Những ngày về quê, thấy chuyện làng xóm lại nghĩ đến chuyện đất nước này. Không muốn đao to búa lớn, tôi chỉ muốn nói đến những cảm nhận trùng hợp kỳ lạ của câu chuyện làng tôi và nước tôi.
Khi tôi về quê cũng là lúc những người thợ xây, phụ hồ, công nhân được nghỉ tết để về quê. Tất cả đều là “đi làm ăn xa về”. Đất nước này có khác gì đâu? Mỗi dịp tết là những người Việt tha hương khắp nơi kiếm sống, làm culi, làm đủ thứ nghề tủi nhục cũng kéo về Việt Nam ăn tết. Tất cả họ đều là “đi làm ăn xa” vì quê hương không sống nổi dù ai cũng yêu.
Những người “đi làm xa” là niềm hy vọng của các gia đình mỗi dịp tết. Gia đình họ có sắm được tết hay không; trẻ con có bộ quần áo mới hay không; những món nợ mua gạo, dầu, mắm muối có trả được cuối năm hay không; gia đình có sửa được cái bếp, cái cổng hay không… Tất cả đều trông chờ vào đó, trông chờ vào “những người đi xa” cả ở làng tôi và nước tôi.
Những người đi xa còn có học sinh, sinh viên. Khi về tết đều là niềm tự hào của các gia đình. Những sinh viên của làng quê tôi mang tiếng là đi học nhưng hầu như không ai học được cái gì ra hồn ngoài học dùng điện thoại, học chơi, học những thứ vô bổ. Số các em, các cháu học thật sự hình như không đếm được 5 người. Học xong có cái bằng lại phải lo về quê “chạy việc”. Đất nước tôi cũng có hàng vạn sinh viên đi du học (hay đi tị nạn giáo dục?) học xong liệu họ có “chạy” được việc không? Hay sẽ cố gắng bám trụ lại ở một nơi xa quê?
Trong những bản báo cáo của xóm tôi cũng có những con số về thu nhập theo đầu người; số gia đình có xe gắn máy; có nhà kiên cố; kinh tế phát triển ra sao; đảng bộ và chính quyền địa phương sát sao sáng suốt cỡ nào… Cũng y nguyên như cái “đảng bộ” Bộ chính trị và chính phủ nước tôi báo cáo. Không thấy cả hai “chi bộ, đảng bộ” đó nhắc gì đến những đóng góp (kể cả bản thân) của những thân phận “đi xa làm ăn”. Có bao nhiêu căn nhà, bao nhiêu cái xe, bao nhiêu cái tivi tủ lạnh có được là nhờ phơi gió phơi sương trên các công trình xây dựng chứ không phải là tại nơi “sáng suốt” của đảng bộ. Nước tôi cũng vậy, các con số vẫn rất tươi hồng nhưng toàn bộ những “thành tựu” đó là của đảng chứ không phải của đội ngũ bán thân nơi xa như lâu nay nó vẫn thế.
Những người “đi làm ăn xa” của quê tôi khi về là cùng với những người ở nhà lao đầu vào hơi men, ca hát như một định mệnh. Những gương mặt đỏ gay hoặc tái dại đó đều tưởng mình là hạnh phúc, sung sướng lắm. Cả đất nước của tôi có lẽ cũng vậy, phần lớn những người “đi xa” khi về là lại cùng cả nước lao đầu vào hơi men, lao đầu vào ca hát nhảy múa, lễ hội. Tết về, nhà nhà người người cả làng tôi và nước tôi đều chúc nhau “năm mới tiến tới, làm ăn phát đạt” nhưng ai cũng biết đó là những lời sáo rỗng như bao năm nay lãnh đạo chúc tết trên các phương tiện truyền thông của đảng.
Cả làng tôi và nước tôi cứ lặp lại cái vòng luẩn quẩn đó mà không biết ngày mai tương lai của bản thân của gia đình và con cháu mình sẽ sống ra sao? Hầu như rất ít người làng quê tôi hoạch định được tương lai cho con cháu, tất cả như muốn phó mặc cho số phận. Đất nước này cũng vậy, những người “đi làm xa” và cả những người ở lại phần lớn cũng không hoạch định gì hoặc nghĩ gì cho tương lai. Tất cả chỉ biết ngày hôm nay phải vui cái đã.
Chuyện làng không phải chuyện nước nhưng có điểm tương đồng đến kỳ lạ. Trên đất nước này có bao nhiêu làng như làng tôi? Có bao nhiêu xã như xã tôi? Bao nhiêu người dù tương lai mù mịt, nguy cơ bệnh tật, nguy cơ bị cướp đất trắng tay và hàng tá nguy cơ, thảm họa nhân tai rình rập bản thân và con cháu nhưng vẫn tưởng mình hạnh phúc như làng tôi?
Bùi Văn Thuấn
No comments:
Post a Comment