Trong khi đảng và nhà nước liên tục tuyên truyền các phóng viên báo chí ở Việt Nam được pháp luật bảo vệ để tác nghiệp tự do thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hành động ngược lại để xác nhận báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF: Reporters Without Borders) kết luận tình hình tự do ngôn luận của người dân càng ngày càng tồi tệ.
Báo cáo năm 2016 của RSF xếp Việt Nam đứng hàng thứ 175/180 nước trên
thế giới cũng cho thấy Việt Nam chỉ đứng trên Trung Quốc, Syria,
Turkmenistan, Bắc Triều Tiên và Eritrea.
Tự đề cao mình như thế, nhưng họ đâu biết vào ngày 11 tháng 7 năm
2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã đóng cửa không cho phép
phóng viên tham dự để tường thuật các cuộc họp hàng tháng của Ủy ban.
Báo chí trong nước trích lời Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
vừa cho biết: “Từ nay, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH),
báo chí được dự 5 phút đầu của buổi làm việc. Cuối mỗi ngày sẽ có thông
cáo báo chí gửi đến các phóng viên”.
Thời gian 5 phút chỉ đủ để chụp hình và quay phim nhanh trước khi cánh cửa được khép lại.
Nhưng tại sao Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng là là cơ quan đại diện dân mà lại sợ báo chí thông tin việc làm của mình cho dân?
Theo giải thích của ông Nguyễn Hạnh Phúc với báo trong nước thì:
“Phóng viên báo, đài không được nghe thảo luận như các phiên họp trước
đây là “để các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ trao đổi, phát biểu hết
các vấn đề, phát biểu sâu, không ngại việc có thông tin thuộc bí mật “vô
tình” được đề cập”.
Như vậy là vì có nhiều Đại biểu thiếu bản lĩnh, tư tưởng đã lung lay,
khả năng hiểu biết kém và trình độ chính trị thấp nên đôi khi cũng “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” để “tự thoái hóa” khiến đảng lo bị lộ?
Hay việc gì cũng đã có nhà nước lo như tập quán độc tài xưa nay của
nhà nước nên Thường vụ Quốc hội muốn báo chí đi chỗ khác chơi để được
thoải mái tranh biện quăng mèo ném chó mà không sợ bị chê thiếu văn hóa?
Vậy tại sao, dưới thời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người
thay thế ông Hùng, quyền được “mở mồm” trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội
lại bị kiểm soát để đóng lại, không muốn cho báo chí biết để thông tin
đến dân?
Nói thế nhưng dễ gì một mình bà Ngân mà dám ra lệnh cấm báo dự các
cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội? Việc này phải có bàn tay của Bộ
Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu quyết định, vì mọi
việc ở Việt Nam phải có đồng ý của Bộ Chính trị.
Vậy ông Nguyễn Phú Trọng có toan tính gì mới mà muốn giấu dân?
Cũng nên biết vai trò và quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong guồng máy cai trị nhà nước rất lớn và quan trọng.
Những quy định trong Điều 74, Hiến pháp năm 2013, gồm có:
1. Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì kỳ họp Quốc hội;
2. Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;
3. Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội,
pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động
của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
4. Đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến
pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc
bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối
cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
5. Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các
Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại
biểu Quốc hội;
6. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ
tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội,
Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội
đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước;
7. Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ
nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; giải
tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường
hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của
Nhân dân;
8. Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
9. Quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh trong trường hợp
Quốc hội không thể họp được và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp
gần nhất;
10. Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;
11. Thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội;
12. Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
13. Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.
Với nhiệm vụ quan trọng như vậy mà báo chí không được phép theo dõi
để tường thuật ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có ai còn muốn
điếm xỉa đến bản tin cuối ngày thuộc loại “mèo khen mèo dài đuôi” của cơ
chế này?
Bằng chứng là bản tin thứ nhất phổ biến chiều 11/7/2017 cho biết Ủy
ban đã “thảo luận, cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín
ngưỡng”, nhưng không ai biết họ đã tranh luận như thế nào và tại sao
lại có vấn đề “phạt tiền trong lĩnh vực tín ngưỡng” được đem ra thảo
luận vào lúc này để làm gì?
Phạm Trần
No comments:
Post a Comment