Ông Lưu Hiểu Ba, nhà trí thức và Khôi Nguyên giải Nobel Hòa Bình, đã qua đời tuần rồi trong khi ngồi tù cho một bản án 11 năm chỉ vì ông đã ôn hòa chống lại chế độ độc đảng ở quê hương mình.
Cái chết của ông đã bày tỏ cho thế giới thấy một bộ mặt thật tàn nhẫn của chế độ Bắc Kinh. Bệnh ung thư gan của ông chỉ được nói là khám phá ra hay đúng hơn công nhận do những tên cai tù của ông khi ông chỉ còn hai tuần lễ để sống, sự điều trị của ông chẳng qua chỉ là một sự che đậy và ước muốn cuối cùng của ông được rời khỏi Hoa Lục bị thẳng thừng bác bỏ.
Nhà cầm quyền thu xếp một cuộc hỏa thiêu, lấy cớ đó là phong tục của vùng nơi ông mất, bất chấp ý muốn của gia đình. Sau đó họ thu xếp một cuộc rải tro trên biển cả để nấm mồ của ông sẽ không bao giờ trở thành một đền thờ cho nhà tranh đấu đối lập nổi tiếng nhất nước. Điều còn đáng khinh bỉ hơn nữa là người em của ông bị bắt đứng ra trước truyền thông thế giới để cảm ơn đảng Cộng Sản và nhà nước cho cách họ đối xử tệ mạt với ông.
Với nguồn gốc là một phong trào cách mạng, đảng Cộng Sản Trung Hoa ngày nay, tuy vậy, vẫn còn hiểu rõ sức mạnh của một lãnh tụ hy sinh, một thánh tử đạo như ông Lưu. Và đó là lý do mà họ thực sự coi trọng ông và thông điệp của ông.
Cả hệ thống bức đại tường lửa của Bắc Kinh đã được huy động để kiểm duyệt ở mọi cấp, bất cứ một biểu hiệu nhỏ nào của một sự nhắc nhở đến ông, từ hình ảnh một cái ghế không người đến ba chữ viết tắt RIP, Rest In Peace, một lời cầu chúc siêu thoát cho ông.
Công khai thì Bắc Kinh lập luận rằng: Ông Lưu đã bị một tòa án Trung Quốc xử như là một tội phạm hình sự bình thường, trao tặng cho ông giải Nobel Hòa Bình là một sự “báng bổ” và việc ông bị tù, bị giam không dính gì đến bất cứ ai khác ngoài đất nước Trung Hoa.
Nhưng một biện minh khác, mà một số viên chức đưa ra trong các cuộc nói chuyện với báo chí hay các nhà ngoại giao, thì như thế này: Nhà cầm quyền Cộng Sản đã thực hiện được việc nâng 800 triệu người ra khỏi nghèo đói trong vòng bốn thập niên nay với sự pha trộn của cải tổ kinh tế và đàn áp chính trị. Do đó, những người như ông Lưu, với lý tưởng bất bạo động của họ, kêu gọi cho tự do cá nhân và sẵn sàng chết cho niềm tin và lý tưởng của mình, là một đe dọa đáng ngại cho chế độ độc đảng.
Hiểu cái logic độc đài tàn nhẫn đằng sau sự đối xử của Bắc Kinh đối với ông Lưu không phải là biện minh cho chúng hay bênh vực chúng. Nhưng, như một nhà báo hiện đang làm việc ở Bắc Kinh kêu gọi, điều quan trọng là những người bên ngoài Hoa lục hiểu, đặc biệt là khi Trung Quốc đang ngày càng nổi lên và tích cực hoạt động trên trường quốc tế.
Ông Lưu có một giải thích cho thái độ của nhà cầm quyền. Hồi năm 2006, ông nói: “Mặc dầu chế độ của thời đại hậu Mao vẫn còn là một chế độ độc tài, nó không còn cuồng tín mà là một thứ độc tài duy lý vốn ngày càng giỏi trong việc tính toán quyền lợi của mình.”
Trong việc tính toán những quyền lợi đó, chế độ quyết định là biến ông Lưu thành một thánh tử đạo an toàn hơn là cho phép những ý tưởng của ông phổ biến không ngăn chặn.
Phải nói là trong ngắn hạn, kết luận đó của họ có lý. Chính vì cố gắng của đảng Cộng Sản, đại đa số người Trung Hoa chưa bao giờ nghe nói đến ông Lưu, và một số những người có nghe nói đến ông thì chỉ nghĩ ông là một người ưa gây chuyện quấy rối. Một số đã tỏ vẻ ngạc nhiên khi dân chúng Hồng Kông tổ chức các cuộc đốt nến tưởng niệm ông Lưu.
Cái chết của ông không tạo nên một cuộc cách mạng.
Và dĩ nhiên, không có ai ở Hoa Lục dám chỉ ra sự thành công của Đài Loan, một đảo quốc cũng của người Hoa nhưng đã tạo cho mình một nền dân chủ vững mạnh và vẫn là một cường quốc kinh tế. Sự chuyển đổi từ chế độ độc tài ở Đài Loan không dẫn đến xáo trộn như nhà cầm quyền ở Bắc Kinh vẫn lý luận.
Và nếu họ bảo là Đài Loan quá nhỏ, không thể so sánh với Hoa Lục. Thế Indonesia thì sao? Một quốc gia đa dạng, rộng lớn, đông dân, đã chuyển đổi thành công từ một chế độ độc tài quân phiệt sang một nền dân chủ với kinh tế ngày càng phát triển.
Và sự tính toán của đảng Cộng Sản về lâu về dài sẽ bị chứng minh là sai. Qua việc cố tình bác bỏ sự dân chủ hóa tiệm tiến từ trên xuống, họ đã gia tăng triển vọng của một sự bùng nổ từ dưới lên bác bỏ chế độ độc tài.
Nếu và khi nào ngày đó đến, những người biểu tình xuống đường đòi tự do dân chủ hẳn sẽ nhớ đến ông Lưu và nụ cười hiền hòa của ông. Và họ sẽ nhớ đến những lời ông viết ra nhưng bị cấm không được đọc ở vụ xử mà mỉa mai thay xảy ra đúng ngày Giáng Sinh năm 2009 “Không có một thế lực nào có thể chấm dứt sự ao ước tự do của con người, và Trung Quốc rồi cũng sẽ có ngày trở thành một quốc gia pháp luật cai trị, nơi nhân quyền chế ngự.”
Lê Phan
No comments:
Post a Comment