Tuesday, March 14, 2017

Lẽ đâu ta lại như thế này?

ChuyệnNướcNonMình

Gần đây, trong những dịp đi giảng dạy hoặc ghé thăm dùng cơm ở một vài Tu Viện, cũng có lúc dùng cơm ở nhà Giáo Dân, chúng tôi thường được mời ăn và nghe những lời giới thiệu món ăn trên bàn là do tự trồng cấy hoặc tự nuôi, không phải hàng ngoài chợ. Lời giới thiệu mang niềm hãnh diện và chứa lời bảo đảm không có thuốc trừ sâu hay có chất kích thích tăng trọng… Nói chung không phải là loại thực phẩm bẩn, có nhiễm độc chất gây ung thư !

Người dân Việt Nam có xu hướng tự trồng rau sạch trong các thùng xốp trên những khoảnh sân nhỏ tại nhà riêng, khi ngoài chợ rau bị phun nhiều thuốc.
Đan Viện Châu Sơn Nho Quan ở Ninh Bình là một thí dụ cụ thể, khách đến Đan Viện được mời cơm bằng những đĩa thịt gà, thịt dê, cá, các loại rau, ngay cả gạo nấu cơm cũng do các đan sĩ trồng cấy canh tác. Đan Viện có diện tích lớn, nhiều đan sĩ trẻ và chuyên lao động thì việc tự canh tự tiêu không lấy làm ngạc nhiên lắm, nhưng hiện tượng nhiều nhà nông trồng cấy riêng, nuôi riêng chỉ cho gia đình mình dùng chứ không đụng các sản phẩm do chính ruộng nương của mình sản xuất, đúng là có vấn đề ! Thậm chí bây giờ nhà riêng trong thành phố cũng dành một khoảnh sân thượng, hoặc một mảnh đất nhỏ ngay trong nhà để trồng cấy hoặc nuôi gà trong khi thực phẩm có thể dễ dàng mua sắm ở chợ, thì rõ ràng là có chuyện về lương thực và thực phẩm rồi !
Chương trình học Anh ngữ theo giáo trình English for Today mà miền Nam ứng dụng trước năm 75 ở các trường trung học, có một bài học về sự trao đổi thương mại ban đầu. Bài học mô tả loài người bắt đầu biết trao đổi thương mại qua các cách trao đổi đơn sơ nhất, người này có cái gì, vật gì, có thể gặp người khác để nói chuyện thỏa thuận trao đổi cho nhau, khi cả hai đồng ý thì sự trao đổi kết thúc bằng việc trao đồ vật. Khi người ta văn minh lên, người ta dùng một vật trung gian để làm tiêu chuẩn đánh giá các món hàng muốn trao đổi, vật trung gian ấy đơn giản dần thành một vật bây giờ chúng ta gọi là tiền tệ. Tiền tệ cũng có một quá trình phát triển từ những hình thức tiền đúc bằng kẽm, bằng bạc, bằng vàng, to lớn cồng kềnh được thu nhỏ lại, gọn nhẹ hơn, rồi chuyển thành tờ giấy bạc, phát triển không ngừng cho đến ngày nay như các thứ tiền chúng ta đang xử dụng.
Nhớ những ngày mới chân ướt chân ráo vào Nam năm 1954, gia đình chúng tôi theo cha lên miền Dục Mỹ sinh sống, cha tôi đóng quân ở đấy, mẹ tôi có sạp hàng ngoài chợ, chợ ở ngay khu đất trước cửa Nhà Thờ, hàng ngày tôi chứng kiến những người anh em dân tộc thiểu số, mình trần, đóng khố, miệng ngậm thuốc khói nghi ngút, cưỡi voi hoặc đi bộ hàng đàn xuống chợ, họ mang theo các sản phẩm của núi rừng, trao đổi hàng ở các sạp chợ, nói chuyện với nhau ra dấu nhiều hơn là hiểu câu nói, khi bằng lòng họ cười thoải mái nhe cả bộ răng cáu ghét vàng lẫn đen. Đó là cách sống của người mà văn minh của nhân loại chưa chạm tới !
Sau năm 75, cuộc sống vô cùng khó khăn, chúng tôi bị giải tán, mất Tu Viện, về nhà sinh sống, địa phương chèn ép làm gắt quá, tôi xin được việc làm trong một công ty xây dựng, ở đó tôi trở nên “đắt hàng”, nhờ vào số vốn kỹ thuật tôi học được về chăn nuôi heo khi còn ở An Phong Học Viện Thủ Đức, các ông bà cán bộ đầu đội nón cối thường xuyên nhờ tôi đến chăm nom thuốc men cho những con heo họ nuôi ngay trên sân thượng, ban công, góc bếp… Nhà nào cũng nuôi heo, bất kể biệt thự, nhà bê tông kiến trúc độc đáo sang trọng tịch thu của người miền Nam, hay nhà tập thể cho cán bộ công nhân viên, nhờ thế cuộc sống tôi dễ thở một chút, tuy vẫn phải lên “phòng Tổ Chức Lao Động Tiền Lương” viết tường trình mỗi tháng về cái tội học trường… Dòng !
42 năm trôi qua như tên bắn, những khó khăn ban đầu đổ hết cho chiến tranh, cho các tổ chức phản động, cho đế quốc… nay không còn hiệu lực. Chiến tranh qua từ lâu, tổ chức phản động không có, đế quốc thì bắt tay thân thiện, đem cả tài sản nhà cửa miêu duệ sang lập nghiệp, nhưng cuộc sống con người xuống dốc, quay trở lại thời tự canh tự tiêu, thời trao đổi hàng hóa trực tiếp. Lẽ đâu đất nước ra nông nỗi như thế này ?
Quốc gia hưng vong. Ai hữu trách đây ?
Lm. Vĩnh Sang

No comments:

Post a Comment