Thursday, March 2, 2017

NAM LỘC NGƯỜI NHẠC SĨ CỦA QUÊ HƯƠNG BỎ LẠI

ThiCaYêuNước

Nam Lộc sinh ra tại Bắc Ninh, di cư vào Nam năm lên 10, lớn lên tại Sài Gòn. Ông tham gia phong trào nhạc trẻ vào đầu thập niên 1960, điều hành quán cà phê “Quán Gió” và hợp tác với Cục Tâm lý chiến thuộc Nha Chiến tranh Tâm lý. Năm 1975 ông cùng gia đình sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ, làm Giám Đốc cơ quan thiện nguyện USCC giúp đồng bào tị n ạn và tiếp tục sáng tác âm nhạc.
Những ca khúc của Nam Lộc thể hiện những khía cạnh xã hội bất hạnh, đặc biệt về thân phận người tỵ nạn như “Saigon Vĩnh Biệt”, “Xin Đời Một Nụ Cười”, “Người Di Tản Buồn.”.
Nam Lộc đến với trung tâm Asia lần đầu tiên trong vai trò MC cạnh Lê Tín Hương trong chương trình “Thơ Và Nhạc” vào năm 1998 và tiếp tục làm trụ cột Asia cho đến nay.
Đa số sáng tác của Nam Lộc hướng về quê quê hương bỏ lại, nhưng người nhạc sĩ đa tài đa năng này cũng đã từng có những rung cảm thật mặn nồng với tình yêu đôi lứa, nhưng là tình xa, là tình yêu không trọn vẹn, để lại một vết thương lòng:
Người yêu đã ra đi
Lệ buồn ướt hoen mi
Hoàng hôn tím ngắt
trên tay lạc lối bơ vơ nơi cuối trời
Tình là tình xa. Nhưng vẻ đẹp ở đây là vẻ đẹp chung thủy. Dù không trọn vẹn, tình yêu vẫn thủy chung, tình yêu vượt thời gian và không gian:
Dù anh ở phương nào
Tình em vẫn hôm nào
Chờ anh khi bão mưa
không còn lấp tiếng yêu nơi cuối cùng
Mất mát trong tình đôi lứa, Nam Lộc còn cảm nghiệm một mất mát lớn hơn là mất quê hương dấu yêu. Nỗi mất mát đầu tiên là mất Saigòn ngà ngọc. Mất Saigon là mất nụ cười, là mất cả thời gian tuyệt vời:
Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Mất Saigon là mất tất cả, mất người thân, mất bạn bè, mất cả người thương, bởi lẽ Sai Gòn ngà ngọc là hình ảnh quê hương thân yêu trong mỗi nguời dân Việt. Thế nên trong mất mát, Nam Lộc phải giữ lại một chút gì thân thương trong nỗi nhớ, như thể Saigon nhỏ:
Một mai anh về qua đường Duy Tân,
Phố cũ hè xưa lá vẫn rụng đầy
Người thân nhiều kẻ không còn nữa
Đời cũng trôi theo những đoạn trường..
Mai đây anh về qua đường Tú Xương
Quán vắng mưa khuya bước ai trên đường
Thương yêu ngày cũ tìm đâu thấy
Dấu vết tình xưa đã vàng phai
Xa quê hương, Nam Lộc đã mang tâm trạng của con thú lạc đàn, con chim lạc bầy, gà con xa cánh mẹ. Đó cũng chính là tâm trạng chung của người Việt tị nạn:
Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn
Từng ngày qua, từng kiếp sống quên thời gian
Kiếp tha hương, lắm đau thương, lắm chua cay
Mang tâm trạng chim lạc đàn,Nam Lộc cũng như tất cả những ai mang kiếp tha hương, đã hướng mắt và hướng lòng về quê hương khổ đau, nước mắt tuôn trào:
Chiều nay có một người
Đôi mắt buồn nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên VN ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa
Còn nỗi bất hạnh nào lớn hơn nỗi bất hạnh mất quê hương, Dân Việt buộc chấp nhận thân phận lữ khách vô tổ quốc. Đó là cái giá dân Việt phải trả cho tự do:
Tự do hỡi tự do! Tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do! Anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong.
Qủa là một sự lựa chọn bi đát. Chấp nhận đánh mất tất cả chỉ vì muốn được tư do và được tiếp tục làm người với nụ cuời trên môi
Tôi bước đi vì không muốn làm kẻ tội đồ
Vì tôi muốn lại kiếp con người
Muốn cuộc đời còn có những nụ cười
Trong nỗi mất mát đau thương của thân phận lưu vong, con tim rướm máu, nước mắt nhạt hòa, Nam Lộc đã hát lên như một lời kinh, xin được trở về gặp lại con đường xưa, con đê xưa, bạn bè xưa:
Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương
Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát
Cho tôi an phận ngàn đời, bên bờ đê vắng làng tôi
Trong những hình bóng cũ, đáng nhơ nhất là những ngọn đồi, những chiến hữu đã từng sát cánh bên nhau, đặc biệt là những người đã nằm xuống trong tức tưởi:
Cho tôi xin lại ngọn đồi, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bờ rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lần chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi ..
Ai còn ai mất? Làm sao biết đuợc, làm sao đếm đuợc! Chỉ còn biết cúi đầu tuởng niệm:
Chiều nay có một người di tản buồn
gọi anh em còn ai hay mất ai
còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu
và bao nhiêu nằm trong những lao tù
Giấc mơ trở về làng cũ, ngọn đồi cũ tìm lại bạn bè thân thương chưa thực hiện đuợc, Nam Lộc đành tìm gặp những bónh hình thân thương đó trong nỗi nhớ, trong bong hình. Đó là lý do Nam Lộc đã dốc hết tâm can thực hiện Tuợng Đài Chiến Sĩ tại Westminster. Anh đã thổ lộ: “Tôi nghĩ tại sao mình đã được ở bến bờ tự do rồi, không mang được họ sang thì mang linh hồn họ sang. Thành ra mỗi lần đi ngang qua tượng đài đó là tôi hãnh diện vô cùng. Trong đời không làm được điều gì hãnh diện thì đây là điều hãnh diện của tôi”
Thật kiên cường, nhưng cũng thực cảm động. Phục vụ nguời tị nạn trong lãnh vực xã hội với chức Giám Đốc USCC, phục vụ quê hương đất nước trong lời ca tiếng hát và xây dựng tượng đài chiến sĩ, Nam Lộc còn phục vụ con người trong ý hướng xây dựng một xã hội tươi đẹp hơn, một cuộc hội ngộ giữa nguời và nguời với con tim nồng ấm:
Hãy nói yêu nhau người
Dẫu biết mai xa rồi..
Hãy đến bên nhau người
Dẫu biết mai xa rồi..
NQS, MN và HS xin gặp lại quí thính giả trong mục TCYN lần tới.
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment