Saturday, September 17, 2016

Cần Phải Chận Đứng Dự Án Cà Ná Tỉnh Ninh Thuận

QuanĐiểm

Thưa quí thinh giả,
Người dân thuộc 4 tỉnh Miền Trung nói riêng, và cả nước nói chung còn đang bàng hoàng trước thảm họa hủy hoại môi sinh do Formosa gây ra, cộng thêm hàng ngàn công ty lớn nhỏ khác đang gây ô nhiễm nguồn nước, thực phẩm, không khí ở nước ta hôm nay, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe toàn dân, thì nay nhà nước CSVN lại muốn dựng lên một dự án lớn khác gọi là “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận”.
Sự kiện này đang gây hoang mang cho cả nước khi lời nói và việc làm trái ngược nhau của nhà cầm quyền CSVN, chính ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 24/8/2016 rằng: “không đánh đổi kinh tế lấy môi trường để gây ảnh hưởng cuộc sống của người dân”. Ai cũng hiểu rằng ông muốn nói “không phát triển kinh tế bằng mọi giá”, như nhiều tờ báo đã nhắc lại.
Theo VNExpress ra ngày 21/8/2016 thì Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận vừa chấp thuận cho công ty Hoa Sen xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná, tổ hợp luyện cán thép và cảng biển tổng hợp Cà Ná tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Tiếp theo, hôm 6 tháng 9 vừa qua, công ty Hoa Sen đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để lấy quyết định về dự án nói trên. Qua những lời tuyên bố đầy lạc quan và tự tin của ông Lê Phước Vũ, các cổ đông đã thông qua kế hoạch này.
Nếu ai để tâm theo dõi thì đàng sau tấm màn mầu hồng phấn khởi kia, lại là những kịch bản lắt léo hàm chứa nhiều điều bí ẩn và mâu thuẫn khó lường. Những câu hỏi nêu lên không có câu trả lời, hoặc trả lời một cách vô trách nhiệm của những người có thẩm quyền đã để lộ nhiều bất cập bên trọng.
Câu hỏi thứ nhất, xét về qui hoạch phát triển dành cho một dự án lớn như Hoa Sen Cà Ná, đã không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa trung ương với địa phương. Ủy Ban Nhân Dân Ninh Thuận chấp thuận cho khởi công, nhưng trong danh mục phát triển của Bộ Công Thương lại không thấy có; rồi giữa các bộ ngành có liên hệ hàng ngang, như bộ Tài Nguyên Môi Trường có ý kiến ra sao? Xem ra mạnh ai nấy làm, mỗi cơ quan là một cửa ngõ đi riêng, ai có bao thư nặng thì lọt qua cửa sớm.
Thứ hai, xét về kỹ nghệ sản xuất sắt thép trên thị trường thế giới hiện nay, số lượng sắt thép đang dư thừa, nhất là tại Trung Cộng. Trong khi các nước Âu, Mỹ đang tìm cách ngăn chận TC bán phá giá để duy trì mực dộ sản xuất trong nước, trước nạn thất nghiệp đang xảy ra, vì nền kinh tế các nước này chậm lại.
Có nguồn tin cho rằng nhà máy sắt thép của VN chỉ là vỏ bọc để tiêu thụ sản phẩm sắt thép thặng dư từ Trung Cộng. Điều này phần nào trả lời cho câu hỏi thứ ba, là tiền ở đâu để có gần 11 tỷ đô la đầu tư vào dự án. Ông Lê Phước Vũ đã quả quyết trước các cổ đông rằng, chuyện ấy đã chuẩn bị cả rồi. Như thế người ta hiểu rằng vốn đầu tư vào các trang thiết bị, và những phí khoản khác đã có người chống lưng. Ông Vũ cũng cho biết máy móc và nguyên liệu mua từ Trung Cộng với giá rẻ. Như vậy kẻ chống lưng không ai khác là từ Trung Cộng. Điều này còn được chứng minh rõ hơn khi biết rằng Hoa Sen mời nhóm CISDI thiết kế dự án. Đây là một tập đoàn đến từ Trùng Khánh, Trung Cộng, mà gốc của nhóm này do Bắc Kinh điều động. CISDI là nhóm đã tư vấn thiết kế xây dựng dự án của Formosa Hà Tĩnh, và đã có phép hoạt động ở VN từ tháng 11 năm 2012
Về việc bảo vệ môi trường, ông Vũ cho biết sẽ sử dung cộng nghệ cao từ Tây Âu. Phát biểu như vậy chỉ dành cho người điếc và kẻ mất trí, còn những người đã từng làm việc trong lãnh vực bảo vệ môi trường, đã từng giải quyết những trường hợp gây ô nhiệm, không ai dám bảo đảm 100% như ông Vũ, chưa nói tới những tốn kém không thể lường trước được. Hãy nhìn vào hậu quả của Formosa hiện nay thì đủ biết.
Một câu hỏi khác cũng không kém quan trọng, là lấy đâu ra 30,000 mét khối nước ngọt một ngày, để vận hành dự án hầu sản xuất 16 triệu tấn thép một năm, ở một vùng khô hạn nhất nước như Ninh Thuận. Chưa nói đến việc thanh lọc lượng nước phế thải lớn lao ấy khó khăn và tốn kém bao nhiêu. Rồi sẽ có bao nhiêu công nhân, thân nhân dọn đến gần khu vực sinh sống và làm việc? Họ sẽ lây nước ở đâu để nấu nướng, tắm giặt hàng ngày? Ông Vũ nói rằng sẽ biến nước biển thành nước ngọt để dùng cho nhà máy, xét về nguyên tắc khoa học thì đúng, nhưng ông có biết lượng điện và thiết kế nhà máy tốn bao nhiêu không? Tại Âu, Mỹ hiện nay, trung bình biến đổi được một mét khối nước ngọt từ nước biển là 24 cents, như vậy cần 7200 đô la Mỹ cho tiền nước mỗi ngày, đủ để mua 19 tấn thép hiện nay. Còn lấy đâu ra 2400 Mega watt điện để vận hành nhà máy như dự tính?
Nếu giải quyết tốt đẹp tất cả những vấn nạn nêu trên, vẫn còn một điểm hết sức quan trọng cần phải đặt ra. Nếu ai đã từng đi qua Cà Ná, một vùng biển trong xanh tuyệt đẹp, đang có nguy cơ biến mất, để trở thành một Vũng Áng thứ hai, không khải để phát triển kinh tế, mà như bà Nguyễn Nguyên Bình, con gái của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng đó là lối đi vòng trong kế “man thiên quá ải” để Trung Cộng xâm nhập nước ta qua những ngả như Bô xít Tây Nguyên, Formosa, các nhà máy nhiệt điện, và nay là Cà Ná.
Xét cho cùng thì những dự án như nói trên chỉ là cách để tập đoàn lãnh đạo CSVN, và những nhóm lợi ích trục lởi, làm giàu, còn hậu quả thì dân ta gánh chịu. Nên bằng mọi cách phải chận đứng dự án nguy hiểm này.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bàn quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment