Sunday, March 12, 2017

Chúa Nguyễn Hoàng

DanhNhânNướcViệt

Nguyễn Hoàng sinh năm 1525, tại làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hàng Tung, xứ Thanh Hóa (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), con của ông Nguyễn Kim và bà Nguyễn Thị Mai, con gái của Nguyễn Minh Biện, thượng tướng quân của triều Lê.
Nguyễn Kim, con trưởng của Nguyễn Hoằng Dụ, làm quan đầu triều Lê, giữ chức Hữu vệ điện tiền tướng quân.

Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Kim có chí muốn khôi phục nhà Lê, dẫn con sang Ai Lao thu nạp hào kiệt, tìm con cháu nhà Lê phò trợ.
Năm 1533, Nguyễn Kim đón con trai của Lê Chiêu Tông lập làm vua tức Lê Trang Tông. Lê Trang Tông phong Nguyễn Kim làm Thượng phụ Thái sư.
Năm 1540, Nguyễn Kim đưa vua Lê về Nghệ An và năm 1543, dẫn quân lấy đất Thanh Hóa. Hai năm sau, tại nơi này Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất đầu độc chết, được vua Lê phong là Chiêu Huân tĩnh công.
Sau đó, Nguyễn Hoàng làm quan nhà Lê, được phong làm Hạ Khê hầu, đem quân đánh dẹp Mạc Phúc Hải, chém chết tướng Trịnh Chi ở huyện Ngọc Sơn.
Vào năm 1558, ông đóng quân ở Ái Tử, huyện Đăng-xương, tỉnh Quảng Trị.
Năm 1559, ông được vua Lê cử vào trấn thủ đất Thuận Hóa, Quảng Nam.
Năm 1578, quân Chiêm kéo qua đánh phá biên giới, ông cử Lương Văn Chánh đem quân đánh chiếm thành An Nghiệp, là một trong những kinh thành đồ sộ và kiên cố nhất trong lịch sử Chiêm Thành.
Năm 1592, ông đem quân ra Bắc giúp họ Trịnh. Trịnh Tùng phong cho ông làm Trung quân Đô đốc phủ, ông lập nhiều công lao, dẹp tan các cuộc chống đối của họ Mạc và các cuộc phản loạn trong vùng. Trịnh Tùng ghen ghét công lao, tìm cách giữ ông lại, không cho về Thuận Hóa.
Năm 1597, ông ra lệnh cho Lương Văn Chánh, tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên, đưa 4000 dân vào khai khẩn vùng đất phía Nam Đại Việt từ đèo Cù Mông (phía bắc Phú Yên) đến đèo Cả (phía bắc Khánh Hòa). Ông cùng lưu dân từng bước khẩn hoang, lập ấp, từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Diễn, sông Cái.
Năm 1600, ở Đông Đô được 8 năm, khi bị Trịnh Tùng gửi thư hăm dọa, ông tự dẫn binh về Thuận Hóa mở mang bờ cõi. Từ đấy Nam Bắc phân chia, bề ngoài hai bên hòa hoãn, nhưng bên trong đều chuẩn bị chiến tranh.
Nắm được lòng dân, để đưa Đàng Trong phát triển, ông đã cho mở mang ngoại thương, hướng tầm nhìn ra biển nên “thuyền buôn các nước đến nhiều, trấn trở nên một nơi đô hội lớn”.
Nguyễn Hoàng có những chính sách khai khẩn phát triển vùng đất của mình và mở rộng lãnh thổ hơn nữa về phía Nam. Các vị Đế, Vương hậu duệ của ông tiếp tục chính sách mở mang này và chiến đấu với nhà Trịnh bất phân thắng bại trong nhiều năm.
Cuối cùng họ Nguyễn cũng đã hoàn thành việc thống nhất đất nước từ Nam đến Bắc, cùng với chủ quyền ở biển Đông, khởi đầu từ niên hiệu Gia Long (cháu đời thứ 11 của Nguyễn Hoàng).
Năm 1611, Chiêm Thành tiếp tục quấy nhiễu vùng biên giới Hoa Anh, ông đã sai Văn Phong đi dẹp, quân Chiêm nhanh chóng bị đánh bại trước lực lượng của chúa Nguyễn. Vua Po Nit của Chiêm Thành phải rút quân xuống phía Nam đèo Cả. Sau đó vùng đất Hoa Anh này trở thành phủ Phú Yên gồm 2 huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân, giao cho Lương Văn Chánh làm tham tướng, Văn Phong làm lưu thủ.
Chúa Nguyễn Hoàng mất ngày 20/7/1613, thọ 89 tuổi, vua Lê ban tước Cẩn nghĩa công, thụy là Cung Ý.
Đến khi ông mất, giang sơn họ Nguyễn trải dài từ đèo Ngang, Hoành Sơn qua đèo Hải Vân tới núi Đá Bia, gần đèo Cả (nay là vùng cực nam Phú Yên, giáp tỉnh Khánh Hòa). Diện tích 2 xứ Thuận Hóa và Quảng Nam rộng khoảng 45 ngàn cây số vuông. Ông trấn thủ vùng đất này được 55 năm.
Ban đầu, mộ của ông an táng ở vùng núi Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong (nay thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), về sau được cải táng về núi La Khê tức Khải Vận Sơn (nay thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Ông được thờ tại chùa Long Phước (nay thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), về sau được chúa Nguyễn Phúc Nguyên phối thờ cùng Tĩnh Công Nguyễn Kim tại chùa Thiên Mụ ở Phú Xuân (nay là Thành phố Huế).
Năm 1804, vua Gia Long cho dựng Thái Miếu rộng 13 gian để thờ các chúa Nguyễn và các công thần đời trước, chúa Nguyễn Hoàng cùng Hoàng hậu được thờ ở gian chính giữa. Vua Gia Long suy tôn cho Nguyễn Hoàng miếu hiệu là Thái Tổ.
Ngoài tài cầm quân, chúa Nguyễn Hoàng còn biết dùng tài đức để phủ dụ dân chúng, ông được xem là bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn. Ông có công lớn trong sự nghiệp Nam tiến của nước Việt, đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, nên được dân chúng kính phục và nhớ ơn. Hiện tên ông cũng được đặt cho nhiều con đường và khu phố trong nước.
Học giả Lê Quý Đôn bình luận trong sách “Phủ biên tạp lục” như sau:
“Đoan quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu tin phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp”.
Và ông được cụ Trần Trọng Kim khen trong “Việt Nam sử lược”:
“Nguyễn Hoàng là một người khôn ngoan mà lại có lòng nhân đức, thu dùng hào kiệt, yên ủi nhân dân, cho nên lòng người ai cũng mến phục”.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment