi người nuôi trồng, sản xuất và chế biến, đã sử dụng các hóa
chất không có nguồn gốc, không được dùng trong thực phẩm, mục đích là để
thu nhiều lợi nhuận, bất kể đến hậu quả cho người tiêu dùng.
Những sự kiện nêu ra trên đây đã rất phổ thông, và hầu như ai cũng quan tâm, cũng đều nói tới.
Có hai câu hỏi chúng ta phải nêu ra: (1) Tại sao lại xảy ra tình
trạng này ở Việt Nam? (2) Ai là người có trách nhiệm phải giải quyết
tình trạng này?
Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất, chúng ta thấy có ba yếu tố chính,
một là vì chính sách phát kiển kinh tế trở thành nhu cầu ưu tiên số một,
nên người ta đã gạt qua một bên những di hại khác, mà chỉ nhắm đạt được
mục tiêu đã đề ra. Hai là nhà nước thả lỏng, hay vì tham nhũng đã làm
ngơ để cho các công ty phá hoại môi sinh. Ba là tâm lý ích kỷ và vô
trách nhiệm của con người. Vì lợi nhuận, nhiều người đã trở nên ích kỹ
đến độ tàn ác, nhắm mắt, bịt tai trước những thảm họa do lòng tham của
họ gây ra.
Còn câu hỏi thứ hai, đặt ra vấn đề ai chịu trách nhiệm, thì trước hết
đó là nhà cầm quyền, thứ đến là mỗi cá nhân trong xã hội. Nhà cầm quyền
không vạch ra được chính sách và đường lối đúng đắn, không nghiên cứu
tường tận con đường phát triển kinh tế, đi từ một quốc gia nông nghiệp
sang một quốc gia kỹ nghệ, phải chuẩn bị thế nào để lợi bất cập hại.
Điều này lẽ ra VN phải học được từ các nước phương tây, hay Nhật Bản,
Singapore, Nam Hàn. Thậm chí những gì đang xảy ra tại Trung Cộng, cũng
là một bài học cần tránh.
Đối với mỗi cá nhân trong xã hội, họ cần được cung cấp những thông
tin đầy đủ và chính xác về hiểm họa do ô nhiễm môi trường gây ra. Công
tác này phải được đưa lên hàng quốc sách với những kế hoạch rất tinh vi.
Khởi sự từ học đường, dạy cho con trẻ từ lớp mẫu giáo lên đến trung
học, đại học phải biết giữ bảo vệ môi trường sống. Rồi từ gia đình đến
tổ dân phố, đến thôn xã, huyện, tỉnh. Đến các cơ quan nhà nước, các công
tư sở, đều được hướng dẫn, nhắc nhớ. Song song với chương trình giáo
dục, phải kèm theo các hình phạt tương xứng, và phải được thi hàng cách
nghiêm minh.
Các hệ thống truyền thanh truyền hình, báo chí cần có các chuyên mục
nêu ra những nguy hại do ô nhiễm không khí, nước uống và thức ăn gây ra
cho sức khỏe con người.
Tóm lại cho đến hôm nay, tuy đã có những nỗ lực bảo vệ môi trường
sống, nhưng rõ ràng hiệu quả chưa có gì đáng kể. Ngược lại sự tàn phá
môi trường mỗi lúc mỗi gia tăng đến chóng mặt.
Nếu cứ đà này tiếp diễn thì các nhà thương, bệnh viện sẽ không còn
chỗ điều trị bệnh nhân vì môi trường xấu gây ra. Cứ nhìn vào con số
người mắc bệnh ung thu, và những người bị bệnh về đường hô hấp gia tăng
khủng khiếp trong nững năm gần đây, những thứ này đang trực tiếp ảnh
hưởng đến sức khỏe của chúng ta và những thế hệ con cháu chúng ta, tức
là sức khỏe của toàn dân Việt Nam. Đây là một vấn đề sinh tử của dân tộc
cần phải giải quyết đến nơi đến chốn trước khi quá muộn.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ
No comments:
Post a Comment