Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa PV Hoàng Ân và PV Trường An.
PV Hoàng Ân: Xin cám ơn chị Mỹ Linh. Thưa quí thính giả, trong tuần qua có nhiều sự kiện đáng chú ý đã xảy ra, nhưng vì thời gian không cho phép, nên hôm nay Hoàng Ân cùng PV Trường An sẽ trình bày một số sự kiện đáng chú ý sau:
Thưa anh Trường An, anh có ghi nhận như thế nào trước việc Bộ công an VN phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh?
PV Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Sau khi bắt giam Vũ Đức Thuận cựu tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng 3 thuộc cấp vào hôm 16/9, thiếu tướng Phó thủ trưởng của C46 là Nguyễn Đức Thịnh cũng đã ký quyết định truy nã Trịnh Xuân Thanh.
Được biết trong quyết định này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ghép chung tội của Trịnh Xuân Thanh với Vũ Đức Thuận là cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Tổng công ty PVC theo điều 165 bộ luật hình sự.
Trước đó sau nhiều tuần cố gắng tìm cách tránh né về hành tung của Trịnh Xuân Thanh, quyết định này đã xác nhận Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài khiến C46 phải có lệnh truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Từ việc bắt giam 4 nhân vật chủ chốt của PVC và truy nã Trịnh Xuân Thanh, câu hỏi được đặt ra là khi nào sẽ đến Đinh La Thăng? Khi mà tại thời điểm xảy ra vụ thua lỗ 3,300 tỷ của PVC, Đinh La Thăng đang làm chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam mà PVC là thành viên của PetroVietnam.
PV Hoàng Ân: Anh vừa có nhắc đến việc tại thời điểm xảy ra vụ thua lỗ 3,300 tỷ của PVC, theo anh liệu Đinh La Thăng sẽ nằm trong danh sách những kẻ “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của TBT Nguyễn Phú Trọng không?
PV Trường An: Tại thời điểm xảy ra vụ thua lỗ này, ông Thăng đang giữ những chức vụ trên nên không thể nói là vô can trong vụ án cấp dưới bị khởi tố.
Tuy nhiên dù gây thua lỗ trầm trọng như vậy, ông Đinh La Thăng vẫn được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa lên giữ chức bộ trưởng bộ giao thông vận tải. Ít lâu sau đó, ông Vũ Đức Thuận về làm trợ lý cho ông Thăng trong chức vụ chánh văn phòng bộ giao thông vận tải. Còn ông Trịnh Xuân Thanh lên làm Vụ trưởng, Chánh văn phòng ban cán sự đảng bộ Công thương.
Tại đại hội 12, Nguyễn Tấn Dũng dù bị loại bỏ nhưng vẫn thành công trong việc giành lấy một ghế uỷ viên bộ chính trị cho Đinh La Thăng. Việc này bị coi là một cái gai trong mắt Nguyễn Phú Trọng.
Do đó, nếu muốn loại bỏ hoàn toàn thế lực Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng trước hết cần phải triệt hạ Đinh La Thăng. Lá bài Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận bỗng chốc bị biến thành con tốt thí trong bàn cờ chính trị của những tay chơi đầy thủ đoạn.
Tuy vậy, cuộc đào thoát và phản công ngoạn mục của Trịnh Xuân Thanh cho thấy Đinh La Thăng không chấp nhận nằm yên chịu trận. Dưới sự chỉ vẽ của bố già quân sư Nguyễn Tấn Dũng, những đòn đánh tới tấp đã được tung ra nhắm thẳng vào uy quyền của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thậm chí, cục diện đã dần thay đổi khi chủ tịch nước Trần Đại Quang đang dần dần để lộ rõ âm mưu “ngư ông đắc lợi” khi các phe phái đánh nhau. Việc bộ trưởng công an Tô Lâm để cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn là một điều thấy rõ, Trần Đại Quang một mặt vẫn âm thầm cứu phe cánh Đinh La Thăng nhưng sau đó lại quay sang thoả hiệp với Nguyễn Phú Trọng trong vụ bắt giam Vũ Đức Thuận.
PV Hoàng Ân: Cũng trong tuần qua, 23 tổ chức và hội đoàn dân sự tại VN đã lên án vụ san bằng chùa Liên trì tại Sài Gòn. Xin anh nhắc lại sự kiện này để cho quý thính giả của đài được tường tận hơn?
PV Trường An: Đúng như chị vừa nói, 23 tổ chức và hội đoàn dân sự tại VN đã cùng ký tên vào một kháng thư phản đối bạo quyền Sài Gòn đã cưỡng đoạt và phá hủy ngôi chùa Liên Trì, một trong số rất ít cơ sở còn sót lại của Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất.
Kháng thư tóm tắt diễn biến vụ cưỡng chiếm vào ngày 8/9 vừa qua, với hơn 500 công an vũ trang tận răng và 50 xe cơ giới, tấn công vào chùa Liên Trì ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, sau đó san bằng ngôi chùa có tuổi đời hơn 70 năm. Hòa thượng Thích Không Tánh, người trụ trì ngôi chùa, đã ngất xỉu vì phẫn uất và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Trước biến cố đau thương này, 23 hội đoàn dân sự tại VN đồng ký tên vào bản kháng thư phản đối nhà cầm quyền VN đã vi phạm hiến pháp, vi phạm nhân quyền khi ngang nhiên trục xuất người dân ra khỏi nơi cư trú của họ. Kháng thư cũng cảnh cáo những kẻ cướp đoạt tài sản của người dân là “gieo nhân nào thì gặt quả đó” và kháng thư này là một bản cáo trạng nữa về tội ác mà tập đoàn cộng sản đã gây ra cho dân tộc VN.
Cuối thư, các hội đoàn dân sự kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hãy đưa tên VN vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì vi phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo.
PV Hoàng Ân: Liên quan đến vấn đề đập phá các cơ sở tôn giáo, hôm 11/9 vừa qua, một đám công an giả danh côn đồ đã kéo đến đập phá trụ sở Hội thánh Tin lành ở thành phố Sóc Trăng, đồng thời hành hung một số tín đồ của đạo này. Anh vui lòng nói rõ hơn về việc này?
PV Trường An: Được biết vụ đập phá và hành hung diễn ra trong khi Mục sư Lê Văn Hòa và một số giáo dân đang làm thánh lễ và cho đến chiều đám côn đồ này vẫn tiếp tục gây rối bên trong và bên ngoài Hội. Điều này càng chứng minh rõ đây là đám công an chứ không phải côn đồ hay du đãng.
Mục sư Lê Văn Hòa cho biết là đám công an này có từ khoảng 20 đến 30 người. Bọn chúng xông vào buổi lễ, giật điện thoại của Mục sư Hòa và dập đầu ông xuống đất. Một số tín đồ cũng bị bọn công an đánh phun máu. Bàn thờ và một số đồ đạc cũng bị bọn chúng đập phá.
Cần nhắc lại là vào tuần trước, ngôi chùa Liên Trì của Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất ở Thủ Thiêm cũng bị bạo quyền Sài Gòn cưỡng chiếm và san bằng. Có nghĩa là trong vòng một tuần, bạo quyền VN đã ngang nhiên chà đạp lên quyền tự do tôn giáo, bất chấp những lời cam kết với thế giới là sẽ cải thiện nhân quyền.
PV Hoàng Ân: Do thời gian có hạn nên TA và HÂ xin được tạm dừng cuộc nói chuyện tại đây. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment