Ngày 01.09.2016, hàng vạn người dân Nghệ Tĩnh xuống đường biểu tình yêu cầu đóng cửa vĩnh viễn công ty Formosa, đồng thời đặt ra một câu hỏi hết sức hệ trọng đối với nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội: “Chọn nhân dân hay chọn Formosa?”, trước thực tại lòng dân như vậy thì nhà cầm quyền sẽ phải tính sao đây?
Nói về người dân Nghệ Tĩnh, thương về những ngư dân đang mỏi mòn trống vắng. Tố chất và khí phách của người Nghệ Tĩnh có thể nói là truyền thống yêu quê hương đất nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết gắn bó đã làm đẹp thêm truyền thống văn hóa của người nơi đây.
Dường như họ không biết mệt là gì, đói khổ, nắng nóng, đàn áp cũng không thể khuất phục họ ngày đêm tranh đấu cho môi trường sống của đất nước được trong sạch.
Cái giá của người dân miền Trung phải trả thật là đắt, cái giá đắt đó đang được đong đếm bằng những sự thực phũ phàng: ngư trường của người dân ven biển tại bốn tỉnh miền Trung bị đóng kín, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, văn hóa và tương lai con cháu của họ. Cái giá của họ là luôn luôn ở trong tình trạng bị đánh đập, đàn áp, bắt giữ, thậm chí bỏ mạng khi họ đứng lên đòi quyền sống chính đáng. Nhưng cái giá đó không cứa nổi vào trong họ những vết thương lòng khó chữa khỏi, mà cái giá đắt nhất được tính bằng cả thời gian cho tương lai con cháu của họ. Dĩ nhiên, người dân miền Trung hiểu được cái giá mà con cháu phải trả nên họ quyết một lòng “hi sinh đời bố, củng cố đời con”. Cả năm trời những người dân nơi đây có dám ăn con cá biển dù đó là quà tặng thiên nhiên cho đời sống của họ. Đời con đời cháu của họ rồi sẽ ra sao khi nhà máy Formosa còn đó, nhà máy còn đó thì chất độc vẫn cứ điềm nhiên thải ra biển, độc tố quạch đắng trong biển cả thì cá tôm đâu còn là cá tôm.
Cái nắng gắt chói chang của mùa hè nóng nực, cái gió Lào oi ả như thiêu đốt da thịt con người, thiên nhiên chẳng ưu ái người dân miền Trung là bao, cái dải đất khô cằn này chỉ còn trông chờ nương nhờ biển cả mặn mòi, ấy thế mà bọn đương quyền lại nỡ ra tay cướp nốt đi cái lựa chọn sống còn của họ.
Thương về miền Trung, trong lòng trĩu nặng những ưu tư và lắng lo cho những người anh chị em, cảm xúc bâng khuâng vài vần thơ để giãi bày nỗi niềm:
Hắt lưng ta gió Lào thiêu đốt
Đống lúa bỏ hoang, biển chết thuyền tang
Những con cá ngấm độc không đủ nuôi người
Sống đời lao đao nói cười lịm tắt
Chỉ còn nước mắt quyện máu tươi thành biển
Và gian tà và đói khổ lên ngôi
Ôi đất nước tôi!
Vào thời kỳ phong kiến độc lập (từ thế kỷ X trở đi), miền đất Nghệ – Tĩnh nói chung và Hà Tĩnh nói riêng từng là trung tâm của nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Rồi đến những năm đầu thế kỷ XV, người dân nơi đây đã vùng dậy khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược. Điển hình là tấm gương Đặng Tất (Can Lộc) trong cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi; Đặng Dung (con Đặng Tất) và Nguyễn Biểu (huyện Chi La – Đức Thọ) trong cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoách.
Và còn bao phen họ vùng dậy chống lại ách thống trị hà khắc của bọn lại tặc cường hào, ác bá. Trong đó có cuộc khởi nghĩa của nhân dân Hương Sơn do Lê Hữu Tạo dẫn đầu (1818), rồi đến khởi nghĩa Phan Bô (1833 – 1837) ở Thạch Hà. Phong trào đấu tranh của nhân dân còn tiếp diễn trong suốt nhiều năm của triều Nguyễn.
Thời khắc này không lẽ gì chúng ta lại không tin thêm một lần nữa người dân xứ này sẽ là hứng khởi cho cả dân tộc Việt Nam vùng lên đánh đuổi bọn giặc môi trường Formosa và những kẻ nhuộm đỏ đất biển miền Trung.
Lê Sơn
No comments:
Post a Comment