Tuesday, March 28, 2017

Từ “tham gia cướp chính quyền” đến tham gia cướp lộc thánh

ChuyệnNướcNonMình

Trong những ngày đầu Xuân, tràn ngập trên các mặt báo, các trang mạng truyền thông là tin tức về sự kiện của các lễ hội, tập tục, cúng tế được tổ chức với mục đích cầu tài lộc, bình an trong năm mới.
Dù là thực hiện một nghi thức mang tính tâm linh và sự kiện được tổ chức ở không gian thiêng như đền, chùa…thế nhưng hành động của những người tham gia lễ hội đều mang đặc điểm chung đó là CƯỚP.
Gì cũng cướp: một lá bùa, một lá ấn, lộc thánh thậm chí là một cọng chiếu, tất tần tật những gì khiến người ta tin rằng giúp mang tài lộc đến cho mình là phải CƯỚP.

Theo TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, cho biết “trước năm 1945, các hội làng rất quy củ, có trình tự, nghi thức trang nghiêm trong thời điểm thiêng, không gian thiêng. Thế nhưng, hành động cướp lộc giờ đây chỉ cho thấy sự vô tổ chức, hoàn toàn trái với ngày xưa”.
Vậy thì vì đâu nên nỗi ?
Philippines là một đất nước chậm phát triển, kinh tế còn nghèo. Tuy nhiên, họ vẫn có một thói quen rất văn minh, lịch sự đó là luôn xếp hàng ở các nơi công cộng. Cho dù dòng người xếp hàng có dài đến bao nhiêu đi nữa thì nếu là người đến sau, mình vẫn phải xếp hàng.
Còn nhớ khi mới qua Philippines, có lần đi Mall ra, trời đã sập tối mà dòng người xếp hàng đợi taxi thì dài ngoằng. Thế là với lối hành xử rất “An-nam-mít”, chúng tôi rủ nhau chạy đến khúc đường phía trên dòng người đang xếp hàng để chận đón taxi, trong bụng còn thầm khen mình thật là nhanh ý, “thông minh”. Thế nhưng, tất cả các tài xế taxi đều TỪ CHỐI và bảo chúng tôi phải trở về dòng người đang xếp hàng.
Và khi muốn đứng vào một chỗ trống mà sau lưng có người đứng thì phải hỏi họ là mình có được phép đứng lấp vào chỗ trống đó hay không? Vì nếu tự tiện đứng vào trong khi họ là người kế tiếp thì họ sẽ nhìn mình như một kẻ man di mọi rợ.
Chia xẻ câu chuyện này để thấy không phải ở các nước văn minh giàu có như Mỹ, Canada, Nhật…người dân trong xã hội mới có thể thực hiện tốt văn hóa xếp hàng nhưng ngay cả một đất nước mặc dù mức sống của còn thấp nhưng người dân vẫn không hề tranh giành, chen lấn và tệ hại hơn là cướp, miễn sao quyền lợi, nhu cầu của mình được thỏa mãn. Như vậy không phải “bần cùng sinh đạo tặc”, một đất nước nghèo không phải là lý do để người dân thích CƯỚP, thích tranh giành.
Vì sao người dân Philippines có được cái văn hóa xếp hàng này ?
Thứ nhất : Họ được giáo dục ngay từ trong trường học. Con gái tôi kể rằng trong giờ ra chơi, khi tất cả học sinh ùa xuống canteen để mua quà bánh, chúng nó đều xếp hàng đợi tới lượt mình, cho dù nếu không kịp mua thức ăn thì đứa trẻ đó phải xách cái bụng đói vào học tiếp những tiết học sau.
Thứ hai: Họ TIN rằng cái nguyên tắc “first come, first served” sẽ được tất cả mọi người tuân thủ cách nghiêm túc. Và nếu ai vi phạm để xảy ra tranh cãi thì ngay lập tức nhân viên bảo vệ của khu vực đó sẽ đến can thiệp. Đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề. Khi một điều tốt được tất cả mọi người chung tay thực hiện và được luật pháp bảo vệ thì người dân trong xã hội đó YÊN TÂM TIN TƯỞNG để thi hành.
Còn ở nước ta thì sao ?
Có thể nói cụm từ “khủng hoảng niềm tin” đã trở thành từ khóa quen thuộc trên các trang mạng xã hội. “Có vẻ như người Việt Nam không còn tin vào ai nữa”. Không tin vào nơi được xem như những “ngôi đền thiêng” của xã hội bởi chức năng cao quý của nó như trường học, bệnh viện. Không tin vào nhà nước, vào nhà cầm quyền. Không tin vào những nơi thực thi công lý và cũng không tin vào những việc thiện. Bởi lẽ sự dối trá có mặt ở khắp nơi. Do vậy, CƯỚP và giành giật là phương thế hữu hiệu được nhiều người lựa chọn nếu muốn bảo vệ quyền lợi của mình.
Từ trước đến nay, khi nói về cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 trên sách báo cũng như một số kênh thông tin đại chúng, trên các văn kiện chính trị *…thường dùng cụm từ “tham gia cướp chính quyền”. “Cướp chính quyền từ tay Nhật”; “Việt Minh phát động công nhân, nông dân cướp chính quyền trên toàn quốc”; “cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim”; “ Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội. …”
Phải chăng vì thế mà trong lịch sử phát triển của dân tộc, chưa có giai đoạn nào người dân Việt thích CƯỚP hơn bây giờ ?
Điền Phương Thảo

No comments:

Post a Comment