Wednesday, September 7, 2016

Ông Nguyễn Phú Trọng chủ tâm rước giặc vào nhà?

BinhLuan

Cộng đồng mạng Việt Nam vẫn chưa hết bàn tán về vụ nhóm hacker 1937CN của Trung Quốc gây sự cố tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 29/7 vừa qua. Đám hacker đã tấn công trang web của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam rồi chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài, trước khi tung ra những thông tin xuyên tạc về vấn đề Biển Đông, xúc phạm Việt Nam và Philippines.
Sự cố này khiến nhiều người giật mình lo lắng, bởi hiện nay hạ tầng mạng của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei và ZTE. Đây là hai tập đoàn từ nhiều năm qua đã bị vạch mặt chỉ tên là công cụ phục vụ đắc lực cho chính quyền Trung Quốc trong hoạt động thu thập thông tin tình báo trên khắp thế giới. Vào Google gõ dòng chữ “Huawei; ZTE; gián điệp” thì chỉ nửa giây sau, công cụ tìm kiếm này đã cho ra hơn 13.000 kết quả. Nghĩa là thông tin về việc hai tập đoàn thiết bị viễn thông này làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh đã đầy rẫy trên mạng.
Cuối tháng 1/2015, trang Thanh Niên Online khởi đăng loạt bài 5 kỳ với nhan đề “’Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam”, trong đó có đoạn: “Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam công bố tháng 4/2013, có tới 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Đặc biệt, hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng của các nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc này.” Bài báo cho biết thêm là nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Anh, Úc và Ấn Độ đã “cấm cửa” Huawei từ lâu. Thậm chí, Michael Hayden, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) còn thẳng thừng khẳng định chuyện Huawei làm gián điệp cho Bắc Kinh là điều “không phải bàn cãi”.
Những thông tin về việc Huawei và ZTE làm gián điệp cho nhà cầm quyền Trung Quốc không phải gần đây mới nổi lên, mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước.
Ngày 30/3/2009, tờ Daily Mail của Anh đăng bài: “Trung Quốc có thể sử dụng mạng lưới của British Telecom để phát động cuộc tấn công mạng làm tê liệt nước Anh”. Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Liên hợp Alex Allen được cho là đã thông báo về mối đe doạ này trong một cuộc họp của uỷ ban liên bộ về an ninh quốc gia hồi tháng 1/2009. Tháng 4/2005, Huawei đã ký hợp đồng cung cấp những bộ phận then chốt cho mạng viễn thông mới của British Telecom. “Một cuộc tấn công mạng có thể làm ngưng trệ mạng lưới cung cấp điện, nước, hệ thống phân phối thực phẩm, giao thông vận tải, tài chính, điện thoại và truyền hình”, bài báo viết.
Ngày 30/4/2010, tờ New York Times đăng bài “Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các hãng điện thoại di động hoãn các thương vụ mua thiết bị viễn thông Trung Quốc”. Theo bài báo, lo ngại trước các báo cáo về hoạt động gián điệp và hacker của Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã ngăn các nhà mạng di động trong nước giao dịch với các công ty sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc.
Ngày 28/6/2010, tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học & Công nghệ) đăng bài “Chiến lược chiếm lĩnh thị trường thế giới của Trung Quốc”, trong đó có đoạn: “Ngay cả các nhân viên tình báo Đức cũng phải nhăn mặt mỗi khi nghe đến cái tên Huawei và họ luôn cảnh báo các bên liên quan phải hết sức cảnh giác, nhất là đối với các lĩnh vực cần có độ an toàn cao. Người ta cho rằng điệp viên Trung Quốc có thể đột nhập lối cửa sau vào các công trình mà Huawei cung cấp thiết bị mạng để lấy thông tin mật của doanh nghiệp mà không sợ bị lộ.”
Ngày 1/8 vừa qua, trang Bauxite Việt Nam đã đăng bài “Huawei (Hoa Vi)”. Trong bài, tác giả Mạnh Kim viết: “…Cho đến nay, dù nhiều lần báo chí trong nước đã đề cập yếu tố an ninh quốc gia liên quan đến việc sử dụng các thiết bị Hoa Vi nhưng chưa từng có động thái cụ thể gì từ giới chức trách trong việc giám sát các thương vụ làm ăn cũng như hệ thống kỹ thuật mà Hoa Vi cung cấp. […] Nếu các hệ thống mạng cấp quốc gia, từ mạng an ninh nội bộ, hệ thống điện lưới quốc gia, đến hệ thống điện tử quốc phòng, bị tấn công thì sẽ phản ứng như thế nào…”
Tuy nhiên, nếu từ đó mà vội đi đến kết luận rằng lãnh đạo Việt Nam không quan tâm gì đến Huawei, ZTE nói riêng và an ninh mạng quốc gia nói chung thì quả là oan ức cho họ. Bằng chứng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân vật vẫn được coi là đứng đầu chính thể hiện nay ở Việt Nam, từng ít nhất hai lần xuất hiện trên mặt báo cùng hai cái tên nói trên. Vậy với tư cách là người phải chịu trách nhiệm cao nhất về những gì diễn ra ở Việt Nam hơn 5 năm qua, ông ta đã quan tâm lo lắng cho vấn đề an ninh quốc gia hệ trọng này như thế nào?
Trong chuyến công du Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư ĐCSVN, ông Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đoàn tuỳ tùng hùng hậu của mình đến thăm tập đoàn Huawei tại thành phố Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông, vào ngày 14/10/2011. Tại trụ sở tập đoàn này, TBT Trọng đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Huawei và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về việc thành lập Trung tâm Phát triển, Nuôi dưỡng và Ứng dụng ICT.
Với việc được người chịu trách nhiệm cao nhất về an ninh quốc gia hết dành cho đặc ân thăm viếng tận nơi lại đến lượt ưu tiên tiếp đón trọng thị và nhiệt thành ủng hộ việc mở rộng hợp tác làm ăn tại Việt Nam thì liệu còn ai trong cái đám “công bộc” vốn chỉ biết “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” kia dám to gan “ý kiến ý cò” gì về Huawei hay ZTE?
Tác giả Mạnh Kim kết thúc bài viết về Huawei của mình bằng câu: “Chủ quyền không chỉ liên quan đến biển đảo. Chủ quyền là các vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia nói chung trong đó có an ninh mạng…” Về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho hậu thế câu phát ngôn bất hủ: “Tình hình Biển Đông không có gì mới” (!!!). Còn về trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia trong lĩnh vực mạng viễn thông thì với những gì nêu trên, chẳng phải là người đứng đầu Đảng CSVN đã chủ tâm “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ” hay sao?
Lê Anh Hùng

No comments:

Post a Comment