Một nguồn tin từ địa phương cho biết, cuộc biểu tình của khoảng 2000 người dân ở Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh hôm nay (1/9) kết thúc sau khi chính quyền địa phương chấp nhận gặp gỡ một số người đại diện tại UBND thị xã Kỳ Anh. Đồng ý đối thoại với dân thay vì suỵt công an ôm khiên ra xô đẩy và thét loa “tuyên truyền” vào tai dân, dù sao, cũng đã là một dấu hiệu của sự chuyển biến của chính quyền theo hướng văn minh hơn, ít rừng rú hơn.
Tuy thế, cuộc gặp không đạt kết quả gì, ít nhất hai bên không thống nhất được với nhau từ cách đề cập đến sự kiện: phía chính quyền khăng khăng cho rằng đó chỉ là một “sự cố môi trường” chứ không phải thảm họa.
Nếu chúng ta để ý thì cái loa tuyên truyền lớn nhất của nhà sản là VTV, trong chương trình Thời sự, cũng đã bắt đầu dùng từ “sự cố môi trường” để nói về thảm họa đã làm chết hàng trăm nghìn tấn cá, làm 4 triệu người dân biển miền Trung lao đao, một nền kinh tế biển phá sản và một vùng biển không biết mấy chục năm nữa mới phục hồi.
Bộ máy tuyên truyền của nhà sản thật vô địch về nói giảm, nói tránh… thành nói láo.
“GIAM BÓC TÁCH”
Lại nhớ chuyện, luật quốc tế về nhân quyền cấm mọi hình thức biệt giam, tức là giam người mà không cho tiếp xúc với bất kỳ liên hệ xã hội nào chỉ trừ quản giáo (hoặc có thể cả quản giáo), không cho người tù có phương tiện gì để liên lạc với bất kỳ ai dù là bạn tù, luật sư hay bác sĩ, gia đình…
Nhưng trò này tất nhiên chẳng xa lạ gì với các tù nhân lương tâm, tù chính trị ở Việt Nam, nhất là với những người “cứng đầu” như Điếu Cày chẳng hạn và bây giờ là Ba Sàm, Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà. Sợ bị cộng đồng quốc tế phát giác và phản đối, ngành công an (kiêm luôn chức năng cai tù để dễ cải thiện đời sống) bèn chế ra một thuật ngữ vô cùng độc đáo để “nói giảm, nói tránh” từ biệt giam, đó là: GIAM BÓC TÁCH. Chúng tôi không biệt giam ai cả, nhá. Chúng tôi chỉ đang thực hiện giam bóc tách một số đối tượng thôi.
Tài thật. Quả là một khái niệm đầy tính Đảng (tức là tính cộng sản), có thể thách thức tất cả những dịch giả tài năng nhất Việt Nam, khiến họ bó tay, không dịch nổi nó sang một thứ tiếng quốc tế nào.
“MỜI VÀ BẮT”
Còn lằng nhằng hơn nữa là hai khái niệm “mời” và “bắt” của công an Việt Nam. Đại tá Đinh Huy Hoàng, Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), đã cho chúng ta thấy tài dùng ngôn ngữ xuất sắc của cả hệ thống khi ông phát biểu về một vụ công an bắt cóc công dân đi kèm trẻ con gần đây:
“Trong quy trình thực hiện công tác điều tra, có những lúc mời hoặc bắt không như thông thường, bởi có những tình huống chỉ là mời nhưng sau đó để bắt hoặc có những lúc phải áp dụng đồng thời cả hai biện pháp”.
Thế tóm lại đó là mời hay là bắt, mời là gì mà bắt là gì? Nếu được mời, sao lại không thể từ chối? Nếu bị bắt, sao lại không có lý do, không có lệnh? Cuối cùng thì yêu quái là công an hay công an là yêu quái?
* * *
Cũng chưa đâu xa, mới năm ngoái thôi, với đại dự án chặt cây hàng loạt ở Hà Nội, nếu để ý ta có thể thấy ngay: Trong mọi văn bản chính thức, trong mọi lần lên tiếng hiếm hoi, trong mọi hoạt động từ sử dụng truyền thông chính thống đến huy động lực lượng dư luận viên cao cấp, trung cấp hay hạ cấp – chính quyền đều thống nhất dùng từ “cải tạo, thay thế” thay vì “chặt hạ”, “chặt bỏ”, “đốn bỏ” cây xanh.
Trên nhiều diễn đàn, cứ khi nào có người dùng từ “chặt hạ cây xanh” là sẽ có ngay vài anh dư luận viên lấy giọng ôn tồn, đầy tinh thần “khách quan, khoa học, duy lý” vào sửa sai: “Phải viết/ nói là ‘cải tạo, thay thế’ cây xanh mới chuẩn, mới đúng chứ”.
Và bây giờ, chính quyền lại đang cố lái người dân sang hướng tin rằng thảm họa biển miền Trung chỉ là một “sự cố môi trường” mà thôi, hàm ý là không có gì đáng ngại.
Nói giảm, nói tránh thành nói láo là đặc tính cố hữu của bộ máy tuyên truyền trong mọi chế độ độc tài và chúng luôn phải làm như vậy: Bắt người dân phải sử dụng ngôn ngữ do chúng tạo nên, để định hình tư duy của họ.
Là dân, nhất là khi làm người đấu tranh chống độc tài, chúng ta cần biết đến và cảnh giác với cái bẫy ngôn ngữ của nhà sản. Đừng để họ nhào nặn sự thật và phá hỏng tư duy của chúng ta.
Đoan Trang
No comments:
Post a Comment