Saturday, January 4, 2014

Phan Bội Châu và phong trào Đông Du

Thứ Bảy, ngày 04.01.2014
Kính thưa quý thính giả,
Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm VN, rất nhiều trí thức đã tham gia kháng chiến giành lại độc lập cho nước nhà. Một chí sĩ mới 17 tuổi đã viết bài hịch "Bình Tây Thu Bắc", sau đó lập đội ""Sĩ Tử Cần Vương" và muốn cải tổ "Việt Nam Quang Phục Hội" thành "Đảng Quốc Dân Việt Nam". Nhưng chưa kịp hành động thì bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải ngày 30/6/1925 và bị giải về nước với án tù chung thân. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Phan Bội Châu và phong trào Đông Du" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Cụ Phan Bội Châu tên thật là Phan Văn San, tự Hải Thu, bút hiệu là Sào Nam. Cụ sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha là Phan Văn Phổ, mẹ là Nguyễn Thị Nhàn.

Cụ Phan nổi tiếng thông minh từ thuở nhỏ, mới lên 6 tuổi đã đọc thuộc cuốn "Tam Tự Kinh" trong vòng 3 ngày. Năm 7 tuổi đã thông hiểu sách "Luận Ngữ" và năm 13 tuổi thì đỗ đầu kỳ thi huyện.
Vì có lòng yêu nước, năm 17 tuổi, cụ viết bài hịch "Bình Tây Thu Bắc" để hưởng ứng việc khởi nghĩa chống Pháp. Năm 19 tuổi, cụ cùng người bạn là Trần Văn Lương lập đội "Sĩ Tử Cần Vương" quy tụ 60 nghĩa sĩ, vì bị quân Pháp đàn áp nên tan rã.
Đến khoa thi Hương năm 1900, cụ Phan đậu giải nguyên (tức thủ khoa) tại tỉnh Nghệ An. Sau đó, cụ bôn ba khắp nước để kết giao với các chí sĩ như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền v.v... Năm 1904, cụ cùng Nguyễn Hàm và khoảng 20 nhân sĩ thành lập Duy Tân Hội ở Quảng Nam để chống Pháp, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để được bầu làm hội trưởng.
Năm 1905, cụ cùng Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc và Nhật Bản, để cầu viện hai nước giúp Duy Tân Hội đánh đuổi quân Pháp. Tại Nhật, cụ gặp Lương Khải Siêu và được khuyên nên dùng văn thơ để thức tỉnh lòng yêu nước của người dân Việt. Được hai nhân vật quan trọng của đảng cầm quyền ở Nhật là Bá tước Ôi Trọng Tín và Thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị khuyên bảo, cụ cổ động thanh niên Việt ra nước ngoài học tập để giúp nước.
Tháng 8 năm 1905 tại Hà Tĩnh, cụ họp bàn với các nhân sự nồng cốt trong Duy Tân Hội, đề ra các kế hoạch như sau:
-Đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ra nước ngoài để vận động ngoại giao.
-Lập các hội sĩ, nông, công, thương để tập hợp quần chúng và tìm tài chánh hoạt động.
-Chọn một số thanh niên thông minh hiếu học, chịu được gian khổ, đưa đi du học ở nước ngoài.
Trong ba nhiệm vụ trên, thì nhiệm vụ thứ ba rất quan trọng và bí mật, nên Duy Tân Hội đã giao cho cụ Phan và Nguyễn Hàm định liệu. Từ đó, phong trào Đông Du do hai cụ phát động được đông đảo người dân ở cả 3 miền tham gia và ủng hộ.
Năm 1906, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để qua Nhật học trường Chấn Võ. Đến năm 1908, số học sinh sang Nhật du học lên đến khoảng 200 người, sinh hoạt trong một tổ chức lấy tên là "Cống Hiến Hội".
Khi Pháp và Nhật ký hiệp ước, chính phủ Nhật liền trục xuất các du học sinh người Việt ra khỏi đất Nhật. Tháng 3 năm 1909, hai cụ Cường Để và Phan Bội Châu cũng bị trục xuất nên phong trào Đông Du tan rã.
Trong thời gian này, ở nhiều nơi trong nước, mọi hoạt động quyên góp tài chánh và chuẩn bị vũ trang bạo động của Duy Tân Hội đều bị thực dân Pháp triệt hạ. Những người sống sót phải vượt biên sang Trung Hoa, Thái Lan hay Lào để lánh nạn.
Cuối năm 1910, cụ Phan chuyển khoảng 50 thanh niên ở Quảng Đông về xây dựng căn cứ địa ở Thái Lan. Đến tháng 5 năm 1912, trong đại hội tại nhà tướng Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Đông - Trung Hoa, đại biểu khắp 3 kỳ quyết định giải tán Duy Tân Hội và thành lập Việt Nam Quang Phục Hội, thay đổi chủ nghĩa quân chủ sang dân chủ để đánh đuổi quân Pháp, thành lập nước Cộng Hòa Dân Quốc Việt Nam, đáp ứng tình hình trên chính trường quốc tế.
Các cuộc tấn công bằng chất nổ của hội sau đó đã khiến nhà cầm quyền Pháp tăng cường đàn áp, khiến cho nhiều người bị bắt và bị giết. Cụ Phan và Cường Để bị kết án tử hình vắng mặt.
Năm 1913, thực dân Pháp "mặc cả" với Tổng đốc Quảng Đông là Long Tế Quang để bắt cụ Phan và các yếu nhân của Việt Nam Quang Phục Hội. Cụ Phan bị bắt nhưng nhờ Nguyễn Thượng Hiền ở Bắc Kinh vận động, nên Long Tế Quang không nộp cụ Phan cho Pháp, mà chỉ giam tại nhà tù Quảng Đông.
Năm 1922, theo đường lối Quốc Dân Đảng của Tôn Trung Sơn, cụ định cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội thành Đảng Quốc Dân Việt Nam. Nhưng chưa kịp cải tổ thì bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải ngày 30/6/1925 và bị giải về nước, kết án tù chung thân.
Nhờ phong trào đấu tranh của dân chúng và sự can thiệp của Toàn quyền Pháp, cụ bị đưa về quản thúc tại gia ở Bến Ngự - Huế. Trong 15 năm cuối đời, cụ vẫn giữ tròn phẩm cách và không ngừng động viên tinh thần yêu nước bằng văn thơ.
Cụ Phan Bội Châu mất ngày 29/12/1940 tại Huế. Tên cụ sau đó được đặt cho trường học của tỉnh Nghệ An, một phố lớn tại Hà Nội và nhiều con đường ở khắp các tỉnh thành.
* * *
Có thể nói, ít có người Việt nào không biết đến cái tên Phan Bội Châu, một chí sĩ trọn đời cống hiến tâm huyết cho cuộc kháng chiến chống Pháp và dựng lại nền tự chủ cho nước nhà. Nhưng vận nước lênh đênh khiến Cụ không đạt được ước nguyện mà tiếp tục bị cầm tù cho đến cuối đời.
Cả thế giới nói chung, và xứ sở Nam Phi nói riêng, vừa vinh danh nhà đấu tranh Nelson Mandela. Nhưng nếu so về mức độ dấn thân và số năm gian truân vì tù tội, thì cụ Phan Bội Châu đã vượt xa ông Mandela. Rất đáng tiếc là Cụ đã "sinh bất phùng thời", không được may mắn như ông Mandela để trở thành một danh nhân thế giới.
Nhưng điều an ủi là tên tuổi của cụ Phan Bội Châu đã đi vào lịch sử và tâm hồn mọi con dân Việt của hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment