Thưa quý thính giả,
Mấy tuần qua, dư luận quần chúng xôn xao về việc một viên tướng cộng sản công khai chửi rủa thô tục và đe doạ anh cảnh sát giao thông. Nội vụ diễn ra ngày 14 tháng 7 vừa qua khi Nguyễn Văn Thành, trung uý cảnh sát giao thông quận Bình Thuỷ chận xe của trung tướng Võ Văn Liêm do tài xế lái đang chạy từ hướng sân bay Cần Thơ về quận Ninh Kiều vì quá tốc độ giới hạn. Khi anh Thành yêu cầu tài xế xuống xe để kiểm soát giấy tờ, tướng Liêm không cho tài xế thi hành và chửi mắng xối xả anh Thành bằng nhiều lời lẽ thô tục. Không những thế, tướng Liêm còn hoăm doạ anh Thành và cấp trên của anh ta.
Toàn bộ sự việc diễn ra đã được một số người chứng kiến và thu hình quảng bá trên mạng xã hội. Ông Võ Văn Liêm là trung tướng đã nghỉ hưu, từng là Phó chính ủy Quân khu 9, và Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương.
Việc lời qua tiếng lại giữa nhân viên cảnh sát giao thông với người dân không phải là chuyện hiếm hoi tại VN. Chỉ sau vụ tướng Liêm 3 hôm, vào ngày 17 tháng 7, một phụ nữ bị cảnh sát giao thông chận xe cũng đã chửi bới, thoá mạ nhân viên hành sự ngay trên đường phố quận Bình Thạnh. Không đày 2 tháng trước, dân chúng Hà Nội cũng đã chứng kiến cảnh một phụ nữ lớn tiếng chửi bới khi bị cảnh sát giao thông chận xe trên đường phố Hà Nội. Đây chỉ là những vụ được biết vì hình ảnh công bố trên mạng lưới toàn cầu. Chắc chắn còn rất nhiều vụ khác nữa nhưng không được quảng bá rộng rãi.
Hiện tượng này đã phản ảnh rõ ràng một thực tế là quần chúng chẳng mấy cảm tình với lực lượng cảnh sát giao thông vì đây là thành phần đứng đầu trong việc làm tiền, đòi hối lộ của dân. Theo những số liệu do Cơ quan Minh bạch Quốc tế công bố đầu tháng 3 vừa qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn tham nhũng trầm trọng nhất, trong đó, giới cảnh sát là thành phần đứng đầu bảng. Cứ 100 người được hỏi thì có đến 61 người xác nhận đã phải nộp hối lộ cho cảnh sát!
Thế nhưng trong vụ tướng Liêm thì sự việc đã mang một ý nghĩa đối nghịch. Đành rằng trung uý Thành thuộc lực lượng Cảnh sát Giao thông vốn chẳng mấy được cảm tình với dân chúng, nhưng những lời lẽ và cung cách hành sử của tướng CS Võ Văn Liêm cho thấy một sự việc còn tệ hại hơn cả hành vi tham nhũng lặt vặt của giới cảnh sát giao thông. Những lời lẽ chửi rủa tục tằn, và sự hăm doạ công khai của một kẻ đã lên đến cấp trung tướng của quân đội CS ngay giữa thanh thiên bạch nhật, là một sự kiện nghiêm trọng, cho thấy tình trạng suy đồi đạo đức, mất văn hoá của cả một dân tộc.
Thái độ hống hách, lộng quyền và lời lẽ chửi rủa thô tục chắc chắn không phải chỉ là riêng của viên tướng Liêm mà chúng phải là bản chất đặc thù của tầng lớp đảng viên, cán bộ cao cấp và hàng tướng lãnh được đào tạo, nhào nặn trong lò CS. Đây là cái lò mà những kẻ hình thành và lãnh đạo nó tự cho mình đứng ngoài và đứng trên luật pháp, với chủ trương những giá trị đạo đức và tinh thần đã phải nhường chỗ cho đấu tranh giai cấp, lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện.
Với thành phần thống trị như vậy tất phải dẫn đến một xã hội vô cảm, trong đó bạo lực là phương tiện để giải quyết mọi bất đồng, dối trá và phỉnh gạt được xem như một cách sống khôn ngoan. Và cũng cái guồng máy đó, trong bối cảnh xã hội đó, đã sản sinh những kẻ bất nhân, không còn nhân tính.
Tiêu biểu của thành phần này là những viên công an cai tù đã cấm tù nhân lương tâm Mẹ Nấm không được mặc quần áo lót trong thời gian tạm giam, không được sử dụng băng vệ sinh trong thời kỳ kinh nguỵệt. Thật kinh tởm cho chế độ đã đào tạo những con người nhưng hành sử như những con vật!
Việt Nam dưới sự thống trị của đảng cộng sản đang tiến dần đến bờ vực thẳm. Vực thẳm của sự tụt hậu về kinh tế. Vực thẳm của sự huỷ hoại môi trường. Vực thẳm của sự mất chủ quyền quốc gia. Và vực thẳm của sự mất văn hoá.
Để chận đứng những thảm hoạ này, việc đầu tiên là phải loại trừ nguyên nhân gây ra chúng, tức phải loại bỏ đảng cộng sản ra khỏi ngôi vị độc tôn lãnh đạo đất nước.
Thế nhưng, nếu các thảm họa tụt hậu kinh tế, huỷ hoại môi trường, mất chủ quyền đất nước có thể được giải quyết tương đối nhanh chóng sau khi thay đổi hệ thống chính trị, thì thảm hoạ mất văn hoá sẽ đòi hỏi nhiều thế hệ mới mong phục hồi lại được.
Công cuộc phục hưng văn hoá dân tộc vì vậy phải được xem là nhu cầu cấp thiết song hành với công cuộc giải thể chế độ độc tài toàn trị CS trên quê hương./.
LLCQ
No comments:
Post a Comment